Phát triển sản xuất nông nghiệp ở Bình An
Xã Bình An (Bình Lục) được sáp nhập từ 3 xã, gồm: An Nội, Bối Cầu và Hưng Công. Sau sáp nhập, toàn xã có 1.726 ha diện tích đất nông nghiệp, gồm đa dạng các loại đất sản xuất: đất lúa, đất màu và diện tích nuôi thủy sản. Đó là điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp của xã phát triển bền vững theo hướng hàng hóa, tập trung.
Đối với xã Bình An hiện nay, cây lúa vẫn đóng vai trò chủ lực, với diện tích gieo cấy hơn 1.350 ha. Để phát huy tốt diện tích đất lúa, ngay sau khi sáp nhập, xã đã tổ chức quy hoạch vùng sản xuất dựa trên thế mạnh sẵn có của từng vùng, từng cánh đồng. Trong đó, đẩy mạnh mở rộng liên kết sản xuất lúa hàng hóa với doanh nghiệp từ hạt nhân HTX Hưng Đông đã thực hiện trong nhiều năm qua. Những diện tích còn lại xã tập trung xây dựng các cánh đồng sản xuất cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc; đồng thời mở rộng diện tích gieo cấy lúa chất lượng lên 60 – 70% cung cấp cho nhu cầu thị trường qua chuỗi các cơ sở chế biến thóc gạo hiện có trên địa bàn. Xã khuyến khích các cá nhân có nhu cầu tập trung ruộng đất bằng hình thức thuê, mượn lại ruộng của người dân không còn nhu cầu sản xuất. Trên địa bàn hiện có một số mô hình tập trung ruộng đất với diện tích từ 5 đến hơn 20 ha, đều phát huy tốt hiệu quả. Quá trình thâm canh xã hướng đến đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, như: làm đất, gieo cấy, thu hoạch, phun thuốc bảo vệ thực vật.
Theo ông Trần Mạnh Dân, Giám đốc HTXDVNN Hưng Đông, HTX hiện nay vẫn duy trì sản xuất các giống lúa chất lượng dòng Japonica (Nhật Bản) cho doanh nghiệp. Do diện tích sản xuất của HTX hạn chế nên hàng vụ chỉ ký hợp đồng liên kết khoảng 70 ha. Với xã mới hiện nay, khi địa phương quy hoạch thành vùng sản xuất mới tạo điều kiện mở rộng diện tích liên kết ở các HTX khác. Liên kết sản xuất cho hiệu quả kinh tế tăng khoảng 20% so với sản xuất lúa đại trà hiện nay.

Sản xuất lúa tại xã Bình An.
Cùng với cây lúa, hơn 130 ha đất mặt nước nuôi thủy sản của cả 3 vùng trong xã được định hướng sản xuất theo hướng tạo ra sản phẩm tập trung. Thuận lợi của xã, từ nòng cốt là Tổ hợp tác nuôi thủy sản hiện có mở rộng liên kết sản xuất giữa các hộ. Đối tượng chủ lực trong phát triển là cá trắm đen, hình thành nhiều phân khúc cung cấp ra thị trường, như: làm quà biếu, cung cấp cho các hồ câu, bán cho làng nghề cá kho tại xã Hòa Hậu (Lý Nhân)… Cùng với thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm được quan tâm duy trì và phát triển. Đàn gia cầm phấn đấu đạt trên 375 nghìn con; đàn trâu, bò, dê hơn 1.600 con… Riêng chăn nuôi lợn, xã phấn đấu tổng đàn xuất chuồng trong năm 2025 đạt trên 35.000 con. Đây là hướng đi chính để khai thác hiệu quả lợi thế có Chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam đóng trên địa bàn.
Trao đổi về hướng phát triển sản xuất trên địa bàn xã, ông Trần Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết: Sáp nhập thành xã lớn, diện tích đất nông nghiệp tăng đáng kể tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất. Để khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, địa phương chỉ đạo đẩy mạnh các mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa giá trị cao. Đồng thời, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Năm 2025 xã phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 286,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp tại xã Bình An vẫn gặp phải một số hạn chế nhất định. Tuy diện tích đã được mở rộng, nhưng không nằm tập trung, khó hình thành những cánh đồng quy mô lớn. Toàn xã có đến 7 HTXDVNN nhưng chất lượng điều hành không đồng đều dẫn đến quá trình triển khai, tổ chức sản xuất còn hạn chế. Việc sản xuất của từng hộ dân còn manh mún, tại nhiều cánh đồng khó tổ chức gieo cấy cùng giống, cùng trà, cùng quy trình chăm sóc. Đây là hạn chế trong việc cơ giới hóa các khâu sản xuất, nhất là những khâu mới, như: gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật… Đối với diện tích nuôi thủy sản nằm rải rác tại các vùng, khó khăn về nguồn nước ở một số thời điểm trong năm, nhất là mùa khô do hiện nay đều hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống thủy lợi phục vụ cây lúa…
Được biết, để khắc phục hạn chế, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, xã Bình An đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, chú trọng đưa những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTXDVNN đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, nhất là những dịch vụ thỏa thuận (cung ứng giống, vật tư, tiêu thụ sản phẩm…). HTXDVNN đóng vai trò chính tổ chức đưa máy móc cơ giới, khoa học – kỹ thuật mới vào đồng ruộng. Về lâu dài, xã tiếp tục quy hoạch vùng sản xuất, từng bước xóa bỏ tình trạng manh mún; đầu tư đồng bộ hơn hệ thống thủy lợi phục vụ cả trồng trọt và nuôi thủy sản…
Sản xuất nông nghiệp vẫn được xác định là một trong những hướng đi chính trong phát triển kinh tế tại Bình An. Với những lợi thế sau sáp nhập, hứa hẹn kinh tế nông nghiệp tại địa phương có bước phát triển mới giúp nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân.