Phát triển ngành thương mại - dịch vụ: Cần định hướng đúng, giải pháp phù hợp
Ngành thương mại - dịch vụ tỉnh Quảng Trị là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề khi xảy ra đại dịch COVID-19. Nguyên nhân chính là do khách quan, nhưng vẫn có yếu tố chủ quan là khả năng thích ứng còn hạn chế. Vì thế trong giai đoạn mới, Quảng Trị đặt mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ gắn với những định hướng đúng để có thể phát triển nhanh và bền vững.
Theo đánh giá của ngành công thương, trong bối cảnh phát triển chung của kinh tế tỉnh, hoạt động lĩnh vực thương mại - dịch vụ trong những năm qua có sự phát triển tương đối. Hạ tầng thương mại tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, nhất là đối với khu vực đô thị đã hình thành được các kênh bán hàng hiện đại, văn minh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Thị trường nội địa được giữ ổn định, các kênh phân phối hàng hóa được thiết lập thông suốt từ thành thị đến nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa. Hoạt động bán lẻ hàng hóa dọc tuyến Quốc lộ 1 được khai thác tốt, thu hút được tiêu dùng vãng lai, đóng góp đáng kể trong tổng mức bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Hệ thống chợ truyền thống được đầu tư, nâng cấp. Dịch vụ cảng biển, các cửa khẩu quốc tế bước đầu đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh…
Dù đạt một số kết quả khả quan song lĩnh vực thương mại - dịch vụ của tỉnh vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu liên kết. Ông Lê Quang Vĩnh, Giám đốc Sở Công thương Quảng Trị phân tích: “Trong cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh hiện nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa chiếm trên 85%, điều đó cho thấy các loại hình dịch vụ xã hội quan trọng như: du lịch, logistics, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ... còn chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu thương mại - dịch vụ. Chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa thể hiện vai trò chủ đạo trong tăng trưởng chung của lĩnh vực thương mại - dịch vụ. Hạ tầng thương mại nông thôn còn nhiều bất cập, tỉ lệ chợ tạm, chợ bán kiên cố còn cao; việc xã hội hóa trong đầu tư xây dựng chợ còn gặp nhiều khó khăn; thiếu các chợ đầu mối nông sản, thủy sản mua bán, trao đổi hàng hóa mang tính liên vùng nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phát triển. Các dự án cơ sở hạ tầng thương mại có quy mô trên địa bàn tỉnh mặc dù đã được cấp chủ trương đầu tư nhưng triển khai thực hiện còn chậm như dự án Trung tâm thương mại Nam Đông Hà, Trung tâm thương mại miền Trung… Hoạt động thương mại điện tử chưa phát triển ngang với mặt bằng chung của cả nước”.
Để thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ trong những năm tới, ngành công thương đề xuất tỉnh thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục thực hiện các chương trình, đề án trong lĩnh vực thương mại, xuất khẩu, xúc tiến thương mại của tỉnh. Thu hút đầu tư các trung tâm dịch vụ logistic, các tổng kho hàng hóa trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây; tích cực thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, khai thác hiệu quả Hiệp định thương mại biên giới Việt - Lào. Triển khai các biện pháp thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu phát triển. Triển khai có hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh công tác kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa, phát triển thương mại điện tử; chú trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng, nhận diện thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là hàng nông sản. Khuyến khích tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức chương trình khuyến mại; chỉ đạo tổ chức có hiệu quả các hoạt động hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Đối với các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung phát triển các điểm thương mại dịch vụ dọc tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh, các điểm thương mại dịch vụ tại các điểm du lịch để thu hút tiêu dùng vãng lai, mở rộng quy mô bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển. Để dành quỹ đất thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ, nhất là thu hút đầu tư, phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị đông dân cư. Gắn phát triển thương mại - dịch vụ với du lịch của địa phương để thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương phát triển. Đối với khu vực nông thôn, cần quan tâm phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, đẩy nhanh quá trình xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, quản lý và kinh doanh khai thác chợ. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các chợ đầu mối về nông sản, thủy hải sản để thúc đẩy hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, phát triển các loại hình dịch vụ ở nông thôn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với các địa bàn trọng điểm; tập trung công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh, góp phần làm lành mạnh thị trường, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.