Phát triển nông nghiệp sạch, bền vững ở tỉnh miền núi Điện Biên

Tỉnh Điện Biên đang tận dụng tối đa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết hợp với áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, bền vững.

Gia đình ông Phạm Văn Dưỡng ở thôn Hoàng Yên, xã Thanh Yên, huyện Ðiện Biên, tỉnh Điện Biên tận dụng lợi thế đất đai rộng lớn, những năm gần đây đã đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả như: cam, xoài, mít, bưởi... nhằm phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.

Ông Dưỡng cho biết: Được chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật, cộng với tinh thần ham học hỏi, tích lũy kinh nghiệm của cá nhân, đến nay, mô hình kinh tế của gia đình ông đã phát triển ổn định. Hàng năm, gia đình xuất bán ra thị trường 25 tấn cá thương phẩm; 3 tấn lợn, gà, vịt. Cùng với nguồn thu từ việc trồng cây lấy gỗ, các loại cây ăn quả, mỗi năm sau khi trừ các loại chi phí, gia đình đã có thu nhập khoảng 500 triệu đồng.

Tận dụng lợi thế đất đai, những năm gần đây gia đình ông Dưỡng đã đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao

Tận dụng lợi thế đất đai, những năm gần đây gia đình ông Dưỡng đã đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao

“Để phát triển kinh tế như hiện nay thì gia đình cũng đã đi tham khảo rất nhiều mô hình. Xác định lợi thế gia đình có quỹ đất đáng kể để phát triển nông nghiệp nên sau khi đi tham khảo các mô hình cùng với việc tham khảo nhu cầu của địa phương, gia đình đã quyết định đào ao thả cá làm nền tảng rồi từ đó phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Phần đất khác trên bờ thì phát triển cây ăn quả để phát triển kinh tế” - ông Dưỡng nói.

Nhiều hộ nông dân ở Điện Biên những năm gần đây đã chủ động tiếp cận với nền nông nghiệp công nghệ cao. Các mô hình sản xuất trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm dần hình thành, đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng dưa lưới thủy canh của gia đình anh Ngô Xuân Đức ở bản Huổi Phạ, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ là một điển hình. Anh Đức cho biết, mô hình trồng dưa lưới bằng phương pháp thủy canh kết hợp với trồng dưa trong nhà màng đã góp phần kiểm soát đáng kể sâu bệnh hại. Với những ưu điểm đó, mô hình bước đầu đã tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Mô hình nhà kính này hạn chế được rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, gần như là không sử dụng đến, không có côn trùng vì nhà khá kín. So với các phương pháp trồng truyền thống thì độ an toàn cao hơn” - anh Ngô Xuân Đức nói.

Mô hình trồng dưa lưới thủy canh của gia đình anh Ngô Xuân Đức hướng tới các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn

Mô hình trồng dưa lưới thủy canh của gia đình anh Ngô Xuân Đức hướng tới các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn

Trước thị hiếu người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, nhiều doanh nghiệp, người làm nông nghiệp ở Điện Biên đã dần thay đổi tư duy và đổi mới phương pháp canh tác để làm ra các sản phẩm sạch, an toàn.

Ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất Điện Biên chia sẻ: Cùng với những tiến bộ về giống cây, cơ cấu mùa vụ, doanh nghiệp đã chú trọng sử dụng các sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường nhằm sản xuất ra các sản phẩm trà sạch theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

“Thuốc để trừ sâu bệnh và tăng trưởng cho cây đều có nguồn gốc từ hữu cơ và chế phẩm sinh học. Khi các cơ quan chức năng chứng nhận về đảm bảo, đơn vị mới tiến hành sử dụng” - ông Nhất cho biết.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng bền vững đã trở thành mục tiêu mà tỉnh Điện Biên hướng tới.

Tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có tính cạnh tranh cao

Tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có tính cạnh tranh cao

Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chú trọng phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, có tính cạnh tranh cao. Đồng thời hướng tới phát triển các sản phẩm thế mạnh thành sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP... Đến nay, nhiều mô hình kinh tế mới, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đã và đang dần hình thành, từng bước tạo nên một nền nông nghiệp hiệu quả, hiện đại, bền vững.

“Việc ứng dụng các mô hình kinh tế mới trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được đánh giá có nhiều hiệu quả, thể hiện sự phù hợp của các loại cây trồng, vật nuôi. Qua kết quả khả quan, ngành sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình để xóa đói giảm nghèo cho người dân, giúp người dân làm giàu trên chính quê hương mình” - bà Xuân nói.

Tính đến hết năm 2023, tỉnh Điện Biên đã có 77 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên và trở thành sản phẩm chủ lực, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn lên 26 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn xuống còn gần 37%.

Trong thời gian tới, địa phương xác định tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và từng bước nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.

Vũ Lợi/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/phat-trien-nong-nghiep-sach-ben-vung-o-tinh-mien-nui-dien-bien-post1097432.vov