Phát triển nghệ thuật chèo: Làm sao để tránh 'gieo vừng ra ngô'?

Những năm qua, trong quá trình tìm hướng phát triển nghệ thuật chèo truyền thống, những người làm chèo đã có nhiều thử nghiệm để 'kéo' khán giả đến nhà hát. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Nhà báo & Công luận, nhà viết kịch Trần Đình Ngôn vẫn giữ quan điểm phản đối những vở diễn 'kịch cắm hát chèo', cho dù sân khấu truyền thống đang rơi vào khủng hoảng vắng khán giả.

Khán giả không quay lưng với chèo

+ Thưa ông, khoảng hơn chục năm nay, chúng ta đã chứng kiến nhiều nỗ lực gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo. Gần đây, tại hội thảo về chèo tại Thái Bình, ông đã có ý kiến khá gay gắt, phản đối những vở diễn xây dựng theo khuynh hướng kịch hát mới, kịch pha ca... Ông có thể nói rõ hơn về nội dung này?

- Những năm cuối thế kỷ XX có một khuynh hướng “cách tân chèo” nhưng không phải phát triển từ chèo, mà người ta dùng luôn kịch bản kịch nói rồi cắm vào đó một số làn điệu hát chèo và coi đó là chèo hiện đại. Tôi gọi đó là “kịch cắm hát chèo” bởi toàn bộ kịch bản và phương pháp nghệ thuật của vở diễn không dựa trên những đặc trưng ngôn ngữ của chèo với 3 nguyên tắc cơ bản: ước lệ, tự sự, và mô hình hóa. Ngoài ra, chèo cũng khác với kịch nói khi thể hiện tư duy huyền thoại và chấp nhận cả hiện thực giả định chứ không hoàn toàn là hiện thực như trong đời sống hàng ngày.

 Nhà viết kịch, TS. Trần Đình Ngôn. Ảnh: NVCC

Nhà viết kịch, TS. Trần Đình Ngôn. Ảnh: NVCC

Trong vở diễn “kịch cắm hát chèo”, các kết cấu bên trong của chèo không còn nữa. Trong khi hát chèo sử dụng đối thoại văn vần thì kịch nói sử dụng đối thoại văn xuôi. Nhưng quan trọng nhất là kịch nói mang cấu trúc kịch Aristote với việc tổ chức xung đột kịch bằng những mâu thuẫn, đẩy lên cao trào rồi thắt nút, cởi nút… chứ không thể hiện bằng phương pháp tự sự giống như nghệ thuật sân khấu chèo.

Anh bảo rằng anh làm chèo nhưng lại ra một hình thức nghệ thuật khác thì đó là “gieo vừng ra ngô”. Tại sao lại “gieo vừng ra ngô”? Ở đây thực chất là anh gieo ngô nhưng lại tự lừa dối mình và lừa dối mọi người là tôi đang gieo hạt vừng đây. Tức là anh không thực sự làm chèo, anh làm một thứ sân khấu khác song anh nói dối mọi người là đang làm chèo. Vì thế, đã từng có giai đoạn vì nhu cầu phải đông khách nên người ta đã dùng kịch bản kịch nói rồi đưa vào đó những ca khúc vàng vọt mà cũng rất đông khách xem. Nhưng khán giả nhanh chóng nhận ra đó không phải là chèo. Và sau đó, người làm những vở diễn kiểu này phải thừa nhận, đó là một hình thức kịch hát mới, không phải là chèo cách tân.

+ Nhưng sân khấu chèo đang rất vắng khán giả, do đó muốn bảo tồn thì vở diễn trước hết phải có người xem. Ông có lo một ngày nào đó, chèo sẽ biến mất?

- Chèo đang ít khán giả, đó là điều chúng ta phải chấp nhận. Nhà nước muốn bảo tồn loại hình nghệ thuật này thì phải có chính sách tài trợ, phải nuôi nghệ sĩ. Ở Nhật Bản họ giữ Kịch Nô với số lượng đoàn diễn ít, thỉnh thoảng mới diễn thôi, nhưng người nghệ sĩ vẫn có được đời sống ngang bằng với mặt bằng chung của nghệ sĩ ở loại hình nghệ thuật khác. Lo ngại ư? Chèo sẽ không bao giờ mất đâu, bởi qua những bước thăng trầm, đến bây giờ thì những người yêu chèo truyền thống lại đông đảo hơn.

 Một cảnh trong vở “Duyên nợ cùng chèo” của tác giả Trần Đình Ngôn, do Nhà hát chèo Hải Dương dàn dựng.

Một cảnh trong vở “Duyên nợ cùng chèo” của tác giả Trần Đình Ngôn, do Nhà hát chèo Hải Dương dàn dựng.

Dù vậy, ở Hà Nội rất khó để một vở chèo diễn 3 - 4 đêm tại rạp hát vì cuộc sống hiện nay đã rất khác. Đối tượng của chèo là những người tuổi trung niên trở lên, họ thường thu nhập thấp và ngại đi lại. Đến ngay như tôi, là một người yêu chèo mà bây giờ bảo lên rạp Đại Nam xem chèo cũng ngại. Hai ông bà đi taxi mất 500 nghìn, đó là đã có giấy mời, không phải mua vé đấy; rồi về đêm khuya mất cả giấc ngủ và những phiền toái khác… Trong khi đó, bật tivi lên có vô vàn lựa chọn, muốn xem vở nào thì xem. Người ta ngại đến rạp không phải vì họ không yêu chèo mà là do điều kiện sinh hoạt bây giờ đã khác rồi.

Nhưng ở nông thôn thì khác, những ngày hội hè, đình đám, người đi xem chèo khá đông. Ngay cả thời điểm hiện nay, mỗi đêm diễn chèo ở các vùng quê vẫn có 2.000 - 3.000 khán giả. Xem chèo ở nông thôn vẫn giống như sinh hoạt ngày xưa: người xem không phải mua vé, làng xã bỏ tiền ra hợp đồng với đoàn chèo. Người ta đi xem chèo, nghe hát và giao lưu, gặp gỡ nhau, nhất là cánh thanh niên. Rõ ràng, người dân vẫn đến với chèo, những nhận định cho rằng khán giả quay lưng với chèo là không đúng.

Sân khấu chuyên nghiệp cần “gương mẫu”

+ Có ý kiến cho rằng, trong việc bảo tồn di sản văn hóa, chúng ta nên thực hiện theo tinh thần Công ước của UNESCO, đó là cộng đồng sẽ quyết định các biện pháp, mức độ bảo vệ và phát huy di sản của họ. Vậy chúng ta có nên phát triển nghệ thuật chèo theo hai hướng: Thứ nhất là các chủ thể hát chèo ở các làng quê sẽ gắn với việc bảo tồn chèo truyền thống và thứ hai là các đoàn nghệ thuật thì có thể mạnh dạn thể nghiệm các hình thức nghệ thuật chèo mới?

- Trong hiện thực đời sống từ nửa sau thế kỷ XX đến nay, nghệ thuật chèo tồn tại trong phong trào sân khấu không chuyên (mà tôi tạm gọi là sân khấu dân gian mới) thì bao giờ cũng giữ được bản sắc chèo. Sự chông chênh chỉ diễn ra ở sân khấu chèo chuyên nghiệp, ở đây mới có các nghệ sĩ tên tuổi để đưa ra những luận điểm, chủ trương; mới tạo nên các xu hướng này khác…

 Vở chèo “Hồng Hà nữ sĩ”, tác giả TS. Trần Đình Ngôn, do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam thể hiện. Ảnh: TQ

Vở chèo “Hồng Hà nữ sĩ”, tác giả TS. Trần Đình Ngôn, do các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Việt Nam thể hiện. Ảnh: TQ

Sân khấu chuyên nghiệp là đỉnh cao, theo nguyên tắc thì anh phải gương mẫu, phải là người giữ chèo, phải là mẫu mực cho phong trào không chuyên về việc giữ chèo như thế nào, phát triển chèo như thế nào… Tôi cho rằng không thể tách ra làm hai, để sân khấu chuyên nghiệp muốn làm gì thì làm.

Nếu các đoàn chuyên nghiệp nhận thấy không thể giữ được chèo tồn tại thì hãy đổi tên đoàn nghệ thuật đi, thay vì gọi là đoàn chèo, nhà hát chèo thì đổi tên là đoàn ca kịch, nhà hát ca kịch chẳng hạn.Trong sách lý luận, tôi từng đưa ra một khái niệm “một vở diễn do một đoàn nghệ thuật mang tên là đoàn chèo biểu diễn” để phân biệt một vở chèo với một vở diễn có hát chèo nhưng không phải là chèo. Mang tên là đoàn chèo, là nhà hát chèo mà không diễn chèo là không được.

+ Vậy làm sao chúng ta giải được bài toán giữa bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo, để không rơi vào tình trạng “gieo vừng ra ngô”?

- Vấn đề kế thừa, bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo đã được đặt ra từ rất sớm. Nhiều cuộc hội thảo tọa đàm, rồi trên báo chí các nhà lý luận bàn cãi, tranh luận có khi hết sức gay gắt. Đến cuối thế kỷ XX, bắt đầu từ thành công của vở “Bài ca giữ nước” của cụ Tào Mạt thì khuynh hướng kế thừa, phát triển chèo truyền thống đã được khẳng định. Đó là, chèo hoàn toàn có thể giữ được phương pháp nghệ thuật đặc trưng của thể loại mà vẫn phản ánh được những vấn đề của thời đại mới, dù đề tài lịch sử hay đề tài hiện đại.

Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo, chúng ta phải xác định được tại sao phải giữ chèo. Giữ chèo là giữ một hình thức nghệ thuật giàu bản sắc dân tộc, cho nên phải giữ nó. Đối với chèo, hai vế bảo tồn và phát triển thì bảo tồn phải là chính. Nói thế không có nghĩa là phủ định sự phát triển mà trái lại, chèo rất cần sự phát triển.

Nhưng sự phát triển đó phải trên cơ sở thừa kế được những nguyên tắc cấu trúc cơ bản của chèo. Chúng ta có thể đổi mới ở hình thức bên ngoài, ví dụ các cụ ngày xưa hát đãi, bây giờ hát xô lên, bớt í a đi. Cũng có thể gia tăng phần trang trí mỹ thuật, nghệ thuật âm thanh, ánh sáng. Hoặc là thay đổi trong cách hát, bổ sung những làn điệu mới mà trong vốn cổ không đủ sức thể hiện những tình huống sân khấu mới. Thực tế đã có nhiều nhạc sĩ đã thành công trong việc viết những làn điệu mới cho chèo mà vẫn giữ được bản sắc của chèo, không biến thành hát mới.

+ Trân trọng cảm ơn ông!

Thế Vũ (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-nghe-thuat-cheo-lam-sao-de-tranh-gieo-vung-ra-ngo-post308745.html