Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Hà Nội

Cùng với Ngân hàng Nhà nước, UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ liên quan đến đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

QR Code xuất hiện khắp nơi tại Hà Nội

QR Code xuất hiện khắp nơi tại Hà Nội

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Quyết định số 2006/QĐ-NHNN ngày 17/12/2021 về Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, NHNN - Chi nhánh TP. Hà Nội cùng các sở, ngành đã tham mưu lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các đề án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn.

Thực hiện triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ công, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa… Cùng nỗ lực với NHNN - Chi nhánh TP. Hà Nội, các ngân hàng thương mại, các trung gian thanh toán triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố.

Thu chi ngân sách nhà nước

Về thu ngân sách nhà nước, thời gian qua, Kho bạc Nhà nước TP. Hà Nội đã mở rộng việc mở tài khoản chuyên thu và ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước cho các ngân hàng thương mại đảm nhận. Theo đó, Kho bạc Nhà nước Hà Nội và Kho bạc Nhà nước cấp huyện đã mở rộng việc mở tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, MB, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.

Các đơn vị đã tham gia các chương trình, đề án của hệ thống Kho bạc Nhà nước về triển khai thí điểm thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung và quy trình liên thông giữa các ứng dụng dịch vụ công, Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) và thanh toán điện tử với ngân hàng.

Đến nay, Kho bạc Nhà nước Hà Nội và các đơn vị trực thuộc đã mở tài khoản chuyên thu và thanh toán song phương điện tử. Nhờ đó, Hà Nội đã đảm bảo thanh toán kịp thời cho các đơn vị thụ hưởng và tập trung nhanh các khoản thu vào ngân sách nhà nước, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, đa dạng hóa các hình thức thu nộp và giảm thiểu số thu bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước Hà Nội cũng tích cực phối hợp với cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng thương mại và các cơ quan liên quan tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp địa điểm thu thuế, phí, lệ phí, nộp phạt vi phạm hành chính qua các kênh giao dịch hiện đại như Cổng dịch vụ công quốc gia, các ứng dụng điện tử của ngân hàng thương mại như Internet Banking, Mobile Banking, ATM, POS...

Giới trẻ yêu thích các sản phẩm tài chính số nhiều sắc màu,cảm xúc

Giới trẻ yêu thích các sản phẩm tài chính số nhiều sắc màu,cảm xúc

Về chi ngân sách nhà nước, Sở Tài chính Hà Nội đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước Hà Nội kiểm soát chi chặt chẽ, đúng chế độ quy định; đẩy mạnh việc thanh toán cá nhân qua tài khoản (gồm tiền lương, tiền công, chi bổ sung thu nhập, khoán công tác phí và các khoản chi thanh toán cho cá nhân khác); ứng dụng thanh toán bằng phương thức chuyển khoản điện tử trong chi trả ngân sách nhà nước; triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong các nghiệp vụ quản lý chi của Kho bạc Nhà nước Hà Nội.

Nhờ đó, lượng tiền mặt giao dịch tại Kho bạc Nhà nước trên địa bàn đã giảm đáng kể qua từng năm, đặc biệt là khoản chi ngân sách bằng tiền mặt ngày càng chiếm một tỷ trọng nhỏ hơn trong tổng chi ngân sách nhà nước, tiến tới mục tiêu không còn chi bằng tiền mặt tại Kho bạc và hạn chế tới mức thấp nhất việc thu tiền mặt.

Miễn lệ phí nhiều dịch vụ công trực tuyến

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử để giúp doanh nghiệp và người dân thực hiện thanh toán trực tuyến các dịch vụ công tại Cổng dịch vụ công quốc gia. Người dân chỉ cần có tài khoản mở tại ngân hàng, trung gian thanh toán là có thể thanh toán dịch vụ công trực tuyến qua các phương thức như thẻ ghi nợ nội địa, tài khoản điện tử hay QR code.

