Phát triển sản phẩm OCOP bền vững

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương trong tỉnh đã chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm mang tính vùng miền, đặc trưng của địa bàn. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 56 sản phẩm OCOP, trong đó 4 sản phẩm đạt 4 sao và 52 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từng bước khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường, người dân tin tưởng lựa chọn, sử dụng. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững, xây dựng vùng nguyên liệu, quảng bá và mở rộng thị trường tiêu thụ chưa được các chủ thể chú trọng thực hiện.

Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn nông thôn cả nước với chủ thể thực hiện là các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Thống kê của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước cho thấy, đến nay toàn quốc có 8.565 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, 65,4% sản phẩm 3 sao; 33,4% sản phẩm 4 sao; 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Đã có gần 4.400 chủ thể OCOP; trong đó, 38,3% là hợp tác xã, 25,8% là doanh nghiệp, 33% là cơ sở sản xuất, kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Cũng như các địa phương khác trong cả nước, Điện Biên đã có 56 sản phẩm OCOP, được giới thiệu, quảng bá tại các hội chợ thương mại, triển lãm. Cùng với việc xây dựng sản phẩm đặc sản địa phương đạt chuẩn OCOP cần chú trọng giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đây lại đang là hạn chế của các chủ thể OCOP ở Điện Biên khi sản phẩm OCOP chưa phát triển bền vững, thiếu sự quảng bá, giới thiệu cũng như xây dựng vùng nguyên liệu… Còn nhớ, năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối mở 1 gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP tại siêu thị Hoa Ba. Các sản phẩm như: mật ong, bí xanh Tìa Dình, gạo Điện Biên… đã được trưng bày, giới thiệu và bày bán tới khách hàng. Tuy nhiên, gian hàng này chỉ tồn tại một thời gian ngắn đã “chết yểu” khi rất ít khách hàng tới xem và mua hàng. Đó là về quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP song ngay với sản phẩm tiêu thụ được thì vùng nguyên liệu không bền vững, chỉ có trong thời điểm nhất định nên không thể cung ứng lâu dài như bí xanh Tìa Dình.

Là địa bàn có cánh đồng Mường Thanh rộng lớn nổi tiếng với gạo Điện Biên thơm ngon, có khu vực miền núi, vùng cao gắn với nhiều sản vật đặc trưng địa phương để xây dựng thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, thực tế nhiều sản phẩm OCOP của Điện Biên mang tính thời vụ, chưa qua chế biến nên thời gian bảo quản, tiêu thụ ngắn, khó mở rộng được thị trường tiêu thụ. Đa số các chủ thể OCOP chưa chủ động xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất; mẫu mã, nhãn mác bao bì sản phẩm chưa hoàn thiện, thiếu sự bắt mắt, ấn tượng; chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm; thiếu chủ động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng…

Đề án mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã được tỉnh phê duyệt với mục tiêu tổng quát đưa đề án mỗi xã một sản phẩm trở thành chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh; góp phần phát huy tiềm năng thế mạnh truyền thống của các địa phương, sức sáng tạo của người dân để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng tốt, đạt các tiêu chuẩn quy định… Với mục tiêu đó, chương trình OCOP được các địa phương trên địa bàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện và xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới. Cùng với xây dựng các sản phẩm mới thì việc phát triển bền vững các sản phẩm đã được công nhận OCOP cần được chú trọng và phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và các chủ thể OCOP.

Để sản phẩm OCOP phát triển theo chiều sâu và bền vững thì cán bộ lãnh đạo, quản lý, người dân và nhất là các chủ thể OCOP cần hiểu đúng mục đích, ý nghĩa, cũng như lợi ích khi tham gia chương trình, từ đó mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương. Điều này cần quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tỉnh mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ để quản lý, xây dựng triển khai chương trình OCOP tại địa phương thật sự hiệu quả, thiết thực. Điều quan trọng là sản phẩm sau khi được công nhận phải đảm bảo vùng nguyên liệu, có liên kết bền vững, tránh tình trạng có sản phẩm OCOP nhưng chỉ để trưng bày, giới thiệu chứ không phát triển được thành hàng hóa.

Gia Huy

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/su-kien-va-binh-luan/203787/phat-trien-san-pham-ocop-ben-vung