Phát triển thẻ tín dụng nội địa giúp tiết kiệm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng

Hơn 800 nghìn thẻ tín dụng nội địa đã phát hành so với tiềm năng 100 triệu dân ở Việt Nam. Hai con số so sánh trên đủ thấy dư địa để phát triển loại thẻ này còn rất lớn.

Tại hội thảo "Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai", được tổ chức sáng ngày 26/9, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước đánh giá rằng phát triển thẻ tín dụng nội địa có thể giúp tiết kiệm chi phí sử dụng thẻ cho khách hàng, bao gồm cả phí phát hành và phí thường niên. Điều này cũng tạo ra lựa chọn thanh toán có chi phí rẻ hơn cho đơn vị chấp nhận thẻ.

Các chuyên gia nhận định thị trường thẻ nội địa còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Các chuyên gia nhận định thị trường thẻ nội địa còn nhiều tiềm năng để phát triển.

Số liệu của Hiệp hội Ngân hàng cho thấy thị trường thẻ nội địa còn nhiều tiềm năng để phát triển. Hiện Việt Nam có hơn 140 triệu thẻ đang lưu hành, trong đó hơn 103 triệu thẻ là thẻ nội địa và 36,7 triệu thẻ quốc tế với hơn 40 ngân hàng và 4 công ty tài chính tham gia phát hành thẻ. Thẻ tín dụng nội địa được xem là có nhiều lợi ích vượt trội so với thẻ tín dụng quốc tế, và phù hợp với mọi phân khúc khách hàng, bao gồm cả những người có thu nhập thấp và không ổn định.

Tuy nhiên, thế mạnh của thẻ tín dụng nội địa vẫn chưa được khai thác hết và chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số lượng thẻ tín dụng đang lưu hành (khoảng 8,7%). Ông Lê Phương Hải, Phó Tổng giám đốc Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) cho rằng thẻ tín dụng có tiềm năng lớn. Tỷ trọng thẻ tín dụng trong cho vay tiêu dùng ở cả khối ngân hàng và công ty tài chính, tuy tăng trong các năm gần đây nhưng đều không vượt quá 10%. Trong đó, thẻ tín dụng nội địa chỉ chiếm vỏn vẹn tỷ trọng 5,5% dư nợ.

Nhận định về thị trường thẻ Việt Nam, chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, thanh toán không tiền mặt tăng tương đối nhanh. Về số lượng giao dịch đến 70% trong 3 năm, giá trị giao dịch 35% các hình thức thanh toán. Chúng ta đang nhanh hơn khu vực, Châu Á Thái Bình Dương chỉ xoay quanh 20- 25%.

Điều này có thể được giải thích bởi cơ chế chính sách mạnh mẽ của Ngân hàng Nhà nước trong những năm qua. Bên cạnh đó, ở Việt Nam cho phép các hình thức thanh toán tương đối khác nhau, đa dạng như: thẻ, ví điện tử, mobike… Ngoài ra, toàn bộ hệ thống ngân hàng đã chủ động trong việc chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết hình thức thanh toán thẻ đang phát triển mạnh mẽ, đa dạng hơn, và cầu đối với thị trường này rất lớn. "Vấn đề quan trọng bây giờ làm sao là thúc đẩy truyền thông, chính sách cho người dân nắm bắt, sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt hiệu quả nhất”, ông Hùng cho hay

Khi được hỏi về việc chuẩn bị công nghệ cho thời gian tới để đáp ứng xu hướng thanh toán trên thị trường, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc NAPAS, cho biết NAPAS đã liên tục đầu tư và nâng cấp hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo xử lý thông suốt cho tốc độ tăng trưởng trong thời gian gần đây. Ngoài ra, NAPAS đã xây dựng hạ tầng số hóa và sẵn sàng đón nhận xu hướng cho tương lai. NAPAS cũng tổ chức hội thảo hàng năm để cung cấp thông tin và giải pháp nâng cao dịch vụ thanh toán cho các ngân hàng thành viên.

Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm thẻ BIDV, chia sẻ rằng hiện nay thẻ của BIDV Smart có thể thanh toán ở Hàn Quốc, Lào, hay tại những điểm thanh toán của NAPAS, cũng như có thể rút tiền tại ATM hai nước này. Điều này là một xu hướng tiện lợi cho người dân và các ngân hàng Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, thẻ này có chi phí cao hơn so với thẻ NAPAS. Trong thời gian tới, NAPAS có thể hỗ trợ, kết nối với các ngân hàng để đưa thẻ nội địa ra thị trường quốc tế với chi phí rẻ hơn.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/phat-trien-the-tin-dung-noi-dia-giup-tiet-kiem-chi-phi-su-dung-the-cho-khach-hang-1095568.html