Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng

Nông nghiệp là một trong những yếu tố có vai trò quan trọng, góp phần vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế ở Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng từ khâu sản xuất là một trong những dự án đang được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam triển khai ở một số tỉnh khu vực miền Bắc.

Đây là một trong những nội dung được đại diện JICA chia sẻ tại buổi họp báo thường niên về tình hình triển khai hoạt động ODA của JICA tại Việt Nam. Theo đó, hiện nay ở nước ta, 40% người lao động đang hoạt động trong lĩnh vực nông lâm, thủy sản; trong đó nông nghiệp chiếm 15% GDP của cả nước và 20% kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù năng suất nông nghiệp Việt Nam tăng ổn định, lợi nhuận cũng đang được tăng cao nhưng vẫn còn tồn tại không ít những khó khăn, thách thức, như việc nâng cao năng suất gieo trồng, cải tiến kỹ thuật canh tác, đặc biệt là tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Vì vậy, Việt Nam cần nghiên cứu chính sách phát triển từ khâu sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và đến tay người tiêu dùng, sao cho toàn bộ quá trình này phải đảm bảo mang đến nguồn nguyên liệu sạch và giảm thiểu tác động tới môi trường.

Trước tình hình kinh tế-xã hội phát triển như hiện nay, nhu cầu tiêu thụ nông sản tăng cao, kéo theo yêu cầu thiết yếu của người tiêu dùng về nguồn thực phẩm phải thực sự an toàn. Với các hình thức sản xuất nông nghiệp thông thường hiện nay ở Việt Nam, lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được sử dụng ngày càng nhiều cùng các tồn dư của chúng đã để lại những hậu quả không nhỏ đến môi trường cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn thực phẩm.

 Mùa lúa chín ở Hà Giang. Ảnh minh họa: daubao.com.

Mùa lúa chín ở Hà Giang. Ảnh minh họa: daubao.com.

Theo khảo sát của JICA, có tới 93% người tiêu dùng tại Hà Nội lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm, 71% không tin tưởng vào giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm được cấp. Con số này phản ánh mức độ kém an toàn và sự lo ngại của người tiêu dùng Việt Nam nói chung về chất lượng của nguồn thực phẩm mà họ đang sử dụng.

JICA đã có nhiều dự án hỗ trợ Việt Nam trong các lĩnh vực, trong đó có dự án về Hợp tác phát triển Nông nghiệp mang tên “Tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc Việt Nam”.

Dự án được thực hiện từ tháng 7-2016 đến tháng 7-2021 bởi Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam) và được thí điểm tại các tỉnh, thành phố ở miền Bắc như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên… Dự án nhằm tăng cường độ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất cây trồng an toàn tại khu vực miền Bắc Việt Nam, bảo đảm an toàn thực phẩm xanh, sạch cho người tiêu dùng.

Cố vấn hình thành dự án, ông KAYANO Naoki cho biết, dự án có ba hoạt động chính: Quản lý sản xuất cây trồng an toàn (Hướng dẫn sử dụng, quản lý thuốc BVTV, nâng cấp các cơ sở sơ chế sau thu hoạch, đánh giá vệ sinh an toàn trong và sau thu hoạch, áp dụng kỹ thuật canh tác trong sản xuất cây trồng an toàn); Hình thành chuỗi cung ứng (Đào tạo giảng viên về marketing, tổ chức diễn đàn kinh doanh, sự kiện kết nối, phát triển các công cụ marketing); Nâng cao nhận thức (Giáo dục tại trường học, tổ chức “Hội thi vẽ tranh về rau an toàn” và “Cuộc thi sáng tạo Slideshow với chủ đề “Hãy mang rau an toàn về nhà”…).

Sau hơn 4 năm triển khai và thực hiện, dự án đã cho thấy những dấu hiệu và kết quả tích cực từ các nhà sản xuất, đơn vị thu mua cho tới người tiêu dùng. Về phía nhà sản xuất, họ đã có ý thức về việc kinh doanh không chỉ để đem lại lợi nhuận mà còn phải mang lại nguồn thực phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng và bảo vệ môi trường. Họ quan tâm hơn đến phản hồi của khách hàng – những người trực tiếp tiêu thụ sản phẩm, không ngừng trau dồi kỹ thuật canh tác mới tiên tiến, không ngại chia sẻ, cung cấp thông tin với các bên liên quan.

Dự án mang đến cho các hộ sản xuất những kinh nghiệm, kỹ thuật ưu việt trong trồng trọt, từ đó chất lượng nông sản được nâng lên rõ rệt, tăng năng suất, các hộ sản xuất mở rộng kinh doanh không chỉ với quy mô nhỏ mà còn cả trong và ngoài nước.

Ông Lê Thạc Bình – đại diện nhóm hộ sản xuất rau an toàn thôn Lúa, xã Đoàn Thượng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương chia sẻ: “Từ khi tham gia dự án, không chỉ còn dựa vào trực giác của bản thân, tôi đã học được kỹ thuật sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, sao cho không gây hại đến môi trường cũng như tác động đến sự an toàn của thực phẩm”.

Về phía đơn vị thu mua, chị Nguyễn Thị Nguyệt – Trưởng phòng thu mua Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp VinEco cho biết: “Ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn của VietGAP, chúng tôi còn thực hiện tiêu chuẩn của riêng công ty. Chúng tôi đang bán ra các loại nông sản đạt chuẩn, đã qua kiểm tra chất lượng. Ngoài việc đa dạng hóa chủng loại cũng như lượng sản phẩm bán ra cho thị trường trong nước, chúng tôi mong muốn sẽ xuất khẩu rau củ sang thị trường châu Á, hoặc tiến đến thị trường châu Âu”...

Những kết quả tích cực bước đầu đạt được từ dự án đã góp phần nâng cao, cải thiện chất lượng nền nông nghiệp cũng như nhận thức của người dân về vấn đề thực phẩm sạch. Để phát triển, nông nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là tiền đề quan trọng để nông nghiệp nước ta có thể vươn rộng ra thị trường thế giới. Những dự án của JICA đã và đang góp phần không nhỏ trong việc phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

HOÀNG THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-an-toan-bao-dam-nguon-thuc-pham-sach-cho-nguoi-tieu-dung-597623