Phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm đẩy mạnh, góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Giới thiệu sản phẩm OCOP cho khách hàng tại Siêu thị Qi Mart (Kim Động)

Sau 4 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP thu hút nhiều chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và cá nhân tham gia. Qua đó, giúp các địa phương phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh và nâng cao giá trị kinh tế. Đến nay, toàn tỉnh có 195 sản phẩm OCOP được đánh giá và phân hạng 4 sao, 3 sao. Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, các giá trị văn hóa của tỉnh.

Siêu thị Qi Mart nằm ven Quốc lộ 39 ở thị trấn Lương Bằng (Kim Động) thu hút đông khách hàng đến mua sắm mỗi ngày. Bên trong cửa hàng rộng hàng trăm mét vuông bày bán nhiều mặt hàng, song vẫn sắp xếp vị trí bắt mắt nhất để giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Anh Trần Đoàn Quân, quản lý Siêu thị Qi Mart cho biết: Hiện nay, cửa hàng giới thiệu, bày bán trên 20 sản phẩm OCOP của tỉnh. Tất cả sản phẩm đều có dán tem, nhãn, giấy chứng nhận OCOP của cơ quan chức năng. Chúng tôi mong muốn trở thành điểm giới thiệu đặc sản địa phương đến người tiêu dùng, góp phần phát triển sản phẩm OCOP, hỗ trợ đầu ra ổn định cho người dân.

Chị Nguyễn Thị Huỳnh, khách hàng ở xã Song Mai (Kim Động) chia sẻ: Đến mua tại cửa hàng bán sản phẩm OCOP tôi không cần mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu xuất xứ hàng hóa, không còn lo hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Sản phẩm bày bán tại cửa hàng rất phong phú, đa dạng và có thương hiệu như: Mật ong, long nhãn, tinh bột nghệ, chuối sấy..., giá cả có cao hơn một chút so với giá bán ở chợ, nhưng tôi vẫn lựa chọn vì bảo đảm chất lượng.

Không chỉ bán lẻ tại các cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể sản xuất đã xây dựng kế hoạch lâu dài để mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước đưa những sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Anh Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Hợp tác xã đầu tư sản xuất và thương mại phát triển nấm sạch Việt Tú, xã Phú Thịnh (Kim Động) cho biết: Khác với kênh bán hàng truyền thống, kênh thương mại điện tử giúp chúng tôi giới thiệu, quảng bá, đưa thông tin đầy đủ, chi tiết về sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng trong nước. HTX hiện có 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao là đông trùng hạ thảo và 4 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao: Trà dưỡng tâm an thần, trà linh chi, cao linh chi, trà đông trùng hạ thảo. Ngoài việc bán hàng qua mạng xã hội, chúng tôi xây dựng các gian hàng bán hàng trên một số sàn thương mại điện tử.

Thời gian qua, tỉnh quan tâm hỗ trợ các chủ thể OCOP mở cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP tại các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 7 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào, huyện Phù Cừ, Kim Động, Tiên Lữ. Các gian hàng này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, mở ra cơ hội quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng. Cùng với đó, Sở Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín trong nước. Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Hưng Yên (www.ecomhungyen.vn) được duy trì vận hành và phát triển, trong đó có nhiều gian hàng giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP, giúp sản phẩm OCOP có cơ hội lan tỏa đến nhiều người tiêu dùng. Hằng năm, Sở Công Thương tổ chức các hoạt động hội chợ, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện để các chủ thể đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ để quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh giao thương...

Đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 70-100 sản phẩm OCOP được công nhận, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận lên 265-280 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên; 100% sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên được đưa lên sàn thương mại điện tử (postmart.vn và voso.vn,… hoặc ứng dụng thương mại điện tử khác như Ketnoiocop.vn, Shopee.vn, Tiki.vn, Lazada.vn…); có ít nhất 50% số chủ thể sản xuất tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử)... Thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi các ngành, địa phương và chủ cơ sở sản xuất cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng thời chú trọng hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng.

Hương Giang

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202301/phat-trien-mo-rong-thi-truong-tieu-thu-san-pham-ocop-5fd23fa/