Phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn du lịch cộng đồng

Vài năm trở lại đây du lịch huyện Lang Chánh đang cho thấy những tín hiệu lạc quan. Bên cạnh tiềm năng, thế mạnh, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang được khôi phục.

Là một trong những huyện nghèo nhất cả nước, song với tiềm năng vốn có, huyện Lang Chánh đang có những chiến lược khôi phục, phát triển các loại hình văn hóa của đồng bào Thái, từ việc xây dựng nhà sàn truyền thống, biểu diễn nghệ thuật đánh cồng chiêng, phát triển các loại hình du lịch cộng đồng, hay xa hơn là khôi phục phát triển lại nghề dệt truyền thống.

Đây được xem là bước đi có tính lâu dài trong việc kết hợp phát triển các sản phẩm từ nghề dệt gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó điểm nhấn là gắn kết với khu du lịch thác Ma Hao tại bản Năng Cát, xã Trí Nang.

Từ bao đời nay, đồng bào Thái, Mường tại huyện Lang chánh luôn duy trì nghề dệt truyền thống, các sản phẩm từ nghề dệt chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình, được sáng tạo linh hoạt, bắt mắt, đa dạng từng chủng loại, kiểu dáng. Hiện nay, những sản phẩm này được nhiều khách tham quan, du lịch ưa chuộng.

Để duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm, không ít tổ, nhóm dệt thổ cẩm được hình thành, với mong muốn giữ gìn, phát huy nghề truyền thống của ông cha, cũng như hướng tới gắn kết với phát triển du lịch cộng đồng của địa phương để vực dậy hoạt động sản xuất của mặt hàng này. Tuy nhiên để sản phẩm từ nghề dệt trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng cần hơn nữa sự cố gắng của người dân và chính quyền địa phương.

Hiện nay, các tổ, nhóm dệt tại các xã Đồng Lương, Lâm Phú là những điểm sáng hiếm hoi nhờ mối liên kết, hợp tác với các đơn vị làm du lịch, đưa sản phẩm vươn tới các điểm du lịch gần và nhanh nhất. Các nhóm, tổ dệt không ngừng sưu tầm, thiết kế mẫu mã mới lạ, đẹp mắt, sản phẩm cung cấp theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp cũng như tại các điểm du lịch.

Bà Lương Thị Biên, trưởng nhóm dệt xã Lâm Phú cho biết, tổ, nhóm dệt ở đây duy trì hoạt động thường xuyên với 15 hộ, sản phẩm làm ra được bày bán tại các khu chợ, điểm du lịch tại thác Ma Hao, chùa Mèo và phục vụ cho các đơn đặt hàng.

Mặc dù sản phẩm bán ra được ít, giá thành không cao, nhưng những cố gắng của tổ, nhóm dệt góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghề thủ công truyền thống của dân tộc.

Còn tại tố, nhóm dệt xã Đồng Lương, mặc dù chỉ có 8 hộ tham gia sản xuất, tuy nhiên nhờ kết hợp các doanh nghiệp nên dệt thổ cẩm luôn được duy trì.

Nhiều thành viên tổ, nhóm dệt huyện Lang Chánh mong muốn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của địa phương được giữ gìn, phát triển

Thông qua các đơn đặt hàng hình ảnh những chiếc váy, khăn, túi, tấm đắp… được đến gần với khách hàng hơn. Mong muốn của những nhóm dệt là cần được đầu tư, mở rộng quy mô, có không gian trưng bày các sản phẩm, tại các điểm du lịch cộng đồng, khu di tích, danh thắng trên địa bàn.

Tại điểm du lịch cộng đồng thác Ma Hao, những sản phẩm dệt thổ cẩm của người Thái, Mường như khăn quàng cổ, váy, gối với hoa văn, họa tiết đặc trưng cũng là điểm nhấn thu hút khách tham quan du lịch.

Bà Phạm Thị Minh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Lang Chánh cho biết, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song với mong muốn khôi phục, phát huy nghề dệt truyền thống, những tổ nhóm tại địa phương luôn cháy hết mình trong từng sản phẩm.

Sản phẩm của các nhóm dệt thổ cẩm đã bắt đầu tìm được đầu ra và không còn bế tắc như trước nữa. Tuy nhiên để các sản phẩm này trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng tại các khu du lịch tại địa phương vẫn còn khó, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cấp, ngành trong việc gắn kết sản phẩm với phát triển du lịch.

Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/san-pham-thuong-hieu-xu-thanh/phat-trien-nghe-det-tho-cam-gan-du-lich-cong-dong/19586.htm