Phát triển nuôi trồng thủy sản hồ Hòa Bình
Phát huy lợi thế về diện tích, độ sâu, chất lượng nước của hồ nhân tạo lớn thứ 4 ở Việt Nam, năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020. Từ đó tạo nên bước phát triển mạnh cho ngành nuôi trồng thủy sản hồ thủy điện sông Đà.
Phát huy lợi thế về diện tích, độ sâu, chất lượng nước của hồ nhân tạo lớn thứ 4 ở Việt Nam, năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020. Từ đó tạo nên bước phát triển mạnh cho ngành nuôi trồng thủy sản hồ thủy điện sông Đà.
Hồ Hòa Bình trải dài 230km từ Hòa Bình đến Sơn La. Dung tích của hồ khoảng 9,45 tỷ m3, diện tích mặt hồ khoảng 8.900 ha. Lòng hồ đoạn qua Hòa Bình nằm trong phạm vi hành chính của TP Hòa Bình và 4 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu.
Theo thống kê, hiện nay, số lồng nuôi cá trên hồ gần 5.000 lồng, sản lượng ước đạt 10 nghìn tấn, giá trị kinh tế ước đạt 600 tỷ đồng; thu nhập bình quân một lồng nuôi 50m3 đạt khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho gần 2.000 lao động địa phương. Tham gia nuôi cá lồng không chỉ có các hộ dân ven hồ mà đã có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Hiện trên hồ Hòa Bình có 35 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi thâm canh với quy mô lớn; 2 doanh nghiệp đầu tư nuôi hơn 200 lồng theo công nghệ tiên tiến.
Năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12 về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020. Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 10 cụ thể hóa Nghị quyết số 12 bằng việc đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nuôi cá lồng vùng hồ thủy điện Hòa Bình giai đoạn 2015 - 2020. Nhờ đó, trong giai đoạn 2015 - 2022, nuôi cá lồng bè lòng hồ Hòa Bình phát triển nhanh, với tỷ lệ lồng cá tăng thêm đạt trên 115%, bình quân tăng gần 14%/năm. Sản lượng cá thu hoạch tăng bình quân xấp xỉ 40%/năm, gồm các loài như cá chiên, lăng chấm, diêu hồng, trắm đen, bỗng, cá tầm, trắm cỏ, rô phi...
Theo Chi cục Thủy sản, trên hồ Hòa Bình nghề khai thác thủy sản diễn ra khá sôi động với 1.480 thuyền các loại, 1.300 chiếc lưới các loại và 440 vó đèn. Đối tượng khai thác chủ yếu là cá tạp và tôm sông, cá có giá trị kinh tế cao chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, do việc tổ chức quản lý khai thác, bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản tại một số địa phương vùng lòng hồ chưa được quan tâm, khiến nguồn lợi thủy sản trong hồ ngày càng suy giảm cả về số lượng và giống loài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Một số loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao như cá lăng, anh vũ, dầm xanh, chiên... có nguy cơ cạn kiệt.
Nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản, bổ sung một số giống, loài thủy sản bản địa, đặc biệt các giống, loài thủy sản quý hiếm, có giá trị khoa học và kinh tế đang bị suy giảm, góp phần thiết thực tái tạo, phục hồi nguồn lợi, đa dạng hóa giống, loài thủy sản trong các vùng nước tự nhiên và tạo sinh kế cho người dân vùng hồ Hòa Bình. Trong giai đoạn 2020 - 2023, ngành nông nghiệp đã phối hợp cùng chính quyền các cấp, một số cơ quan, đơn vị liên quan thả trên 60 nghìn con cá gống các loại; năm 2024 tổ chức thả trên 17 nghìn con cá giống bổ sung tái tạo nguồn lợi trên hồ Hòa Bình. Bên cạnh đó, tổ chức 12 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thủy sản cho 400 lượt người, qua đó nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản.
Hiện nay, tỉnh đã cấp gần 20 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Cá sông Đà - Hòa Bình”; tại các địa phương: TP Hòa Bình, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần nâng cao giá trị cá sông Đà và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một số cơ sở nuôi cá tại lòng hồ Hòa Bình xây dựng được thương hiệu và chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội như: Cá sạch sông Đà, cá sạch Cường Thịnh, cá sạch Đà Giang ECO..., tạo niềm tin vững chắc vào phát triển cá vùng hồ một cách bền vững.