Phát triển thẻ cần lưu ý đến sự tiện lợi cho người dân

Thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa còn nhiều dư địa phát triển, khi thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống. Việc phát triển thẻ cần lưu ý đến sự tiện lợi cho người dân.

Người dân phải thấy tiện và lợi

Đây là lưu ý của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) Phạm Tiến Dũng khi phát biểu tại hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai”, ngày 26/9 tại Hà Nội. Hội thảo nằm trong khuôn khổ ngày Thẻ Việt Nam 2023, do Báo Tiền Phong, CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức.

Phó Thống đốc nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thanh toán thẻ đã len lỏi vào mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, đời sống hằng ngày. Đặc biệt, TTKDTM ngày càng phát triển khi các ngân hàng nắm bắt xu hướng, mở rộng dịch vụ. Người dân đã thích ứng với các phương thức thanh toán mới.

Các đại biểu tại hội thảo Ảnh: Trọng Tài

Các đại biểu tại hội thảo Ảnh: Trọng Tài

“Hiện cả nước có hơn 100 triệu thẻ đã được phát hành tới người dùng, nhiều hình thức thẻ mới ra đời, tiêu chuẩn bảo mật ngày càng nâng cao. Đặc biệt, việc số hóa thẻ ngân hàng cũng được tích cực triển khai, để khách hàng không cần cầm thẻ vật lý, tránh rủi ro mất mát, bị lợi dụng. Từ tháng 3/2021, NHNN cũng cho phép các ngân hàng sử dụng giải pháp eKYC (định danh điện tử) trong thanh toán, cung cấp dịch vụ. Để thúc đẩy thị trường thẻ phát triển, bên cạnh vấn đề bảo mật, an toàn thì có 2 chữ “tiện và lợi” phải đặc biệt quan tâm, vì dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng, có lợi ích về kinh tế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Việt Nam được đánh giá có nhiều điều kiện để phát triển thanh toán không tiền mặt. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, tính đến cuối năm 2022, có trên 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Hiện nay, thị trường đang hình thành hệ sinh thái số, kết nối liên thông giữa ngân hàng, tổ chức liên kết dịch vụ công, tạo nên trải nghiệm liền mạch cho người tiêu dùng. Người tiêu dùng chỉ cần 1 ứng dụng thanh toán đa dạng từ vé xem phim, ăn uống… Thị trường thẻ Việt Nam, nhất là thẻ tín dụng nội địa vẫn được các chuyên gia đánh giá còn nhiều dư địa để phát triển.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc NAPAS nhận định, thói quen của người dân cũng dần thay đổi đối với sự phát triển của các phương thức thanh toán. Xu hướng này thể hiện rõ qua tỷ lệ qua giao dịch rút tiền mặt liên tục giảm trong những năm qua. Tháng 8/2023, giao dịch rút tiền mặt tiếp tục giảm 15% về số lượng và 19% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số đáng lưu ý, cho thấy thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã thay đổi. Ông Minh dự đoán, từ nay đến cuối năm, giao dịch trên ATM sẽ còn giảm nhanh hơn nữa.

Trong đó, nhóm khách hàng trẻ cập nhật, đón nhận các xu hướng thanh toán mới nhanh chóng. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, khách hàng trẻ là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, nhóm khách trẻ chiếm hơn 50% tập khách hàng trung cấp của Vietcombank.

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Ngày Thẻ Việt Nam 2023 chia sẻ: “Qua 2 mùa Ngày thẻ Việt Nam đã khẳng định được vị thế, uy tín, chất lượng, chuyên môn của đơn vị tổ chức sự kiện. Năm nay, để đổi mới, tăng tính sinh động, ban tổ chức trình bày tham luận rút gọn. Thời gian tại hội thảo dành nhiều hơn cho chuyên gia trao đổi trực tiếp, phân tích, mổ xẻ những vấn đề trong tham luận và nảy sinh khi thảo luận. Từ kỷ yếu tham luận, những bài nghiên cứu có nhiều thông tin, số liệu, diễn giải, giải pháp có giá trị, tôi xin chuyển đến NHNN để có thêm tài liệu nghiên cứu thông tin cho những giải pháp về thanh toán không tiền mặt”.

