Phát triển ngành hàng không trong bối cảnh mới

Việc củng cố sức khỏe tài chính và năng lực cạnh tranh cho các DN nhà nước nói chung, của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam nói riêng, là cần thiết nhằm phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế, tận dụng cơ hội phát triển...

Đây là ý kiến chung của các chuyên gia tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam - từ thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam” do Tạp chí Cộng sản, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và Đảng ủy Khối DN Trung ương tổ chức sáng 10/11.

Âm vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế

PGS, TS. Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cho biết, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) rất rõ, vì giữ vị trí then chốt, là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước, là công cụ hỗ trợ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế,ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế. DNNN đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, trong nhiều lĩnh vực hạ tầng quan trọng như viễn thông, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng...

Các đại biểu, chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.

Các đại biểu, chuyên gia thảo luận tại Hội thảo.

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội (2024), tính đến cuối năm 2023, cả nước có 671 DNNN bao gồm 06 tập đoàn kinh tế, 53 tổng công ty Nhà nước và 19 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con. Trong đó, tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng, nhưng khối các tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ - con lại có vai trò kinh tế quan trọng, nắm giữ 92% tổng tài sản và 90% tổng vốn chủ sở hữu, 93% tổng doanh thu và 85% tổng đóng góp ngân sách nhà nước của DNNN trên toàn quốc. Tổng tài sản và tổng vốn chủ sở hữu của khối DNNN đạt lượt lượt là 3.899.447 tỷ đồng và 1.838.707 tỷ đồng. Tuy nhiên với nhiều nhiệm vụ chính trị, xã hội phải gánh vác làm cho hiệu quả kinh tế của DNNN có thể bị ảnh hưởng.

Với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – VNA), hiện VNA có quy mô tổng tài sản gần 58.000 tỷ đồng, với đội máy bay trên 100 chiếc giữ vị trí quan trọng trong vận tải hàng không. Bề dày lĩnh vực hàng không trên 30 năm, VNA có nhiều lợi thế cạnh tranh và phát triển, là hãng hàng không quốc gia 4 sao đang nỗ lực hướng tới trở thành hãng hàng không quốc tế chất lượng 5 sao dẫn đầu khu vực châu Á…

9 tháng đầu năm 2024 doanh thu VNA đạt 82.000 tỷ đồng (tăng 17,4% so cùng kỳ). Lãi ròng đạt gần 6.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng trị giá 3.740 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng cũng cải thiện đáng kể, đạt 11,9% so với mức 6,1% trong cùng kỳ năm trước. Mặc dù có lãi trở lại, song VNA vẫn gánh lỗ lũy kế 35.225 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm 11.086 tỷ đồng.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA Đặng Ngọc Hòa cho biết, các hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 để lại cùng với thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế khiến cho VNA gặp khó khăn, thách thức. Hiện nay vốn chủ sở hữu Công ty mẹ tiếp tục âm, lỗ lũy kế vẫn ở mức cao, tình trạng tài chính của Tổng Công ty vẫn đang mất cân đối, các khoản nợ đến hạn và quá hạn vẫn rất lớn. Tình hình càng khó khăn khi căng thẳng địa chính trị, các hãng hàng không đang phải đối mặt hàng loạt bất lợi về chi phí nhiên liệu cao, việc nâng cấp đội bay, bổ sung thuê, mua, bảo dưỡng tàu bay, thiếu hụt nhân lực, biến động tỷ giá, giá phục vụ tại sân bay,... nên rất cần sự hỗ trợ đồng hành của Nhà nước để lớn mạnh trong thời gian tới.