Tại Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội, 100% thủ tục hành chính đều thực hiện qua phần mềm một cửa điện tử Thành phố dùng chung 3 cấp kết nối dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 thống nhất toàn thành phố.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện thu lệ phí, lệ phí, thu dịch vụ sự nghiệp công bằng hình thức chuyển khoản tại bộ phận một cửa khi cá nhân, tổ chức tham gia thực hiện thủ tục hành chính; thanh toán chuyển khoản bằng chữ ký số trên hệ thống dịch vụ công tại Kho bạc Nhà nước.

Công an TP. Hà Nội thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán thu nộp phí, lệ phí đối với lệ phí xuất nhập cảnh, lệ phí đăng ký xe...

Dịch vụ thanh toán trực tuyến các dịch vụ công giúp người dân dễ dàng, nhanh chóng thực hiện thanh toán trực tuyến các dịch vụ công mà không cần phải đến các cơ quan, đơn vị hành chính. Ngoài ra, người dân còn được miễn lệ phí giao dịch khi thực hiện thanh toán đối với nhiều dịch vụ công trực tuyến từ nay đến năm 2025.

Thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí, chi trả an sinh xã hội

Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn Thành phố quyết tâm từng bước thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, thanh bình và thịnh vượng trong tương lai.

Thời gian qua, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVN Hà Nội) đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, hợp tác với các ngân hàng thương mại và tổ chức trung gian thanh toán, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc thanh toán tiền điện mọi lúc, mọi nơi. Để đăng ký hình thức thanh toán này, khách hàng chỉ cần có tài khoản mở tại một trong các ngân hàng hợp tác với EVN Hà Nội như Vietcombank, BIDV, Agribank, VIB, LPBank, Techcombank… Khách hàng còn có thể thanh toán tiền điện qua Cổng dịch vụ công quốc gia, website EVN Hà Nội, App EVN Hà Nội, mã QR code. Bên cạnh đó, EVN Hà Nội còn phối hợp với các ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán xây dựng nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn như miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, hoàn tiền, quay số, tích điểm thưởng…

Đến nay, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt tại Hà Nội đã đạt 100%. Thanh toán tiền điện tự động là một trong các giải pháp thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt được nhiều khách hàng sử dụng.

Tương tự, các công ty nước sạch trên địa bàn Thành phố cũng đã triển khai các dịch vụ thu tiền nước qua ngân hàng thông qua các hình thức: trích nợ tự động qua ngân hàng, thanh toán qua Internet Banking/Mobile Banking, thanh toán qua ATM, thanh toán qua website. Bên cạnh đó, khách hàng cũng có thể thanh toán tiền nước thông qua các ví điện tử như Momo, Payoo, ShopeePay... Tỷ lệ thanh toán hóa đơn tiền nước không dùng tiền mặt đạt 96,67%.

Tại Hà Nội, hầu hết các đơn vị ở địa bàn các quận đã triển khai thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt đối với thu học phí và các khoản thu, chi bằng phương thức không dùng tiền mặt. Thanh toán không dùng tiền mặt đối với học phí được các trường chủ động kết hợp với các ngân hàng thương mại và các trung gian thanh toán thực hiện ngày càng phổ biến, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh, an toàn, tin cậy, tiết kiệm thời gian thu, kiểm đếm tiền đối với nhà trường.

Đối với lĩnh vực y tế, ngành y tế đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật tạo bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số hóa y tế, đặc biệt là số hóa bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh; đây cũng là nền tảng quan trọng để các bệnh viện triển khai thanh toán viện phí, thuốc... không dùng tiền mặt, đem lại sự thuận tiện cho cả người bệnh và bệnh viện. Đa số các cơ sở trên địa bàn đều có tài khoản ngân hàng, các cơ sở y tế trên địa bàn đô thị đã triển khai việc thanh toán viện phí qua máy POS.

