Để người dân được dùng thuốc chất lượng, giá hợp lý

Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu bày tỏ quan điểm về việc cần có biện pháp quản lý giá thuốc, để người dân được dùng thuốc chất lượng với giá hợp lý.

Clip Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh trao đổi về vấn đề quản lý giá thuốc:

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh: Nên quản lý các tầng trung gian phân phối thuốc

Việt Nam hiện có 22.000 thuốc lưu hành, với nguồn gốc, xuất xứ từ nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta mới chỉ dừng ở việc cấp số đăng ký trên giấy tờ, mà chưa làm được việckiểm tra chất lượng thực sự, nhà máy sản xuất thuốc... thế nhưng lại muốn quản lý giá thuốc. Với số lượng nhiều loại thuốc như hiện nay, khó có thể quản lý giá. Chưa kể, có quá nhiều tầng lớp trung gian phân phối bán buôn, mỗi nơi lại nâng giá lên một ít.

Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi chưa có điều khoản quy định tối đa có bao nhiêu tầng lớp trung gian phân phối thuốc và chưa kiểm soát phần trăm giá thuốc tăng lên qua mỗi trung gian. Vì vậy, việc quản lý cần tập trung vào khâu này. Muốn vậy, số lượng thuốc chỉ nên giới hạn ở mức vừa phải, có thể áp dụng các biện pháp quản lý trên thị trường, trừ những loại thuốc biệt dược gốc với số lượng ít, độc quyền khó quản lý giá.

Clip Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH TP Hà Nội chia sẻ bên hành lang kỳ họp Quốc hội:

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà, đoàn ĐBQH TP Hà Nội: Không thể quản lý giá thuốc theo Luật Giá thông thường

Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược đã nêu ra các biện pháp quản lý giá thuốc như: Công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá… Đây là những biện pháp quan trọng để quản lý giá thuốc, nhưng cần phải thể hiện trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước trong vấn đề quản lý giá thuốc.

Việc thực hiện công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến do doanh nghiệp nhập khẩu, doanh duyệt sản xuất thuốc xác định và Bộ Y tế chỉ thực hiện kiến nghị về mức giá khi thuốc đã lưu hành trên thị trường. Trong quá trình thực hiện công bố, công bố lại, Bộ Y tế cần có những biện pháp chủ động quản lý giá thuốc, kể cả khi thuốc chưa được lưu hành trên thị trường.

Ban soạn thảo cần có những quy định việc công bố giá, kê khai giá phù hợp hơn với thực tiễn và có tính khả thi khi triển khai. Đây là những nội dung đại biểu Quốc hội kỳ vọng ở Luật Dược sửa đổi lần này.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/de-nguoi-dan-duoc-dung-thuoc-chat-luong-gia-hop-ly-20241025172734313.htm