“Giới trẻ luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, có hứng thú với công nghệ số, mong muốn khẳng định phong cách cá nhân và sự độc lập của mình. Do đó, Vietcombank chú trọng vào việc phát triển sản phẩm dịch vụ đa dạng để đáp ứng những nhu cầu riêng của nhóm này trên tất cả các kênh, đặc biệt kênh số; phát triển thẻ phi vật lý, sử dụng thanh toán tích hợp vào điện thoại di động, phát hành thẻ trong vài giây. Đồng thời, các sản phẩm này còn hỗ trợ người trẻ trong việc quản lý tài chính cá nhân, lập kế hoạch tương lai, tạo bước khởi đầu vững chắc trong cuộc sống, sự nghiệp”, bà Oanh nói.

Kích hoạt cú hích khai mở dư địa lớn

Bà Phan Thị Thanh Hà, quyền Giám đốc Trung tâm thẻ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chia sẻ, chủ đề Ngày Thẻ Việt Nam 2023 “Bứt phá giới hạn” sẽ tiếp tục là cú hích thúc đẩy các ngân hàng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thực hiện chủ trương lớn của nhà nước.

Agribank luôn tích cực nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dịch vụ, chức năng tiện ích mới trong thanh toán sử dụng công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng như: mở tài khoản trực tuyến eKYC, thẻ phi vật lý, thẻ chip không tiếp xúc, mã PIN điện tử ePIN, thanh toán vé xe buýt VinBus, chuyển tiền liên ngân hàng, rút tiền tại ATM bằng mã VietQR,...

Ông Nguyễn Phú Dũng, Phó Giám đốc Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết, ngân hàng đang triển khai ứng dụng tích hợp đa chức năng ở tất cả ngành nghề như du lịch, y tế, ngân hàng, thương mại, giao thông, giáo dục… hỗ trợ người dùng có thể lựa chọn đa dạng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: thanh toán không tiếp xúc, thanh toán một chạm, thanh toán trực tuyến…

Bà Winnie Wong, Giám đốc vùng của Mastercard tại Việt Nam, Campuchia và Lào nhận định, Việt Nam có tiềm năng to lớn để trở thành nền kinh tế không tiền mặt trong tương lai gần. Các nhà phân tích dự đoán rằng, Việt Nam sẽ dẫn đầu về khối lượng giao dịch thanh toán giữa các thị trường Đông Nam Á. Khi tổng khối lượng thanh toán trên khắp Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 86%, đạt 54 nghìn tỷ USD vào năm 2027, Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng ấn tượng 152% để đạt 21,5 nghìn tỷ USD, vượt qua cả mức 18,3 nghìn tỷ USD của Indonesia.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, chúng ta rất nhiều dư địa phát triển TTKDTM nói chung. Hiện nay, vẫn còn 10-11%, trong khi Chính phủ yêu cầu dưới 10%. Đây là chỉ tiêu quan trọng phấn đấu trong thời gian tới. Theo số liệu, năm 2022, thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch cá nhân của Việt Nam vẫn chiếm đến 47%, tương đương Indonesia. Rõ ràng, còn nhiều dư địa để giảm thanh toán bằng tiền mặt xuống bằng Malaysia, Ấn Độ (30%).

“Năm nay có 3 luật quan trọng Luật Đất Đai, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua đều được chúng tôi tư vấn TTKDTM trong các giao dịch khi 3 luật này thực thi”, ông Lực tiết lộ. Cũng theo ông Lực, TTKDTM có thể là phương án giúp cho công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn

Còn Tổng Giám đốc NAPAS cho biết, thời gian tới, với việc cập nhật liên tục xu thế phát triển công nghệ mới, NAPAS đã và đang triển khai số hóa thẻ lên thiết bị di động và hợp tác cùng các tổ chức thẻ quốc tế, ngân hàng triển khai thẻ đồng thương hiệu cho phép khách hàng có thể chi tiêu bằng thẻ NAPAS tại nước ngoài một cách thuận lợi nhất.

Để thúc đẩy thị trường thẻ phát triển, Phó Thống đốc cũng yêu cầu các ngân hàng, các tổ chức phát hành thẻ cần lắng nghe, ghi nhận phản hồi của người dùng về sản phẩm thẻ.

Nhóm PV Kinh tế

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phat-trien-the-can-luu-y-den-su-tien-loi-cho-nguoi-dan-post1572713.tpo