Phát triển rừng đa giá trị

Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đang là mục tiêu hướng đến của ngành Lâm nghiệp, bởi rừng không chỉ cho gỗ mà còn có những loài sâm và thảo dược quý hiếm từ phát triển trồng cây thảo dược dưới tán rừng. Tính đa dạng không tạo ra sự xung đột, mà ngược lại tạo thêm sự cộng hưởng, phong phú cho rừng.

Nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng

Tuyên Quang là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng. Năm 2022, GRDP ngành lâm nghiệp địa phương đạt hơn 1.750 tỷ đồng, đưa tỉnh trở thành trung tâm chế biến gỗ của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Đời sống người trồng rừng không ngừng được nâng lên, lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế hiệu quả, có giá trị cao và bền vững.

Phát triển kinh tế rừng, đặc biệt là rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000 ha. Mục tiêu này đã và đang được các địa phương, đơn vị trồng rừng tập trung triển khai thực hiện. Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, những năm qua, Công ty đã tập trung trồng rừng bằng cây giống chất lượng cao và chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao giá trị kinh tế tạo ra những diện tích rừng có ưu thế vượt trội so với diện tích rừng trồng đại trà hiện nay. Trên 3.200 ha diện tích sản xuất của đơn vị đã được liên doanh liên kết với người lao động, các hộ gia đình trên địa bàn xã và toàn bộ diện tích đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.

Rừng 8 năm tuổi của Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương.

Rừng 8 năm tuổi của Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương.

Gia đình ông Nguyễn Đức Bình, thôn 2, xã Thái Bình (Yên Sơn) có 12 ha đất trồng rừng, trong đó có 6 ha trồng cây keo lai, 6 ha cây keo tai tượng. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến về chính sách khuyến khích và hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, ông Bình đã mạnh dạn đăng ký với diện tích 4 ha rừng chuyển hóa sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác từ 10 - 12 năm để tăng sản lượng và giá trị khi thu hoạch. Ông Bình cho biết, trong năm 2021 gia đình ông khai thác 4,2 ha ở năm thứ 7, diện tích này vẫn còn là rừng gỗ nhỏ bán làm dăm gỗ, gỗ bóc hoặc làm nguyên liệu cho nhà máy giấy, giá trị đạt 107 triệu đồng/ha, song để cây thêm 4 - 5 năm nữa với giá thị trường hiện nay sẽ cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha. Lợi nhuận nữa là rừng lớn không tốn chi phí đầu tư giống, chăm sóc, chỉ cần trông nom, bảo vệ.

Ông Vũ Văn Hòe, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) chia sẻ: "Nếu bán rừng khi mới 5, 6 năm thì 1 ha chỉ được 70 đến 80 triệu thôi. Nhưng nếu để 10 tới 11 năm thì giá trị mỗi ha lên tới 200 đến 220 triệu trên 1 ha. Chính vì hiệu quả kinh tế hơn mà lại không phải đầu tư ban đầu nên gia đình tôi đang phát triển rừng gỗ lớn".

Ông Triệu Đăng Khoa, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, các nghị quyết, đề án của tỉnh Tuyên Quang đã đồng hành, hỗ trợ người dân chuyển từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Trong đó, tỉnh thực hiện hỗ trợ cây giống lâm nghiệp để trồng rừng bằng các loài cây keo lai mô, cây keo tai tượng nhập ngoại, dổi, sấu, trám trắng; hỗ trợ phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ, bảo tồn, trồng mới các loại cây đặc sản, cây dược liệu có giá trị; xem xét hỗ trợ lãi suất vay các tổ chức tín dụng trung hạn, dài hạn đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trồng rừng sản xuất...

Hiện tổng diện tích phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh đến hết năm 2022 là 76.652 ha, đạt 100,8% kế hoạch. Ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát thống kê diện tích; hỗ trợ chính sách về cây giống, chính sách vốn vay ưu đãi để chủ rừng yên tâm gắn bó lâu dài với quá trình tham gia trồng, bảo vệ, mở rộng và phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn.

Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng

Tỉnh có độ che phủ rừng tới 65%, dưới tán rừng có nhiều loài cây dược liệu quý mọc tự nhiên như: khôi nhung, thảo quả, hương nhu, sả, nghệ, giảo cổ lam, cà gai leo... Đặc biệt, ở huyện Lâm Bình còn sưu tầm được một loại thảo dược quý là trà hoa vàng hay "Kim hoa trà”, trà trường thọ được mệnh danh là "Nữ hoàng của các loại trà”. Khai thác tiềm năng, lợi thế này, các địa phương đang tận dụng phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Thành lập từ năm 2021, HTX thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An (Lâm Bình) do anh La Văn Dũng làm giám đốc đã tập hợp 13 thành viên trồng gần 20 ha cây dược liệu bản địa như khôi nhung, mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, khúc khắc, mía dò, kim tuyến... Đây là những cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, dễ chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng các xã miền núi và đặc biệt có thể trồng dưới tán rừng, chi phí đầu tư không lớn mà đầu ra thuận lợi.

Nhiều nông dân ở xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) phát triển nghề trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều nông dân ở xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) phát triển nghề trồng rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Anh Dũng cho biết, người Dao lưu truyền những bài thuốc từ cây dược liệu sẵn có trong tự nhiên. Trên cơ sở nhận khoán bảo vệ rừng các thành viên trong HTX tận dụng tán rừng tự nhiên trồng các cây dược liệu. Cây dược liệu sau thu hoạch sẽ không bán thô mà được đưa vào các bài thuốc gia truyền của các thành viên và bán theo thang để trị bệnh, do vậy hiệu quả kinh tế cao. Gia đình anh Dũng có nghề bốc thuốc gia truyền, với việc trồng 7 ha dược liệu, nguồn nguyên liệu làm thuốc dồi dào, từ bán các thang thuốc gia truyền, mỗi tháng gia đình anh thu lãi 40 triệu đồng. Các thành viên trong HTX cũng có thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng mỗi tháng từ trồng cây dược liệu.

Anh Lý Văn Long, thôn Tát Ten, xã Bình An nhận giao khoán bảo vệ trên 50 ha rừng phòng hộ tại khu vực Bọ Chít, Bọ Choáng, xã Thượng Lâm. Nhận thấy thổ nhưỡng phù hợp với cây thảo quả anh trồng một phần diện tích thảo quả dưới tán rừng. Từ việc bảo vệ rừng và tận dụng phát triển kinh tế dưới tán rừng đã giúp gia đình anh có thu nhập từ 40-50 triệu đồng mỗi năm từ bán thảo quả.

Hiện huyện Lâm Bình có gần 100 ha dược liệu trồng dưới tán rừng với rất nhiều loại dược liệu được người dân lấy từ tự nhiên về trồng như khôi nhung, mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, khúc khắc, mía dò, thảo quả... Hiện nay trên địa bàn huyện đã có 1 công ty, 2 HTX và tại các xã Thượng Lâm, Xuân Lập, Phúc Yên đã hình thành các nhóm sở thích trồng và phát triển kinh tế từ cây dược liệu dưới tán rừng.

Tỉnh hiện có 200 ha cây dược liệu dưới tán rừng với các loài chủ yếu là khôi nhung, thảo quả, hương nhu, giảo cổ lam... Tuy nhiên, phát triển kinh tế dưới tán rừng của tỉnh vẫn còn manh mún, chưa thực sự phát huy được hiệu quả kinh tế so với tiềm năng, thế mạnh. Để phát huy kinh tế dưới tán rừng, tỉnh đã xây dựng Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 phát triển dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đạt trên 2.000 ha; giai đoạn 2025 - 2030 phát triển trên 3.500 ha cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ.

Hiện tỉnh đang triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng. Theo chương trình này, người có rừng sẽ có thêm nguồn thu nhập mà chưa cần khai thác rừng.

Giá trị kinh tế rừng đã, đang và sắp mang lại đang là xu hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/phat-trien-rung-da-gia-tri-182863.html