Phát triển nhà ở cho công nhân: Chưa đồng thuận giao Tổng Liên đoàn làm chủ đầu tư
Nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là một trong những vấn đề trong xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi được tranh luận sôi nổi tại phiên họp toàn thể của Quốc hội chiều 26-10.
Liên quan đến quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân (khoản 4, Điều 80, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội 2 phương án.
Phương án 1, quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản đầu tư dự án nhà ở xã hội để cho thuê (giới hạn rõ hơn phạm vi đầu tư). Phương án 2, chưa quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở sửa đổi, vì đây là vấn đề mới, quá trình thí điểm thời gian qua còn nhiều vướng mắc, chưa đủ độ “chín”.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận định, giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ đầu tư nhà ở xã hội là quy định với mục đích rất nhân văn; góp phần tháo gỡ thực trạng việc phát triển nhà ở xã hội chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay.
Tuy nhiên, quy định như phương án 1 là thu hẹp đối tượng được thuê nhà ở xã hội, đề nghị chỉ nên quy định “các dự án nhà ở xã hội do Tổng liên đoàn đầu tư thì ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê”.
Trong khi đó, các ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), Tô Văn Tám (Kon Tum), Nguyễn Hải Dũng (Nam Định)… cho rằng đây là vấn đề mới, trong quá trình thực hiện còn nhiều vấn đề chưa làm rõ, do đó chưa vội luật hóa. Cho rằng “2 phương án đưa ra phương án nào cũng có ưu, nhược điểm”, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị lấy phiếu xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội về 2 phương án này.
* Sáng cùng ngày, Quốc hội cũng đã thảo luận về dự án Luật Tài nguyên nước sửa đổi. Một trong những nội dung đáng lưu ý được bổ sung vào dự thảo luật là quy định hoạt động khai thác nước dưới đất quy mô hộ gia đình để sử dụng cho mục đích sinh hoạt thuộc đối tượng phải thực hiện kê khai. Thời điểm có hiệu lực của quy định này từ 1-7-2026, tức là 2 năm sau khi luật có hiệu lực thi hành.
Tán thành các quy định theo hướng quản lý chặt chẽ việc khai thác nước ngầm, ĐB Lê Thị Ngọc Linh (Bạc Liêu) nhận xét, trong bối cảnh nguồn nước có nguy cơ ngày càng thiếu hụt, không đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thì việc bổ sung đối tượng phải kê khai, đăng ký khai thác tài nguyên nước là phù hợp.
Quan tâm về ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, ĐB Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) đề nghị chú trọng nghiên cứu giải pháp xử lý nước biển thành nước ngọt nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước.
Kiến nghị kéo dài thời gian thu hồi đất, tái định cư sân bay Long Thành đến hết năm 2024
Sáng 26-10, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tại tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; kéo dài thời gian giải ngân đối với hơn 966 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hơn 1.500 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến hết năm 2024, để tiếp tục bố trí vốn thực hiện, hoàn thành dự án.
Chính phủ cũng kiến nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội nội dung: “Cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn hơn 2.510 tỷ đồng đến hết năm 2024”.