Thể chế và dòng tiền, nâng tầm hiệu quả của DNNN

Chủ tịch Hội đồng quản trị VNA Đặng Ngọc Hòa cho biết, DN đã xây dựng đề án tái cơ cấu tổng thể vượt qua khó khăn, xây dựng tương lai, xin kiến nghị nhanh chóng được phê duyệt đề án. Phần chính là tăng vốn chủ sở hữu 22.000 tỷ phát hành cho cổ đông hiện hữu, các chính sách về thuế bảo vệ môi trường và chi phí cất hạ cánh… Kiến nghị đảm bảo hạ tầng và giao VNA tham gia dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, quan trọng nữa là xây dựng dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa máy bay…

Các chuyên gia đánh giá, tính toán trên phạm vi toàn cầu, từ năm 2003-2018, GDP tăng được 1% thì ngành hàng không tăng trưởng từ 1,28 - 2,03%. Trong 20 năm qua, GDP Việt Nam cứ tăng trưởng 1% thì ngành hàng không sẽ tăng trưởng khoảng từ 1 - 1,5%. Tầm quan trọng của hàng không với nền kinh tế rất lớn. Hàng không là ngành đặc biệt quan trọng, là huyết mạch của quốc gia. Không chỉ trong phát triển kinh tế, hàng không còn giữ vai trò quan trọng đối với các vấn đề an ninh, quân sự và chủ quyền quốc gia. Do đó cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động để vượt qua khủng hoảng, sớm phục hồi và phát triển bền vững.

Dù vậy, quá trình tái cơ cấu của hãng hàng không quốc gia đang gặp một số vướng mắc, bất cập do cơ chế, chính sách pháp luật chưa đồng bộ. “Trong luật quản lý vốn với DNNN, Nhà nước chỉ đưa vốn cho lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Đó là điểm nghẽn về thể chế. Nhà nước đưa thêm vốn thì vướng. Nhưng DN tăng vốn điều lệ, tăng thêm phát hành ra công chúng thì Luật Chứng khoán quy định DN thua lỗ không được phát hành ra công chúng”- ông Trương Văn Phước- nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chia sẻ.

Do đó, Nhà nước cần tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật về lĩnh vực hàng không, du lịch, các quy định của pháp luật về hoạt động của doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, đầu tư...., nhất là đối với DN do Nhà nước nắm cổ phần chi phối đề bảo đảm tính linh hoạt, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở đề xứ lý khi xảy ra những sự cố bất khả kháng.

TS Trương Văn Phước đề nghị phê duyệt ngay đề án tái cơ cấu VNA, và sửa luật chứng khoán theo hướng: “DN thua lỗ nhưng với góc nhìn nhà đầu tư nếu DN đó có tiềm năng, nhà đầu tư vẫn có thể mua cổ phiếu phát hành tự chịu trách nhiệm quyết định. Nên tập trung vốn bằng các cơ chế thể chế làm sao mục tiêu tăng vốn cho VNA nhanh nhất”..

ĐB Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng, DNNN có 3 vấn đề trụ cột là tài chính, con người và khoa học công nghệ (KHCN), nếu phát huy được sẽ phát huy hiệu quả tốt. Ông đề xuất kết hợp các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn…Về dài hạn, quá trình sửa luật nên đưa ra tiêu chí các DNNN nòng cốt, DN mang thương hiệu quốc gia được để lại 100% lợi nhuận, thí điểm cơ chế đặc thù (vốn, con người, KHCN). Trong ngắn hạn giải pháp mang tính tức thì là cần có quỹ với những DNNN đầu đàn trong tái cấp vốn.

Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ủng hộ cách nhìn dài hạn. Cần đánh giá ra soát xem lại hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Từ đó bổ sung, chỉnh sửa triệt để và kịp thời thì sẽ tạo ra cú hích đột phá tạo cơ chế, chính sách thông thoáng cho DNNN nói chung và Vietnam Airlines nói riêng phát triển bền vững, cân đối giữa nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh tế. Bên cạnh đó, VNA cũng phải có giải pháp tự thân, tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Có phương án kinh doanh hợp lý, tổ chức lại hoạt động sản xuất, bảo an toàn. Thay đổi lại hệ thống mạng đường bay, thay đổi năng suất… Tái cơ cấu khoản vay, khoản nợ với các nhà cung ứng, ứng dụng KHCN…

Trâm Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-nganh-hang-khong-trong-boi-canh-moi.html