Phát triển 'nóng' kinh doanh nhưng không đầu tư bến bãi (bài 2)

Số liệu từ Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đưa ra cho thấy, chưa kể số lượng xe máy tham gia hoạt động vận chuyển khách bằng công nghệ, chỉ tính riêng số lượng xe ô tô chạy taxi công nghệ hiện đã lên đến vài chục nghìn đầu xe. Số phương tiện vận chuyển khách bằng nền tảng công nghệ hùng hậu này đang góp phần gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng giao thông của thành phố.

Trong khi đó, việc kiểm soát về bến bãi đậu xe của các đơn vị vận tải chưa được chặt chẽ nên tài xế của nhiều hãng vẫn lấy lòng đường, vỉa hè, khu vực công cộng, thậm chí là tận dụng cả mặt bằng cây xăng để làm nơi giao ca, lên tài hoặc chờ khách…

Loạn xe công nghệ, taxi…

Đến nay loại hình xe taxi công nghệ đã xuất hiện trên địa bàn nhiều năm, nhưng thông tin về hoạt động của xe taxi công nghệ, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vẫn khẳng định, hiện không có loại hình xe taxi công nghệ mà cụm từ này chỉ do người tiêu dùng, tức hành khách đặt tên cho dễ nhớ. Thực chất đây là loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng, các xe hợp đồng này sử dụng phần mềm kết nối điện tử hay còn gọi xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ ngồi.

Về vấn đề cấp phù hiệu cho xe hợp đồng, ông Ngô Hải Đường cho biết, tính đến ngày 30/4 vừa qua, Sở GTVT đã cấp ra 83.749 phù hiệu xe hợp đồng, trong đó có đến 4.213 xe thuộc doanh nghiệp và 79.518 xe đăng ký dưới danh nghĩa các HTX, chỉ có một số ít đầu xe còn lại thuộc hộ kinh doanh. Trong số này cũng đã có đến 62.812 xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi và 20.937 xe từ 9 chỗ trở lên. Số lượng phù hiệu đã cấp ra lớn như vậy và mỗi xe chỉ dán một phù hiệu, nhưng theo lý giải của ông Ngô Hải Đường, do một xe có khả năng đăng ký 2 app nên thực tế số lượng xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ chỉ vào khoảng 38.354 xe.

Taxi, xe hợp đồng dày đặc trên một tuyến đường trong giờ kẹt xe.

Taxi, xe hợp đồng dày đặc trên một tuyến đường trong giờ kẹt xe.

Báo cáo từ các doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải này với Sở GTVT cho thấy, Công ty TNHH Grab đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với 47 HTX vận tải và được cấp 28.207 phù hiệu xe hợp đồng cho xe dưới 9 chỗ. Công ty CP Be Group hợp tác kinh doanh với 38 HTX và được cấp tổng cộng 6.950 phù hiệu xe hợp đồng dưới 9 chỗ. Công ty TNHH Công nghệ Go Car cũng hợp tác với 41 HTX và được cấp 5.860 phù hiệu. Tổng cộng 3 công ty trên đã được Sở GTVT cấp 41.017 phù hiệu cho xe hợp đồng dưới 9 chỗ.

Riêng số lượng xe gắn máy 2 bánh tham gia vận chuyển hành khách bằng hợp đồng điện tử, ông Ngô Hải Đường cho biết, Công ty TNHH Grab ký hợp tác với 64.230 chủ phương tiện; Công ty CP Be Group ký hợp tác với 34.527 chủ phương tiện. Sau khi trừ đi số lượng trùng lắp, Sở GTVT xác định tổng số lượng xe hoạt động theo hình thức này của 2 doanh nghiệp là 80.197 xe.

Ngoài số đầu xe taxi truyền thống, lượng xe taxi công nghệ tăng rất nhanh khi chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng đến 26%. Vậy nhưng chỉ có một số doanh nghiệp sở hữu xe đáp ứng được một phần về bến bãi đậu xe, còn lại việc đậu xe chờ tài, giao ca của cả taxi công nghệ và taxi truyền thống vẫn chủ yếu được thực hiện bằng cách… mượn lòng đường, công viên, thậm chí là cả mặt bằng trong các cây xăng. Điều này càng góp phần gây thêm nguy cơ dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông và cháy nổ. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Đồng thời bảo đảm yêu cầu về trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT cũng quy định nơi đỗ xe của đơn vị kinh doanh vận tải phải là vị trí thuộc sở hữu của đơn vị hoặc đi thuê hoặc hợp tác kinh doanh với tổ chức, cá nhân để đỗ xe phù hợp với quy mô của đơn vị mình…

Ngoài ra, khi nộp hồ sơ đề nghị cấp mới hoặc cấp lại Giấy phép kinh doanh vận tải, đơn vị kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm cam kết những nội dung đăng ký đúng với thực tế của đơn vị. Trong đó phải ghi rõ thông về nơi đỗ xe của đơn vị kinh doanh vận tải như tổng số vị trí đỗ xe, địa điểm, diện tích của từng vị trí cụ thể. Đơn vị vận tải vi phạm về hành vi “Không có nơi đỗ xe theo quy định” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức 6 - 8 triệu đồng. Thậm chí sẽ bị xử lý bằng hình thức thu hồi Giấy phép kinh doanh vận tải nếu vi phạm về cung cấp thông tin sai lệch trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải.

