Phát triển nông thôn mới gắn với chuyển đổi xanh

Giai đoạn 2026 - 2030, Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng, phù hợp với điều kiện từng vùng.

Các tiêu chí tập trung vào phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi số trong nông nghiệp, cải thiện môi trường và nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn.

Phấn đấu đến năm 2030 có trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

Theo Chánh Văn phòng Ðiều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn, đến hết tháng 1/2025, cả nước có 6.250/8.014 xã (78%) đạt chuẩn NTM. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 có những đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2024 dự kiến khoảng 56,4 triệu đồng/người/năm (tăng 1,35 lần so với năm 2020)…

Đường giao thông về xã nông thôn mới kiểu mẫu Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: TTXVN.

Đường giao thông về xã nông thôn mới kiểu mẫu Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, chương trình vẫn còn một số hạn chế như: Sự chênh lệch phát triển giữa các vùng miền, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn chưa đạt chuẩn, điều kiện hạ tầng còn nhiều khó khăn; chất lượng đạt chuẩn chưa thật sự bền vững, một số địa phương khó khăn trong việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí sau khi đạt chuẩn… Chính vì vậy, giai đoạn 2026 - 2030 cần thiết triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để tiếp tục tập trung hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến 2030 có trên 90% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, phấn đấu 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM trên 70%, trong đó phấn đấu 35% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 phấn đấu tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Cùng với đó, tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, cấp thiết ở địa phương nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, đặc biệt khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn…

Bên cạnh đó, tập trung triển khai các chương trình chuyên đề (chương trình Mỗi xã một sản phẩm; chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh; Chương trình nâng cao chất lượng tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM...) nhằm đảm bảo xây dựng NTM thực chất, đi vào chiều sâu, tạo nền tảng vững chắc để phát triển nông thôn hiện đại, văn minh, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Đề cập về định hướng xây dựng chương trình NTM giai đoạn 2026 - 2030 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thành Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, sẽ tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo kết nối đồng bộ giữa nông thôn - đô thị và các vùng miền. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn bền vững, gắn với chuyển đổi số và thích ứng biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao thu nhập người dân theo hướng ổn định, lâu dài. Đồng thời triển khai các giải pháp để giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo…

Chú trọng chuyển đổi xanh

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo tham vấn lấy ý kiến góp ý định hướng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2026 - 2030 mới đây. Theo ông Cao Đức Phát - nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông thôn hiện nay đã phát triển rất xa so với cách đây 15 năm. Chính vì vậy, xây dựng nông thôn hiện đại cần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số đủ sức tạo việc làm và nâng cao nhanh thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn, ngang bằng với thu nhập ở khu vực đô thị. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ và cải thiện môi trường, nâng cao khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu.

Lý giải cho đề xuất của mình, ông Phát cho rằng, hiện nay gần như khắp vùng nông thôn đều 100% có điện, đường sá đã hoàn thành, trường trạm đã có, nhà của người dân khang trang... Nếu tiếp tục theo hướng xây NTM kiểu mẫu và NTM nâng cao, thì chỉ là cách làm cơi nới. Vì vậy, việc xây dựng NTM cần có sự thay đổi về tư duy mỗi địa phương, mỗi vùng khác nhau, vì vậy việc xây dựng tiêu chí cần có sự khác biệt không thể theo khuôn mẫu áp dụng chung trong cả nước được.

TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho rằng, đến nay cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện: 100% các xã và gần 99% số thôn khu vực nông thôn đều đã có điện; có 99,67% xã có đường ô tô từ trụ sở UBND xã đến trụ sở UBND huyện; hệ thống mạng di động 3G, 4G đã được phủ sóng rộng khắp… Chính vì vậy, việc xây dựng NTM cần có sự đổi mới gắn với phát triển nông nghiệp và công nghiệp, để đảm bảo việc làm và tăng thu nhập dân cư nông thôn.

Đưa ra định hướng xây dựng NTM trong thời gian tới, ông Lê Minh Hoan - Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nếu trước đây chúng ta nói về NTM với đường sá, trường trạm, nhà cửa khang trang thì giờ đây, cần nhấn mạnh hơn đến một nông thôn tri thức, một nông thôn có tính kết nối cao và một nền kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

“Xây dựng NTM không phải là một đích đến mà là một hành trình liên tục đổi mới, sáng tạo và phát triển. Do đó, cần xây dựng cộng đồng nông thôn tri thức - đưa tri thức về làng quê; phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn và phát huy nghề truyền thống; thúc đẩy du lịch nông nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế trang trại, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng một nông thôn đáng sống, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại” - Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phat-trien-nong-thon-moi-gan-voi-chuyen-doi-xanh-10300409.html