Phát triển nông nghiệp hữu cơ cần những 'mắt xích' liên kết chặt chẽ

Nhờ ứng dụng các công nghệ mới như công nghệ sinh học, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp sản xuất với tiêu thụ trong giai đoạn hội nhập... đã hình thành nhiều chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ giúp nâng tầm giá trị nông sản.

Chia sẻ về câu chuyện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại cơ sở của mình bên lề Diễn đàn “Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản” do Tạp chí Kinh Doanh (VnBusiness) thực hiện, bà Phạm Thị Lý - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tiên Dương cho hay, Tiên Dương là HTX đầu tiên tại Việt Nam có được phát minh sáng chế bản quyền về một loại chế phẩm vi sinh vật hữu ích. "Từ khi ứng dụng vào nông nghiệp, chúng tôi đã tạo ra được mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đưa sinh vật hữu ích vào quá trình chăn nuôi để xử lý nguồn thải hữu cơ trong chăn nuôi, sau đó tạo ra nguồn phân bón hữu cơ, tạo nguồn cung đầu vào cho trồng trọt và sản xuất an toàn trong nông nghiệp" - Giám đốc HTX Tiên Dương nói.

Theo bà Lý, đến nay tất cả các sản phẩm trong liên hiệp HTX nông nghiệp đều được phục vụ theo mô hình chuỗi liên kết khép kín, “5 nhà” đó là: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng. Bên cạnh đó, HTX dùng công nghệ số checkvn để làm nền tảng lõi trong việc kết nối giữa các nhà trong chuỗi liên kết, giúp cho người tiêu dùng – là người cuối cùng check (kiểm tra) thông tin QR trên mã sản phẩm. Mô hình đó, là mô hình sản xuất liên kết hữu cơ vi sinh (Orgavina).

Giám đốc HTX Tiên Dương Phạm Thị Lý chia sẻ về mô hình chuỗi liên kết khép kín, “5 nhà” đó là: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Giám đốc HTX Tiên Dương Phạm Thị Lý chia sẻ về mô hình chuỗi liên kết khép kín, “5 nhà” đó là: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Từ chuỗi liên kết này, HTX đã gặt hái được những thành công, đặt nền móng cho một phương pháp sản xuất nông nghiệp mang tên “Giải pháp hữu cơ vi sinh Orgavina”, góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm.

Thực tế, HTX đã dùng chế phẩm của mình để xử lý nguồn thải hữu cơ tại nhiều cơ sở chăn nuôi sau đó biến thành phân hữu cơ, cung cấp cho các nông trại trồng trọt rau củ quả thực phẩm, đơn cử như trại chăn nuôi 50 nghìn con gà (Chương Mỹ, Hà Nội) hoặc các nông trại lớn như nhà máy Đông Thành (Đông Anh, Hà Nội), hàng tháng xuất từ 10 – 15 ngàn con bò ra thị trường, các vườn mẫu lớn tại Thái Nguyên,... Qua đó đều cho kết quả khả quan.

“Hiện tại đã có nhiều đơn vị cùng HTX Tiên Dương phát triển thành Liên hiệp HTX Nông nghiệp Hữu cơ và Dược liệu Việt Nam, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, chủ động nguồn cung đầu vào bao gồm các loại chế phẩm vi sinh và phân bón hữu cơ để làm nên sản phẩm chất lượng, an toàn” – bà Lý thông tin.

Tuy nhiên, mô hình HTX liên kết chuỗi như HTX Tiên Dương không phải là nhiều, theo các chuyên gia để hình thành nền nông nghiệp hữu cơ phù hợp với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, hướng tới xuất khẩu thì cần phải nhân rộng nhiều hơn những mô hình như trên.

Theo ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, liên kết chính là chìa khóa giúp phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia. Cụ thể, tổ chức sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi có thể thực hiện theo liên kết ngang (nông dân - nông dân, hợp tác xã - hợp tác xã, doanh nghiệp - doanh nghiệp) hoặc liên kết dọc (nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp). Qua đó giúp nâng cao giá trị và phát triển bền vững đối với cả ngành chăn nuôi và trồng trọt.

Nghị quyết số 19-NQ/TW/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ "khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn". Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Ông Đào Thanh Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới có 191 quốc gia phát triển dòng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Có 74 quốc gia, vùng lãnh thổ ban hành quy định sản xuất hữu cơ. Tại Việt Nam, nông dân đã canh tác hữu cơ truyền thống từ lâu đời. Tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, tính đến cuối năm 2023, cả nước hiện có 495.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chiếm 4,3% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, chiếm 0,69% diện tích sản xuất hữu cơ của thế giới. “Mặc dù diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam nhỏ nhưng vẫn có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nâng tầm sản phẩm nông nghiệp Việt Nam” – ông Vân nói.

Trên cơ sở đó, để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, cần tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp thực chất, hiệu quả theo hướng đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng và vật nuôi; sản xuất phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học; ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong quản lý và sản xuất.

Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp; hoàn thiện, điều chỉnh các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, đặc biệt là các HTX kiểu mới. Phát triển thị trường tiêu thụ, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản Việt Nam.

“Phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến trong quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, nước. Xây dựng và triển khai các chương trình, dự án nông nghiệp xanh nhằm bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên”… Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Hồng Hương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/phat-trien-nong-nghiep-huu-co-can-nhung-mat-xich-lien-ket-chat-che-1102000.html