Trong năm 2023, TP. Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp không dùng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng, vận động, khuyến khích người dân hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Bảo hiểm Xã hội Hà Nội phối hợp với ngành ngân hàng, các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân. Tăng cường công tác tuyên truyền, phát tờ rơi hướng dẫn đăng ký nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VSSID. Tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thương mại, cơ quan bưu điện thực hiện mở tài khoản cá nhân, phát hành thẻ và trả thẻ ATM cho người hưởng bảo hiểm xã hội ngay tại thời điểm chi trả lương hưu, hỗ trợ thủ tục mở thẻ tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả cơ quan Bảo hiểm Xã hội.

NHNN - Chi nhánh TP. Hà Nội và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã chủ động phối hợp thực hiện triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. NHNN - Chi nhánh TP. Hà Nội đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn nghiên cứu áp dụng chính sách ưu đãi về phí dịch vụ thanh toán, phí dịch vụ trung gian thanh toán đối với các khách hàng thuộc nhóm đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội khi mở, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản Mobile Money để nhận trợ cấp an sinh xã hội. Rà soát, hướng dẫn quy trình, thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng hưởng chính sách xã hội thực hiện mở tài khoản thanh toán, ví điện tử, tài khoản Mobile Money để nhận trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có liên quan, các sở, ngành của Thành phố trong công tác chuyển đổi hình thức chi trả trợ cấp từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt và hỗ trợ, hướng dẫn triển khai an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Tỷ lệ số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân trên địa bàn Hà Nội như sau: tỷ lệ chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua thẻ ATM đạt 41,17%; trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần đạt 95,33%; bảo hiểm thất nghiệp đạt 99,1%.

Triển khai thí điểm “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”

Tháng 10/2023, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm, NHNN - Chi nhánh TP. Hà Nội và Sở Công thương Hà Nội tổ chức lễ phát động chương trình thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Đây là một trong những hoạt động nhằm hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia, hướng tới triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trên diện rộng, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Thủ đô.

Các ngân hàng, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố đã tích cực tham gia, giới thiệu, triển khai sản phẩm, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Sau đó, quận Hoàn Kiếm sẽ chọn những tuyến phố đặc thù như phố đi bộ, phố sách, phố ẩm thực, một số trung tâm thương mại, chợ truyền thống… để gắn biển công nhận “Tuyến phố không dùng tiền mặt”, từ đó nhân rộng trên toàn địa bàn. Đây là một bước đi mới, tạo đột phá trong việc thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố.

Trong năm 2024, TP. Hà Nội tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch về phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn Thành phố. Nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử, NHNN - Chi nhánh TP. Hà Nội phối hợp với Sở Công thương Hà Nội thực hiện các chương trình khuyến mại tập trung như ngày vàng khuyến mại, sự kiện online xuống phố, ngày hội tiêu dùng 4.0, Hà Nội đêm không ngủ... Các ngân hàng và ví điện tử đưa ra các mã giảm giá ở nhiều dịch vụ như mua sắm hàng hóa trên sàn điện tử, ăn uống, taxi, thanh toán hóa đơn, mang đến rất nhiều tiện ích cho người tiêu dùng.

UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp với các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán thực hiện mở tài khoản ngân hàng và cấp mã QR cho các hộ kinh doanh trong chợ, tuyến phố thương mại. Vận động, khuyến khích các hộ kinh doanh tại chợ, tuyến phố thương mại trên địa bàn tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến, tham gia bán hàng qua các sàn thương mại điện tử lớn (Shopee, Tiki, Sendo, Ladaza) nhằm giúp tiểu thương kết nối với bạn hàng, duy trì, mở rộng kinh doanh hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn một số chợ tại các quận như Long Biên, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy... đạt tỷ lệ 96 - 100% các hộ kinh doanh trong chợ sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, 100% trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn Hà Nội đã sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hầu hết các cửa hàng, quán ăn, thậm chí những sạp hàng nhỏ trên địa bàn các quận đều in mã QR, số tài khoản ngân hàng hoặc trang bị máy POS để thuận tiện cho khách hàng trong thanh toán.

Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn Thành phố quyết tâm từng bước thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, thanh bình và thịnh vượng trong tương lai.

Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP. Hà Nội / Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phat-trien-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-tren-dia-ban-ha-noi-post346999.html