Phát triển ngành dịch vụ trọng tâm, chất lượng cao

Thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả và bền vững, tỉnh tập trung nguồn lực phát triển các ngành dịch vụ đồng bộ, hiện đại, có sức cạnh tranh và chất lượng cao, trọng tâm là lĩnh vực dịch vụ du lịch và vận tải logistics. Từ đó, từng bước trở thành điểm sáng về tăng trưởng kinh tế của cả nước cũng như thúc đẩy phát triển KT - XH của tỉnh trong dài hạn.

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành. Ảnh: Nguyễn Lượng

Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành. Ảnh: Nguyễn Lượng

Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Cùng với thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, khu vực dịch vụ của tỉnh ngày càng mở rộng với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhất là lĩnh vực trọng tâm như dịch vụ du lịch và logistics.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để cải thiện môi trường đầu tư, khai thông nguồn lực, tháo gỡ nút thắt phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực du lịch, logistics nói riêng như Chiến lược thu hút vốn FDI tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, du lịch Vĩnh Phúc giai đoạn 2011-2020; Chương trình hành động số 41 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Đồng thời tập trung huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước… nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược, khai thác triệt để tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số địa điểm du lịch có tầm cỡ như khu du lịch Tam Đảo, Flamingo Đại Lải Resort, Khu di tích danh thắng Tây Thiên, Sông Hồng Resort... Hệ thống nhà hàng, khách sạn được đầu tư ngày càng hiện đại và tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Trong lĩnh vực logistics, Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc được đầu tư và đi vào hoạt động giai đoạn 1. Đây là "siêu cảng" với chức năng tích hợp của trung tâm phân phối và cảng cạn để phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ logistics theo nhu cầu của thị trường.

Tại đây, nhà đầu tư đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với đối tác trong nước và quốc tế về phát triển hạ tầng logistics đường sắt, đường bộ, đường thủy. Qua đó, từng bước phát triển hệ thống hậu cần thông minh trên toàn ASEAN và thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày càng phát triển.

Nhờ đó, 2 tháng đầu năm, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1.163 tỷ đồng, tăng 15,97% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành đạt 27,36 tỷ đồng, tăng 6,92% so với cùng kỳ.

Hoạt động kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận tải và bưu chính, chuyển phát của tỉnh đạt doanh thu 85,3 tỷ đồng, tăng 52,28% so với cùng kỳ, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, có hướng phát triển mạnh.

Nhân viên Công ty cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh, phường Phúc Thắng (Phúc Yên) kiểm đếm hàng hóa trước khi vận chuyển. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nhân viên Công ty cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh, phường Phúc Thắng (Phúc Yên) kiểm đếm hàng hóa trước khi vận chuyển. Ảnh: Nguyễn Lượng

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics, Công ty cổ phần Giao nhận kho vận Mê Linh (MTO Logistics) ở phường Phúc Thắng (Phúc Yên) hiện đang cung cấp dịch vụ cho khoảng 100 khách hàng lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh.

Đáng chú ý, MTO Logistics còn là thành viên của Hiệp hội giao nhận kho vận thế giới (FIATA), Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS) và được cơ quan có thẩm quyền công nhận là điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung. Đây cũng là điểm thông quan đầu tiên và duy nhất tại Vĩnh Phúc.

Nhờ đó, MTO Logistics luôn đạt doanh thu năm sau cao hơn năm trước; tạo việc làm ổn định cho gần 100 lao động với thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/người/tháng.

Đại diện MTO Logistics cho biết: Để bắt nhịp xu hướng logistics thông minh, công ty tiếp tục áp dụng công nghệ số vào các hoạt động chỉ đạo, điều hành, sản xuất kinh doanh.

Đẩy mạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu để tạo thành mạng lưới logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Đồng thời, mở rộng hình thức kinh doanh như thủ tục xin cấp phép, giấy phép của các mặt hàng… góp phần mở rộng thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển.

Tiếp tục khẳng định dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP của tỉnh chỉ đứng sau ngành công nghiệp - xây dựng, trọng tâm là phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch và logistics theo hướng hiện đại, bền vững, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và người dân đối với sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ, logistics.

Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý các quy hoạch, tạo quỹ đất phát triển dịch vụ du lịch, hạ tầng logistics. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển dịch vụ du lịch, logistics.

Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án thương mại dịch vụ. Xây dựng danh sách các nhà đầu tư chiến lược, danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong các lĩnh vực để chủ động tiếp xúc, mời gọi nhà đầu tư chiến lược.

Tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực các ngành dịch vụ, logistics. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm phát triển dịch vụ của vùng và khu vực.

Ngọc Lan

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/125450//phat-trien-nganh-dich-vu-trong-tam-chat-luong-cao