Phát triển tài chính số tiếp sức vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Ngày 25/10, Ban Nhân dân cuối tuần, Báo Nhân dân phối hợp cùng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) tổ chức Tọa đàm 'Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia: Con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh tại Việt Nam'.

Tài chính toàn diện đã phát huy hiệu quả

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, việc hình thành tài chính toàn diện để bảo đảm sự công bằng cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý, thuận tiện, có trách nhiệm và bền vững là xu thế trong thập niên thứ hai và thứ ba của thế kỷ 21. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng của thế giới khi Chính phủ đã sớm hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc Tọa đàm

Đồng chí Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc Tọa đàm

Việt Nam cũng là một trong 25 quốc gia ưu tiên tập trung phát triển tài chính toàn diện trong Sáng kiến phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020. Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến 2030 (Chiến lược).

Chiến lược xây dựng mục tiêu tổng quát là tối đa hóa các đối tượng được tiếp cận và sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, có chi phí hợp lý, có trách nhiệm và bền vững, được cung ứng bởi các tổ chức hợp pháp.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Tọa đàm

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, việc thúc đẩy tài chính toàn diện là nội dung NHNN rất quan tâm. Ngành Ngân hàng luôn trăn trở việc làm thế nào để hỗ trợ người dân vùng sâu vùng xa, người yếu thế có sự hiểu biết về tài chính và có thể tiếp cận tài chính một cách bình đẳng. Tài chính toàn diện cũng là một trong những giải pháp quan trọng để tiến tới mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Toàn cảnh Tọa đàm

Toàn cảnh Tọa đàm

Trong một góc nhìn rộng hơn, tài chính toàn diện là hỗ trợ cho người dân không chỉ tiếp cận vốn để phục vụ đời sống mà còn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đồng thời hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận vốn, nhất là nguồn vốn ưu đãi, chính sách của Nhà nước. Trong thời gian qua, để thực hiện mục tiêu này, ngành Ngân hàng tăng cường các chương trình giáo dục tài chính toàn diện một cách tích cực, đầu tư kinh phí một cách thỏa đáng; tổ chức lại hệ thống ngân hàng, tài chính vi mô để giúp người dân tiếp cận vốn một cách dễ dàng, thuận lợi hơn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

ThS. Đoàn Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng IDS, thư ký đề tài khoa học, thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện trình bày tóm tắt kết quả công trình khoa học về tài chính toàn diện. Theo đó, qua phân tích ba khía cạnh cơ bản, có thể nhận thấy xu hướng tích cực về tài chính toàn diện trên phạm vi toàn quốc. Việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã mang lại hiệu quả trong việc giúp người dân tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, với chi phí hợp lý hơn.

ThS. Đoàn Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng IDS, thư ký đề tài khoa học, thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện trình bày tóm tắt kết quả công trình khoa học về tài chính toàn diện

ThS. Đoàn Ngọc Khanh, Chánh Văn phòng IDS, thư ký đề tài khoa học, thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện trình bày tóm tắt kết quả công trình khoa học về tài chính toàn diện

Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng ở nhóm thu nhập thấp nhất thì rõ ràng mức độ cải thiện cũng như khoảng cách của nhóm này với các nhóm thu nhập cao hơn là rất lớn. Cụ thể, về sở hữu tài khoản, trong năm 2022, tỷ trọng người trưởng thành có tài khoản ngân hàng chỉ đạt 25,1% ở nhóm có mức thu nhập thấp nhất, cách xa đáng kể so với tỷ lệ của nhóm thu nhập cao nhất là 67,9%. Nhóm có thu nhập thấp nhất cũng có mức độ cải thiện thấp nhất về sở hữu tài khoản (chỉ tăng 6% sau 5 năm) trong khi các nhóm thu nhập cao hơn có sự cải thiện vượt trội.

Về hoạt động gửi tiết kiệm, nhóm thu nhập thấp nhất rất ít gửi tiết kiệm tại các tổ chức tài chính và mobile money; mức độ cải thiện của tình trạng này hầu như không đáng kể theo thời gian (tỷ trọng tương ứng chỉ là 5,8% vào năm 2022, tăng rất nhẹ từ mức 5,6% năm 2017).

Về hoạt động thanh toán, khi thanh toán các hóa đơn, tỷ trọng người thu nhập thấp thanh toán từ tài khoản chỉ là 2,9%, trong khi thanh toán tiền mặt là 51,2%. Như vậy, nhóm thu nhập thấp nhất vẫn chủ yếu sự dụng tiền mặt để thanh toán cho các giao dịch hàng ngày và họ cũng ít thực hiện các giao dịch thanh toán qua kênh kỹ thuật số hơn so với các nhóm thu nhập cao hơn.

