Phát triển ngành trồng hoa, cây cảnh ở Việt Nam: Còn nhiều việc phải làm
Việt Nam có tiềm năng phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh, nhưng trình độ khoa học công nghệ còn thấp, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả chưa xứng với tiềm năng. Do vậy, để ngành sản xuất hoa, cây cảnh của Việt Nam phát triển bền vững, còn nhiều việc phải làm như đầu tư kỹ thuật, công nghệ, hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng các giống hoa...
Vẫn phụ thuộc vào thời tiết
Ông Nguyễn Bá Ngơi ở xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm) cho biết, nghề trồng hoa, cây cảnh đang phát triển mạnh ở địa phương này với diện tích 50ha, nhưng nông dân dựa vào kinh nghiệm là chính, còn việc mua bán sản phẩm thì hầu như tự phát. Cũng vì tự phát nên người trồng hoa, cây cảnh chạy theo thị hiếu, lợi nhuận trước mắt, có thời điểm cả làng cùng trồng hoa giấy, hoa mười giờ... nên giá bán rẻ như cho không.
Nghề trồng hoa, cây cảnh vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên chưa mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Ảnh: Thu Hương
Còn theo ông Phạm Văn Dụng ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh), với diện tích 9 sào, ngoài hoa hồng, gia đình trồng thêm hoa cúc, thu nhập 20-30 triệu đồng/sào. Hiện tại, nhiều người dân muốn đầu tư sản xuất hoa theo hướng công nghệ cao nhưng chi phí rất lớn, nếu xây dựng nhà màng, nhà lưới phải mất hơn 1 tỷ đồng/ha, vượt quá khả năng đầu tư.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cung cấp thêm thông tin, thành phố có khoảng 5.470ha hoa, cây cảnh nhưng sản xuất manh mún, không tập trung. Trình độ kỹ thuật lạc hậu so với nhiều nước trong khu vực vì chủ yếu sản xuất ngoài tự nhiên. Hiện toàn thành phố mới có hơn 110ha trồng hoa bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu, với quy mô nhỏ. Tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa mới đạt 68,3ha... Vì vậy, nông dân gặp khá nhiều rủi ro trong sản xuất. Điều này cho thấy, nghề trồng hoa ở Hà Nội phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên.
Về nghề trồng hoa, cây cảnh ở Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả (Bộ NN&PTNT) Đặng Văn Đông thông tin: Diện tích trồng hoa cây, cảnh cả nước ước đạt 35.240ha, thu nhập bình quân đạt 550 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, trình độ khoa học công nghệ của ngành này ở Việt Nam còn thấp; quy mô nhỏ, với diện tích trung bình từ 2.000 đến 3.000m2/hộ, hộ sản xuất lớn cũng chỉ từ 1 đến 2ha. Những năm gần đây, một số loại hoa có giá trị cao được đưa vào sản xuất như: Lan, lily, nhưng giống hoa này chủ yếu nhập khẩu. Do vậy, nông dân bị động về nguồn giống và khi muốn xuất khẩu lại gặp khó khăn về bản quyền.
Mặt khác, kỹ thuật thu hái, xử lý, bảo quản, đóng gói sản phẩm còn thấp nên chất lượng hoa sau thu hoạch sụt giảm đáng kể. Đến nay, chỉ 10% sản lượng hoa cắt cành trồng tại Đà Lạt đạt yêu cầu để xuất khẩu...
Khép kín chu trình, xây dựng thương hiệu
Để ngành hoa, cây cảnh Việt Nam phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, cần giải quyết rất nhiều vấn đề.
Ông Đào Quốc Trịnh - Giám đốc Công ty cổ phần Châu Giang (thành phố Hải Phòng) đề xuất, trước mắt có ba vấn đề cần giải quyết là: Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng công nghệ cao; các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện chu trình khép kín từ nghiên cứu đến sản xuất, thị trường tiêu thụ để nông dân, doanh nghiệp áp dụng vào sản xuất; các địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ sản xuất bố trí điểm kinh doanh hoa, cây cảnh hiện đại, nhất là chợ đầu mối.
Để thúc đẩy phát triển ngành này ở Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho biết, thành phố quy hoạch vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung với diện tích 1.616ha ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, Đông Anh, Chương Mỹ... Trong năm 2020, thành phố phấn đấu có 300ha ứng dụng công nghệ cao và tỷ trọng giá trị sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 25 đến 30% tổng giá trị sản xuất hoa.
Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đang và sẽ phối hợp với địa phương mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất hoa, cây cảnh nhằm nâng cao nhận thức cũng như trình độ ứng dụng khoa học công nghệ cho người dân.
Đối với các mô hình điểm về trồng hoa, cây cảnh theo hướng công nghệ cao, ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân 100% giống một năm đầu đối với hoa khai thác nhiều lần và hai vụ đối với hoa khai thác một lần. Đồng thời, tạo điều kiện cho các hộ dân, doanh nghiệp vay vốn thông qua Quỹ Khuyến nông với mức vay tối đa 500 triệu đồng/mô hình...
Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Đức Thịnh, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các vùng trọng điểm có sản lượng hoa, cây cảnh lớn như: Tây Hồ, Mê Linh (Hà Nội), Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh)... Các trung tâm nghiên cứu của Nhà nước một mặt mua bản quyền một số giống hoa, cây cảnh có giá trị, mặt khác liên kết với doanh nghiệp để tạo ra nhiều giống hoa, cây cảnh chất lượng cao (như: Lily, loa kèn, lan...), phấn đấu đến năm 2025 Việt Nam sẽ chủ động được 1/3 số lượng giống hoa, cây cảnh trong cả nước, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu hoa, cây cảnh đạt 80-100 triệu USD/năm.
Cùng với đó cần chú trọng điều tra, phục tráng, cải tiến và nhân các giống hoa bản địa; nâng cao năng lực sản xuất hạt giống, cây giống bằng các phương pháp truyền thống và công nghệ mới... để tiến tới xây dựng thương hiệu hoa Việt Nam.