Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường
Chiều 15/7, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo 'Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường'. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tạ Đình Thi cùng đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành; Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cùng đại diện các cơ quan, đơn vị hữu quan.

Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường” được tổ chức nhằm phục vụ chuyên đề giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể tử khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành”.
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Bảo vệ môi trường không chỉ là xu hướng toàn cầu mà còn là chủ đề cơ bản của chiến lược phát triển bền vững của hầu hết các quốc gia. Công tác bảo vệ môi trưởng và phát triển bền vững luôn được Đảng và Nhà nước ta chú trọng, thể hiện rõ trong văn kiện Đại hội, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng; pháp luật của Nhà nước. “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu" là quan điểm luôn luôn được đề cao và là chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta.

Ban chủ tọa Hội thảo
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050 và cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất” có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp.
Nông nghiệp được xác định là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó có định hướng đến hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp có thể gây ra một số tác động không mong muốn đến môi trường, sức khỏe con người. Do đó, để tiếp tục bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết và đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Thực hiện Nghị quyết số 131/2024/QH15 của Quốc hội thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”; Kế hoạch số 688/KH-ĐGS ngày 23/01/2025 của Đoàn giám sát và được sự đồng ý của Đồng chí Trưởng Đoàn giám sát, hôm nay Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo “Phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường” với mục đích cụ thể:
Thứ nhất là làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, bất cập trong việc ban hành, thực hiện chính sách, phát luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Thứ hai là đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật khác có liên quan, thúc đẩy bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Ví dụ như chính sách về bố trí, sử dụng, hỗ trợ tài chính, ưu đãi đầu tư. Chính sách về hoạt động kiểm soát ô nhiễm; quản lý chất thải. Chính sách về khoa học, công nghệ, tổ chức sản xuất, thị trường, truyền thông, nâng cao nhận thức; nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế. trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây chính là những nội dung trọng tâm của chuyên đề giám sát.
Thứ ba là cung cấp thông tin đầu vào phục vụ hoạt động của Đoàn giám sát, nhất là góp phần xây dựng Báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát.
Ngành Nông nghiệp phải chuyển đổi mô hình phát triển sang phát triển hài hòa, bền vững
Đề cập về sự cần thiết của việc phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp; tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học đang suy giảm nghiêm trọng; ô nhiễm môi trường nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp đang gia tăng. Những thách thức đó đòi hỏi ngành Nông nghiệp nước ta phải chuyển đổi mô hình phát triển, từ khai thác tối đa sang phát triển hài hòa, bền vững; từ chú trọng sản lượng sang chú trọng chất lượng, hiệu quả và thân thiện với môi trường.

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Đại biểu thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp Hà Nội, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, phát triển nông nghiệp bền vững không chỉ là yêu cầu tất yếu từ thực tiễn mà còn là trách nhiệm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, như Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại Hội nghị COP26.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đều nhấn mạnh sự cần thiết về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Đa số các đại biểu, chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới để hoàn thiện khung chính sách, luật pháp tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng bền vững. Trong đó, ưu tiên xây dựng các chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ thân thiện môi trường, sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát và kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là các hóa chất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng hóa chất trong sản xuất gây ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng. Song song với đó là tăng cường các chính sách hỗ trợ tài chính (như ưu đãi tín dụng, trợ giá vật tư,...) nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp thân thiện với môi trường; hỗ trợ doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư vào các mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, bền vững.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo
Để thúc đẩy sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại và bền vững, một số đại biểu đề nghị cần có cách tiếp cận tổng thể, kết hợp các giải pháp tài chính, kỹ thuật, và chính sách. Theo đó, cần xây dựng và triển khai các chính sách ưu tiên nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS), đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Các giải pháp hỗ trợ có thể bao gồm ưu đãi thuế, hỗ trợ tiếp cận thị trường và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm xanh. Triển khai các mô hình trình diễn, đặc biệt ở quy mô nhỏ và vừa, là bước cần thiết để đánh giá hiệu quả và thúc đẩy ứng dụng RAS rộng rãi hơn. Mặt khác, sự tham gia của các doanh nghiệp lớn và tiên phong trong ứng dụng công nghệ RAS đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhân rộng mô hình này, tạo hiệu ứng lan tỏa và thu hút đầu tư trong toàn ngành.
Ngoài ra, có đại biểu, chuyên gia đề xuất với Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, hoàn thiện pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vào phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội thảo
Để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ cho sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp và môi trường, các đại biểu, chuyên gia đề xuất với Chính phủ tiếp tục thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia thành các quy định pháp lý cụ thể. Bên cạnh đó, ưu tiên xây dựng, cơ chế chính sách, quy định nhằm tạo nguồn lực để hoàn thành xây dựng, duy trì, vận hành, cập nhật các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành, các nền tảng, hạ tầng dữ liệu số, tài nguyên số cho phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh, xây dựng cơ sở dữ liệu.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo. Nhằm góp phần hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chuyên đề giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Đoàn giám sát, Tổ giúp việc rà soát, cập nhật kết quả ban hành văn bản pháp luật, các chương trình, dự án và kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp. Rà soát, cập nhật nhằm làm rõ những khó khăn, thách thức trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn với những nội dung phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, xử lý chất thải trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản…

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu kết luận Hội thảo
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đề nghị các thành viên Đoàn giám sát, Tổ giúp việc tiếp tục nghiên cứu, phân tích, làm rõ các nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, khó khăn trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ đó, đề xuất các giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và các luật có liên quan. Đặc biệt, cần đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp về tổ chức thực hiện; các chính sách riêng cho phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tuần hoàn, kinh tế tuần hoàn; các cơ chế hỗ trợ tài chính, đầu tư cho bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp; các cơ chế, chính sách trong ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phát triển nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Toàn cảnh Hội thảo

Các đại biểu, chuyên gia tham dự Hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại Hội thảo

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi điều hành phần trình bày tham luận và trao đổi thảo luận

Các đại biểu tham quan Trung tâm Nghiên cứu xuất sắc và đổi mới sáng tạo của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Các đại biểu tham quan phòng Truyền thống của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy viết lưu niệm tại phòng Truyền thống của Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các đại biểu tham dự Hội thảo.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=95042