Quy định vậy, nhưng từ trước nay hầu như chưa có đơn vị vận tải khách công cộng bằng taxi truyền thống hay taxi công nghệ nào bị rút giấy phép, nhất là khi bến bãi đậu xe taxi công nghệ hầu như được bỏ mặc cho cá nhân là chủ xe tự lo. Trao đổi về vấn đề này, một đại diện truyền thông của hãng vận tải công nghệ Xanh SM cho biết hiện tại các bến bãi đậu xe của Xanh SM đi theo hệ sinh thái của tập đoàn. Đồng thời đơn vi cũng đang thảo luận, đàm phán với các tòa nhà lớn và các khách sạn trong nội đô TP Hồ Chí Minh về vấn đề này. Xanh SM chia bãi đậu xe của hãng ra làm 3 loại, đầu tiên là các bãi đậu xe quy mô lớn, nhưng loại này khó làm được trong khu vực trung tâm nên hãng đang triển khai ở TP Thủ Đức và quận Bình Tân.

Loại bãi đậu xe tiếp theo là bãi đệm, đáp ứng chỗ đậu cho khoảng 20-30 xe nhưng hiện hãng chưa thể chia sẻ thông tin. Loại thứ 3 là chỗ đậu nhỏ, lẻ phân tán ở các tòa nhà, khách sạn, mỗi nơi tầm 2-3 xe, nằm rải rác ở các tòa nhà lớn trong nội thành để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Cơ quan chức năng nói gì?

“Trước mắt Sở GTVT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo chương trình hoặc đột xuất việc chấp hành quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Đặc biệt là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô theo hợp đồng. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm”, ông Ngô Hải Đường nói về giải pháp kiểm soát đối với tình trạng phát triển “nóng” về số lượng xe taxi công nghệ tại thành phố.

Ngoài ra, theo ông Ngô Hải Đường, đối với một số hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra mà không thuộc thẩm quyền xử lý của Sở GTVT, Sở sẽ chuyển đến cơ quan chức năng như Cục Thuế, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội… để các cơ quan này xem xét và xử lý theo chức năng. Về lâu dài, Sở GTVT sẽ kiến nghị Bộ GTVT tăng cường công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô. Về lĩnh vực thuế, sẽ kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên xe với Tổng cục Thuế để phối hợp quản lý về thuế.

Đối với lĩnh vực quản lý phương tiện và người lái xe, Sở GTVT cũng sẽ kiến nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng công nghệ và quy định việc kết nối, chia sẻ, liên thông toàn bộ dữ liệu giám sát hành trình, hình ảnh, ghi, lưu trữ lâu dài từ camera trên xe… cũng như dữ liệu đăng kiểm, đào tạo, sát hạch cấp, thu hồi giấy phép lái xe giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc này nhằm khắc phục tình trạng dữ liệu còn rời rạc, phân tán, manh mún và chưa được phổ biến rộng rãi. Mặt khác sớm kết nối, chia sẻ dữ liệu về quản lý người lái xe với Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để cùng kiểm soát việc chấp hành quy định của các đơn vị vận tải.

Thượng tá Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng CSGT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, xe “công nghệ” đã trở nên rất phổ biến và được nhiều người lựa chọn sử dụng. Vì vậy, đây cũng là một trong những đối tượng tham gia giao thông mà lực lượng CSGT Công an thành phố thường xuyên quan tâm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật để phòng ngừa tai nạn và nguy cơ ùn tắc giao thông.

Để cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 23-CT-/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, Công an TP Hồ Chí Minh đã triển khai và yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường hoạt động tuyên truyền đội ngũ lái xe, bộ phận quản lý an toàn giao thông và điều hành vận tải của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách trên địa bàn thành phố. Trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm nay, lực lượng CSGT đã phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải tuyên truyền cho hàng nghìn lái xe công nghệ, kể cả xe ô tô và xe gắn máy của các hãng như: Xanh SM, Gojek, Grab, Be, VinaSun, Mai Linh… thông qua việc phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tuyên truyền tại địa điểm đào tạo, hội trường của doanh nghiệp, tại trụ sở các đơn vị hoặc tại các điểm giao nhận, điều phối xe của các doanh nghiệp. Thông qua các buổi tuyên truyền, đã vận động các chủ doanh nghiệp, tài xế lái xe, bộ phận điều hành, quản lý an toàn giao thông ký cam kết chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, lực lượng CSGT còn lồng ghép nội dung tuyên truyền, hướng dẫn thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đối với đối với đội ngũ tài xế lái xe công nghệ nhằm thường xuyên nhắc nhở, nâng cao nhận thức của tài xế. Cùng với công tác tuyên truyền trực tiếp, vận động ký cam kết, lực lượng CSGT cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên phối hợp với các đơn vị truyền thông và chủ động đăng tải các bài viết trên Cổng thông tin điện tử Công an thành phố, Trang thông tin điện tử, Trang Zalo của các đơn vị để thông tin về các quy định của pháp luật, tình hình trật tự an toàn giao thông, cảnh báo tai nạn giao thông cũng như hướng dẫn các quy tắc tham gia giao thông an toàn… nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho mỗi người tham gia giao thông, xây dựng và hình thành nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.

Bảo Sơn - Đức Mừng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/phat-trien-nong-kinh-doanh-nhung-khong-dau-tu-ben-bai-bai-2--i735371/