Phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với giảm nghèo bền vững

ĐTO - Thời gian qua, huyện Tân Hồng tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) và tái cơ cấu ngành nông nghiệp (TCCNNN) và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp phát huy thế mạnh nông nghiệp và khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện các mô hình giảm nghèo hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống hộ nghèo, cận nghèo địa phương.

Nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Phước, huyện Tân Hồng

Nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã An Phước, huyện Tân Hồng

Cấp ủy, chính quyền huyện Tân Hồng đã cụ thể hóa Kết luận số 250 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XI về tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với TCCNNN và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025 với các nhiệm vụ, giải pháp sát thực tiễn địa phương. Trên cơ sở đó, UBND huyện, các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức nhằm chuyển tải mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với nhiệm vụ xây dựng NTM, TCCNNN và giảm nghèo bền vững. Đồng thời tăng cường vận động Nhân dân chung tay thực hiện chỉnh trang nhà cửa, hàng rào, cổng ngõ, trồng hoa và cây xanh các tuyến đường nông thôn; tham gia đóng góp để xây dựng các hạng mục hạ tầng, góp phần hoàn thiện các tiêu chí trong NTM.

Thực hiện TCCNNN, huyện chú trọng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp; mạnh dạn chuyển đổi số, phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học, công nghệ cao. Đến nay, toàn huyện có 12 hợp tác xã nông nghiệp và 77 tổ hợp tác đang hoạt động với hơn 6.300 thành viên; có 35 vùng trồng với diện tích gần 10.000ha được cấp 55 mã số xuất khẩu sang thị trường các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Newzealand, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Australia... Phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% diện tích sản xuất lúa của huyện được cấp mã số vùng trồng và quản lý mã số vùng trồng theo quy định, 6 vùng cây ăn trái được cấp mã số với diện tích 64,9ha. Ngoài ra, huyện còn có các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ số trong sản xuất như: hệ thống tưới nhỏ giọt và thủy canh trong sản xuất dưa lưới (tại xã Tân Thành B và xã Tân Công Chí); ứng dụng hệ thống cảm biến trong tưới kết hợp châm phân cho vườn cây ăn trái (tại xã Tân Hộ Cơ); hệ thống giám sát tự động dịch hại (tại các xã: Bình Phú, An Phước, Tân Thành A).

Trong công tác giảm nghèo, huyện triển khai các mô hình hiệu quả, điển hình như mô hình chăn nuôi bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo ở các xã: Thông Bình, Tân Phước và An Phước. Tính từ năm 2021 đến nay, các mô hình đã hỗ trợ vốn vay, việc làm cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập, qua đó có 42 hộ thoát nghèo và 41 hộ thoát cận nghèo. Song song đó, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn huyện Tân Hồng quan tâm thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo và vận động các nguồn lực tham gia công tác an sinh xã hội. Qua đó, cấp trên 14.500 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo với kinh phí hơn 13,3 tỷ đồng; vận động các tổ chức, cá nhân tặng trên 7.800 thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo; hỗ trợ học phí, học bổng, dụng cụ học tập cho 9.400 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền trên 6,3 tỷ đồng. Từ ngân sách địa phương và vận động tổ chức, cá nhân, huyện Tân Hồng hỗ trợ xây mới 964 căn nhà, sửa chữa 242 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các xã, thị trấn.

Theo UBND huyện Tân Hồng, đến tháng 7/2024, huyện thực hiện đạt, vượt 12/14 chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM gắn với TCCNNN và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025. Trong đó, 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, riêng xã An Phước đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu đến cuối năm 2024, huyện có thêm 1 xã (Tân Phước) đạt chuẩn NTM nâng cao và hoàn thành hồ sơ minh chứng huyện NTM. Kết quả rà soát cuối năm 2023, toàn huyện còn 543 hộ nghèo, chiếm 2,49%. Ước đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm còn 1,99%.

Thời gian tới, UBND huyện Tân Hồng, các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm mục tiêu nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Tăng cường chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển sản phẩm OCOP. Quan tâm tư vấn, hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo cách sản xuất, kinh doanh phù hợp với ngành, nghề phát triển kinh tế địa phương. Cùng với đó, quyết tâm hoàn thành hồ sơ minh chứng huyện đạt chuẩn NTM, hướng đến xây dựng huyện Tân Hồng đạt chuẩn NTM vào năm 2025...

P.L

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-gan-voi-giam-ngheo-ben-vung-124962.aspx