Phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững

Sau 25 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và sự năng động, đổi mới tư duy, cách tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa của người dân, nông nghiệp Vĩnh Phúc đã tạo bước đột phá mới trên quê hương "khoán hộ", từng bước hướng tới nền nông nghiệp sạch, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất. Ảnh Thế Hùng

Cơ giới hóa nông nghiệp đã giải quyết khâu lao động nặng nhọc, tính thời vụ, đồng thời thúc đẩy quá trình liên kết sản xuất. Ảnh Thế Hùng

Về các địa phương những ngày này, không khí thi đua lao động sản xuất diễn ra sôi nổi chào mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh. Ai cũng hân hoan phấn khởi trước những thành tựu Vĩnh Phúc đạt được trong phát triển KT-XH, nhất là sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp.

Trên những cánh đồng dồn thửa, đổi ruộng thẳng cánh bò bay, nông dân đang chăm sóc cây trồng theo quy trình VietGap, sản xuất theo hướng hữu cơ đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn của người tiêu dùng.

Ông Trần Văn In, xã Yên Phương (Yên Lạc) chia sẻ: Chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp lại thuận lợi như bây giờ, hạ tầng thủy lợi từng bước được đầu tư nâng cao, hệ thống giao thông nội đồng được kiên cố hóa đến tận ruộng, cơ giới hóa được áp dụng ở hầu hết các khâu trong sản xuất, đặc biệt, tỉnh thực hiện miễn hoàn toàn thủy lợi phí và phí dịch vụ thủy lợi nội đồng cho người dân.

Vào vụ gặt, nông dân chỉ việc đưa thóc về nhà, không còn cảnh nhọc nhằn “một nắng hai sương” như trước nữa.

Không chỉ vậy, người dân còn chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhất là việc thay đổi phương thức canh tác mới từ truyền thống sang sản xuất hàng hóa theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, liên kết "bốn nhà" theo tiêu chuẩn VietGap, hình thành các cánh đồng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó tiết kiệm được chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất trên đơn vị canh tác và tăng lợi nhuận. Cuộc cách mạng nông nghiệp đã giúp đời sống nông dân sung túc, đủ đầy hơn.

Còn nhớ năm 1997, khi mới tái lập tỉnh, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, sản phẩm hàng hóa ít, chất lượng không cao, sức cạnh tranh thấp.

Đến nay, nông nghiệp Vĩnh Phúc liên tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng GRDP Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản bình quân giai đoạn 2008 -2020 đạt 3,55%/năm.

Cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, mùa vụ chuyển dịch đúng hướng, đem lại hiệu quả ngày càng cao; bước đầu đã hình thành các mô hình gắn kết giữa sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, đảm bảo an ninh lương thực trước mắt và lâu dài, góp phần ổn định chính trị- xã hội; sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, thực sự trở thành cơ sở cho phát triển bền vững nền kinh tế của tỉnh.

Một trong những điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh là thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đã hình thành nhiều vùng sản xuất trọng điểm có khối lượng hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh như thanh long ruột đỏ Lập Thạch; rau an toàn ở huyện Tam Dương; su su, trà hoa vàng, ba kích ở huyện Tam Đảo; vùng chăn nuôi bò sữa ở huyện Vĩnh Tường; chăn nuôi gà ở các xã: Thanh Vân, Kim Long (Tam Dương); chăn nuôi lợn ở các xã: Quang Sơn, Hợp Lý (Lập Thạch)...

Một số loại quả như thanh long ruột đỏ Lập Thạch bước đầu xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Australia, Hồng Kong; chuối tiêu hồng huyện Yên Lạc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Nga.

Mặt khác, Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng giá trị nông sản thông qua chế biến, xây dựng thương hiệu, tổ chức xúc tiến thương mại.

Để tạo sự bứt phá trong nông nghiệp, tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế tham gia; kịp thời giải quyết các vấn đề từ thực tiễn trong sản xuất và nhu cầu thiết yếu của người nông dân.

Giai đoạn 2008- 2020, tổng vốn ngân sách đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trên địa bàn tỉnh trên 16 nghìn tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 2013- 2020, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn tỉnh đã chuyển đổi gần 12.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau, củ, quả cho hiệu quả kinh tế cao; hỗ trợ gần 100 nghìn ha các giống lúa có chất lượng, phù hợp với điều kiện của tỉnh; hỗ trợ gần 16 nghìn ha phát triển trồng trọt sản xuất hàng hóa…

Đến nay, các giống lúa chất lượng được nông dân đưa vào sản xuất chiếm 70% diện tích; cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 95%, thu hoạch lúa bằng máy đạt trên 70% diện tích giúp giảm chi phi nhân công, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm…, đưa giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác năm 2020 đạt hơn 155 triệu đồng/ha, gấp hơn 7 lần so với năm 2000.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt hơn 50 triệu đồng/người, tăng 4,21 lần so với năm 2008.

Hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thời gian tới, tỉnh tập trung, ưu tiên hỗ trợ các ngành hàng chủ lực theo chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Khuyến khích đầu tư xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đem lại giá trị gia tăng cao trong sản xuất nông nghiệp.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71375/phat-trien-nong-nghiep-theo-huong-hien-dai-ben-vung.html