Phát triển mô hình hợp tác xã VietGAP
Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP tạo ra các sản phẩm có chất lượng sạch, mẫu mã đẹp… đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP tạo ra các sản phẩm có chất lượng sạch, mẫu mã đẹp… đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, ngày càng phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Được sự hỗ trợ của Ban Kinh tế (Hội Nông dân Việt Nam) và Hội Nông dân tỉnh, cuối năm 2020, xã Yên Nghĩa (Ý Yên) thành lập chi Hội Nông dân nghề nghiệp là HTX chăn nuôi Phú Nghĩa. Ông Nguyễn Hồng Phú, Giám đốc HTX cho biết: Hiện HTX có 15 thành viên, nuôi gần 15 nghìn con gà, chủ yếu là giống gà M18 được nhập từ Viện Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT). Tham gia mô hình, các thành viên trong HTX đã đăng ký thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt - VietGAP và được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở NN và PTNT) hướng dẫn. Trong quá trình nuôi, các thành viên phải cam kết và thực hiện đúng yêu cầu của quy trình VietGAP, sử dụng thức ăn chăn nuôi của Công ty CP Vina HTC và Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam để đảm bảo nguồn sản phẩm trứng gà “sạch” đồng nhất. Đồng thời duy trì chế độ sinh hoạt định kỳ, thường xuyên trao đổi thông tin về kỹ thuật chăn nuôi. Sau nửa năm đi vào hoạt động, HTX chăn nuôi Phú Nghĩa đang đạt hiệu quả đề ra với định hướng thực hiện liên kết theo chuỗi sản xuất trứng gà sạch, tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống và phát triển sản xuất bền vững cho các thành viên. Năm 2014, HTX sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa, xã Xuân Hòa (Xuân Trường) được thành lập với 18 thành viên quản lý 15ha nuôi trồng thủy sản nhằm mục đích tương hỗ về các khâu con giống, kỹ thuật, thức ăn và đầu ra tiêu thụ sản phẩm, hạn chế dịch bệnh xảy ra tại các vùng nuôi. Sau một thời gian hoạt động, HTX kết nạp thêm 8 thành viên, nâng tổng diện tích nuôi lên 25ha nuôi các loại cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, chép, nuôi xen canh tôm thẻ chân trắng. Tham gia HTX, các thành viên được hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP khá nghiêm ngặt, kiểm soát chặt chẽ từ vật tư đầu vào cho đến đầu ra sản phẩm. Tất cả các hoạt động từ thả con giống, cho cá ăn… đều được ghi chép đầy đủ, đảm bảo đúng quy trình sản xuất. Nguồn nước được kiểm tra định kỳ hàng tháng. Trong quá trình sản xuất, các thành viên không sử dụng kháng sinh, hóa chất; chỉ sử dụng men vi sinh để xử lý môi trường nước. Ông Lê Văn Bản, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây nuôi theo cách cũ, dịch bệnh trên cá, tôm liên tục xảy ra. Từ khi áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, dịch bệnh giảm; tôm, cá lớn nhanh, chất lượng thơm ngon, đầu ra thuận lợi, giá bán cũng cao hơn trước. Các thành viên đã thay đổi được nhận thức trong hoạt động sản xuất nuôi thủy sản. HTX quản lý được đầu vào con giống, đầu ra cá thương phẩm, nguồn nước dưới ao… phát triển nuôi thủy sản bền vững. Hiện HTX có 11,1ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP, đưa diện tích sản xuất tôm, cá sạch được chứng nhận đạt 40% tổng diện tích đang có.
Thời gian qua, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cấp, ngành, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh theo hướng VietGAP, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp và thực hiện chuỗi liên kết với các doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 25 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trong đó có nhiều HTX tham gia liên kết đã được chứng nhận VietGAP như: vùng sản xuất gạo Nếp Bắc, gạo huyết rồng 15ha của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nghĩa Bình, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng); vùng sản xuất gạo đặc sản hữu cơ của HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, xã Hải An (Hải Hậu); vùng trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nam Cường, xã Yên Cường (Ý Yên); chuỗi sản xuất “thịt lợn sạch Nam Sơn” của HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên); chuỗi sản xuất gạo thảo dược và trứng gà sạch của HTX cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản); vùng nuôi tôm thẻ chân trắng của HTX nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong, xã Giao Phong (Giao Thủy)… Từ kết quả thực tế, số lượng các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được chứng nhận VietGAP đang ngày càng được nhân rộng. Qua đó, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Hải Hậu cho biết: “Phát triển HTX VietGAP đã thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của nông dân các địa phương, đồng thời định hướng bà con từng bước thích ứng với yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, giúp ổn định kinh tế hộ. Ngoài lợi ích về kinh tế trước mắt, mô hình HTX VietGAP còn mang đến cho người nông dân, người tiêu dùng những lợi ích lâu dài”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển mô hình HTX VietGAP của tỉnh hiện nay vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định do đặc thù quy mô sản xuất của nông dân vẫn chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất mặc dù đã từng bước được đầu tư nâng cấp song chưa đáp ứng được yêu cầu khắt khe của quy trình sản xuất VietGAP. Chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân mạnh dạn đầu tư công nghệ vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp an toàn. Khả năng tiếp thu và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, nhất là quy trình VietGAP của nông dân còn nhiều hạn chế. Số lượng, quy mô chuỗi liên kết sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của tỉnh. Mặt khác người tiêu dùng vẫn còn tư tưởng “ham rẻ” nên sản phẩm nông nghiệp an toàn khó cạnh tranh về giá trên thị trường.
Nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn trong khối bếp ăn tập thể của các công ty, bệnh viện, trường học, nhà hàng... ngày càng tăng cao mở ra thị trường tiềm năng cho các HTX phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP. Vì vậy các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân mong muốn các cấp, ngành và địa phương tiếp tục gia tăng các chính sách hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi sản xuất theo quy trình VietGAP. Đây cũng là động lực đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới nâng cao của tỉnh./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh