Phát triển nghệ thuật tác chiến trong trận then chốt chiến dịch

Trong Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh năm 1968, chiến thắng Làng Vây đã mở rộng cánh cửa phía Tây, giải phóng phần lớn Hướng Hóa (Quảng Trị), làm chủ Đường 9 (đoạn từ biên giới Việt-Lào đến Cà Tu), tạo thuận lợi cho ta đưa lực lượng vào vây ép Tà Cơn và đánh quân địch phản kích, tăng viện.

Đây là trận then chốt diễn ra ngày 6 và 7-2-1968 trong đợt 1 của chiến dịch, để lại nhiều kinh nghiệm quý về nghệ thuật quân sự, trong đó nét nổi bật là chọn đúng mục tiêu và tác chiến hiệp đồng binh chủng linh hoạt.

Làng Vây cách quận lỵ Hướng Hóa 8km về phía Tây. Đây là một cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ Đường 9-Khe Sanh của địch, tiền đồn bảo vệ cụm cứ điểm Tà Cơn. Cứ điểm được xây dựng trên hai điểm cao 320 và 420, cách căn cứ Làng Vây cũ (đã bị ta tiêu diệt tháng 5-1967) 2km, do một tiểu đoàn biệt kích và thám báo ngụy đóng giữ. Điểm cao 420, vị trí tiền tiêu do một trung đội thám báo đảm nhiệm. Điểm cao 320, cứ điểm chính, được chia thành 6 khu vực với 21 lô cốt và nhiều hầm trú ẩn, hầm ngầm, nhà hộp liên kết với nhau bằng các đường hào và chiến hào; có hàng rào ngăn cách giữa các khu và 6 lớp rào kẽm gai, xen lẫn các bãi mìn bảo vệ xung quanh. Lực lượng địch có 4 đại đội thám báo, 1 trung đội Mỹ (tính cả tàn quân từ Huội San, Hướng Hóa chạy về, tổng số 1.000 quân), trang bị nhiều hỏa lực mạnh. Cứ điểm Làng Vây được trận địa pháo Tà Cơn, cụm pháo điểm cao 241 và không quân chi viện.

Xe tăng mang số hiệu 555 lập công xuất sắc trong trận Làng Vây, tháng 2-1968. Ảnh tư liệu

Xe tăng mang số hiệu 555 lập công xuất sắc trong trận Làng Vây, tháng 2-1968. Ảnh tư liệu

Tuy địch có điểm mạnh về binh khí kỹ thuật, nhất là ưu thế về pháo binh, không quân, nhưng khả năng phát huy về hỏa lực và sức cơ động sẽ bị hạn chế ở địa hình rừng núi. Trong khi ta lại có thể giấu quân kín đáo, cơ động thuận lợi, có thể vận dụng cách đánh sở trường là phục kích, tập kích, vận động tiến công tiêu diệt địch. Do lực lượng địch ở Làng Vây tổ chức phòng ngự thành các cứ điểm, cụm cứ điểm nên khi ta tiến công bao vây dễ bị cô lập, lực lượng cứu viện đường bộ dễ bị ta phục kích, còn bằng đường không thì giới hạn ở những khu vực nhất định. Trong điều kiện ta đã giải phóng quận lỵ Hướng Hóa (đêm 20-1-1968), diệt cụm cứ điểm Huội San (đêm 23-1-1968), địch chưa có dấu hiệu ứng cứu, tăng viện, giải tỏa Đường 9, ta phải nhanh chóng dứt điểm Làng Vây để đưa lực lượng vào vây ép cụm cứ điểm Tà Cơn. Nếu cứ điểm Làng Vây bị mất, quân địch ở Tà Cơn sẽ rơi vào thế cô lập khi bị ta bao vây và tiêu diệt. Vì vậy, Bộ tư lệnh chiến dịch quyết định chọn cứ điểm Làng Vây làm mục tiêu đánh trận then chốt của chiến dịch là hoàn toàn có cơ sở, chính xác.

Trên cơ sở xác định đúng mục tiêu trận đánh là tiến công quân địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở Làng Vây, ta đã vận dụng chiến thuật phù hợp. Nét mới là bộ đội ta linh hoạt trong tác chiến hiệp đồng binh chủng, trong đó lần đầu tiên sử dụng nhiều binh khí kỹ thuật hiện đại, nhất là có xe tăng (16 xe PT-76), pháo binh (1 tiểu đoàn) và pháo phòng không (1 đại đội) tham gia. Đêm 6-2-1968, sau khi pháo binh ta bắn phá cứ điểm Làng Vây, trên các hướng, xe tăng ta đồng loạt tiến hành mở cửa. Ở hướng tiến công chủ yếu, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 101 (Sư đoàn bộ binh 325) được xe tăng chi viện, sau 10 phút đã mở xong cửa mở, phát triển vào tung thâm cứ điểm Làng Vây. Trên hướng Tây, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24 (Sư đoàn bộ binh 304) có xe tăng bắn phá các lô cốt ở khu vực đầu cầu chi viện vượt qua cửa mở tiến vào tung thâm trận địa phòng ngự của địch. Tại hướng Đông Bắc, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24 mở cửa mở gặp khó khăn do bị hỏa lực địch ở 2 lô cốt địch khống chế. Ta kịp thời dùng súng B41 diệt 2 lô cốt đầu cầu, cắt và chống rào lên để bộ đội vượt qua, phát triển chiến đấu. Quá trình từ các hướng tiến sâu vào cứ điểm, ta sử dụng lực lượng đột kích bằng hiệp đồng binh chủng, trong đó sự xuất hiện bất ngờ của xe tăng từ hai hướng (Nam, Tây), nơi địch không ngờ đã làm cho chúng mất tinh thần, dẫn đến hoảng loạn, tạo điều kiện cho ta đẩy nhanh tốc độ tiến công, tiêu diệt địch trong hầm ngầm và quân ứng cứu. Đến 10 giờ ngày 7-2-1968, ta làm chủ hoàn toàn trận địa, kết thúc trận đánh.

Thắng lợi của trận Làng Vây đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tác chiến trong trận then chốt chiến dịch. Thành công nổi bật của ta là chọn đúng mục tiêu và sử dụng một trung đoàn bộ binh được tăng cường binh khí kỹ thuật (lần đầu có xe tăng), vận dụng sáng tạo, linh hoạt cách đánh hiệp đồng binh chủng tiến công một cứ điểm mạnh của địch phòng ngự trong công sự kiên cố ở địa hình rừng núi. Ta đã giải quyết tốt hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ giữa bộ binh với xe tăng, giữa lực lượng tiến công với hỏa lực chi viện (pháo binh) và với lực lượng mở cửa (công binh) để giành thắng lợi, góp phần phát triển thế tiến công, giành thắng lợi trong những trận đánh kế tiếp nhau, tiến tới kết thúc thắng lợi chiến dịch tiến công Đường 9-Khe Sanh.

NGỌC SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/phat-trien-nghe-thuat-tac-chien-trong-tran-then-chot-chien-dich-718115