Phát triển sản phẩm dược liệu bằng cách ứng dụng công nghệ sinh học
Ứng dụng công nghệ sinh học sẽ giúp phát triển sản phẩm từ dược liệu, tăng giá trị cả về mặt kinh tế và chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm.
Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu quý hiếm, phong phú và nền y học cổ truyền lâu đời, có bản sắc riêng. Chính phủ luôn có chủ trương phát triển nền y học Việt Nam kết hợp giữa Đông và Tây y; coi y học cổ truyền là bộ phận quan trọng của nền y học nước nhà.
Để tạo thuận lợi nhằm phát triển trồng dược liệu, phát triển ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm từ dược liệu, Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu; Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam. Theo đó, quan điểm phát triển là cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân với chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Phát triển công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam để phát triển sản xuất vắc-xin, thuốc từ dược liệu.
Để các sản phẩm từ dược liệu được phát triển cả về chất lượng và số lượng thì việc ứng dụng công nghệ sinh học là cần thiết và bắt kịp với xu thế hiện nay thay vì sản xuất các sản phẩm từ dược liệu 1 cách thủ công, truyền thống như trước kia.
Đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tập trung vào một mảng trọng điểm ưu tiên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đó là các sản phẩm thiên nhiên gắn với đa dạng sinh học, dược liệu của Việt Nam. Đây được coi là một hướng đi rất bền vững khi tận dụng được đa dạng sinh học, phát triển cây dược liệu và đồng thời giúp tạo ra những cây có lợi thế và bảo tồn được thiên nhiên.
Tuy nhiên, hiện có rất nhiều doanh nghiệp đã triển khai chế biến sản phẩm dược liệu nhưng hàm lượng công nghệ “vừa phải”, nên sản phẩm còn ở mức thô, chưa tận dụng hết những hợp chất quý trong dược liệu.