Tương tự như vậy đối với nhóm doanh nghiệp, tình hình sở hữu tài khoản kém hơn qua thời gian ở cả ba nhóm quy mô (nhỏ-vừa-lớn); khoảng cách về tiếp cận dịch vụ tài chính doãng rộng ra theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp nhỏ. Đối với nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh (khoảng 5-6 triệu), khả năng tiếp cận tín dụng chính thức cũng rất hạn chế.

Cần phát triển mạnh mẽ công cụ tài chính số

TS. Trần Văn - Viện trưởng IDS phân tích, thông lệ tốt của thế giới cho thấy việc áp dụng công nghệ giúp các dịch vụ tài chính - ngân hàng có thể được cung cấp ở bất cứ nơi nào, kể cả không có sự hiện diện của ngân hàng. Nhờ đó, những rào cản đối với tài chính toàn diện như thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý gần như được xóa bỏ, giúp cho cả những người nghèo, người thu nhập thấp - những đối tượng trước đây chưa từng tiếp cận với dịch vụ tài chính có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính thuận lợi hơn.

Các quốc gia đang phát triển muốn bao phủ nhanh và hiệu quả dịch vụ tài chính chính thức cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để hiện đại hóa các kênh cung ứng dịch vụ tài chính hiện đại.

Việt Nam không chỉ đi sau mà còn có quy mô thị trường lớn với gần 100 triệu dân, nếu không có giải pháp đột phá, không sử dụng công nghệ sẽ khó tăng tốc. Mặc dù thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành quả trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số dịch vụ tài chính, song thực trạng bức tranh tiếp cận dịch vụ cho thấy vẫn còn dư địa lớn để cải thiện.

TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trao đổi tại Tọa đàm

TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trao đổi tại Tọa đàm

Tham gia Tọa đàm, đại diện của một số hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiên phong triển khai fintech đưa đến những kinh nghiệm đúc kết trong quá trình triển khai dịch vụ công nghệ tài chính đáp ứng yêu cầu của một thị trường có quy mô 100 triệu dân. Theo đó, tài chính số trở thành giải pháp hiệu quả để phục vụ người dân từ rừng núi đến biển xa, từ quê nghèo lên phố lớn, giải quyết hiệu quả bài toán tài chính toàn diện quốc gia nhờ xóa nhòa những rào cản về thu nhập, chi phí và khoảng cách địa lý. Qua đó, các doanh nghiệp cũng đề xuất những kiến nghị về cơ chế chính sách tạo đòn bẩy cho việc gia tăng bao phủ dịch vụ tài chính chính thức cũng như chuyển đổi số dịch vụ tài chính thông qua việc kiến tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho tất cả các tổ chức tham gia như mục tiêu mà Chiến lược đã đặt ra ngay từ ban đầu.

Nghiên cứu của IDS chỉ ra rào cản lớn nhất hiện nay nằm ở khung pháp lý đối với các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào dịch vụ tài chính (fintech). Nhóm này sở hữu nhiều tiềm năng phát triển nhờ các lợi thế về công nghệ, dữ liệu, chi phí vận hành, cơ hội kinh doanh… là động lực cho thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

TS.Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận: “Các vấn đề rủi ro có thể được hóa giải nhờ sự hợp tác giữa tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống và các đối tác fintech theo hướng không cạnh tranh, hợp tác lấp đầy khoảng trống thị trường,... Vướng mắc lớn nhất hiện nay là khung pháp lý, song điều này “nằm trong tầm tay” của cơ quan quản lý. Thay vì phải bỏ ra các nguồn lực hữu hình, Nhà nước có thể cùng hợp tác phát triển bằng nguồn lực vô hình là xây dựng khung pháp lý phù hợp cho sự phát triển của hoạt động ứng dụng công nghệ nói chung và fintech nói riêng”.

TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN cho rằng, nhìn lại sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, khả năng tiếp cận tài chính của các đối tượng mục tiêu đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đang ở phía trước

TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN cho rằng, nhìn lại sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, khả năng tiếp cận tài chính của các đối tượng mục tiêu đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đang ở phía trước

Đồng quan điểm, TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN cho rằng, nhìn lại sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện, khả năng tiếp cận tài chính của các đối tượng mục tiêu đã được cải thiện đáng kể, song vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức đang ở phía trước. Do vậy, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược; Đồng thời, cần nghiên cứu, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với giai đoạn Chiến lược mới cũng như phù hợp với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng để thúc đẩy phát triển, mở rộng, đa dạng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại, tuân thủ chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế; Tăng cường công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính, nhất là bảo vệ người tiêu dùng tài chính trước các rủi ro do sử dụng tài chính số.

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-tai-chinh-so-tiep-suc-von-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-157113.html