Phát triển nông nghiệp: Cần chính sách đủ mạnh
Nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, mà còn tác động đến sự ổn định và phát triển bền vững của nền kinh tế. Để thúc đẩy ngành nông nghiệp tạo nên bước chuyển biến mới, tỉnh cần có các chính sách xây dựng vùng nguyên liệu tập trung hiệu quả hơn, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tập thể; đồng thời tháo gỡ vướng mắc liên quan đến đất đai gắn với ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Biện Tấn Nghiệp, ở thôn Mỹ Huệ, xã Bình Dương (Bình Sơn) cho biết, làm nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào tự nhiên lẫn thị trường. Khi thời tiết thuận lợi, sản phẩm đạt năng suất cao thì lại bí đầu ra, giá bán thấp. Ngược lại, nếu thời tiết bất lợi thì thiệt hại, mất mùa. Còn chăn nuôi thì thường đối mặt với nguy cơ dịch bệnh. Như gia đình tôi, sau 5 tháng nuôi đàn heo thịt hơn chục con, nhưng sắp đến ngày xuất bán, heo bỗng mắc bệnh chết, phải tiêu hủy xem như mất trắng.

Tháo gỡ vướng mắc về đất đai gắn với quy hoạch vùng sản xuất là một trong những giải pháp thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững. Trong ảnh: Vùng trồng ớt tập trung ở xã Bình Chương (Bình Sơn).
Trong năm 2024, toàn tỉnh có hơn 3.500 con heo mắc bệnh dịch tả heo Châu Phi và 210 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục, lở mồm long móng. Tổng khối lượng heo, bò, trâu bệnh bị tiêu hủy bắt buộc hơn 177 tấn, khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nặng nề.
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn khiêm tốn. Đó cũng là lý do khiến tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất dưới hình thức hợp tác và liên kết còn thấp. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho rằng, vướng mắc đối với ngành nông nghiệp lâu nay chưa được tháo gỡ liên quan đến quy hoạch vùng nguyên liệu và chất lượng nguồn giống cây trồng thiếu ổn định; quá trình tích tụ đất nông nghiệp diễn ra chậm, một số tín dụng ưu đãi đối với ngành nông nghiệp chưa đi vào thực tế.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 09/2025/NĐ-CP ngày 10/1/2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 25/2/2025) quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật. Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, sản xuất muối hoặc một phần chi phí sản xuất ban đầu (không phải đền bù thiệt hại), để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật. Cụ thể, mức hỗ trợ cho cây lúa gieo trồng từ 1 - 45 ngày từ 6 - 10 triệu đồng/ha đối với thiệt hại trên 70% diện tích, từ 3 - 5 triệu đồng/ha đối với thiệt hại từ 30 - 70% diện tích. Mức hỗ trợ đối với thủy sản từ 15 - 60 triệu đồng/ha đối với hình thức nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh trong ao, hồ, lồng bè... Mức hỗ trợ đối với gia cầm từ 15 - 45 nghìn đồng/con (tùy ngày tuổi), heo từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng (tùy ngày tuổi); trâu, bò... từ 1,5 - 7 triệu đồng/con (tùy tháng tuổi)...
Theo đề xuất của các DN, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, để tháo gỡ những điểm nghẽn trong lĩnh vực nông nghiệp, cần xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi cho sản xuất, xóa bỏ những rào cản về đất đai, thủ tục hành chính. Xây dựng thí điểm các vùng nguyên liệu nông sản tập trung, quy mô lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu.
Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt Nguyễn Văn Sáng cho hay, tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng “điểm trừ” của lĩnh vực nông nghiệp chính là chi phí đầu tư quá lớn, rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn chậm, thị trường tiêu thụ bấp bênh. Do đó, bên cạnh nỗ lực của DN, đồng hành của nông dân cần có sự tiếp sức của các cấp chính quyền thông qua chính sách hỗ trợ tài chính, hoặc tạo thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp. Qua đó, giúp DN có điều kiện đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động... góp phần mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Ngoài ra, tỉnh cần hỗ trợ DN nông nghiệp nghiên cứu và phát triển các dự án sáng tạo công nghệ, nhằm sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho nông dân, vừa giúp nông dân có nguồn vốn đầu tư vào vùng nguyên liệu, vừa khơi thông nguồn lực qua việc tích tụ đất nông nghiệp, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai.