Phát triển thị trường các-bon: Tiềm năng và mục tiêu
Phát triển thị trường các-bon từ nhiều năm qua đã được coi là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được tiềm năng của các hoạt động giảm phát thải các-bon. Một trong những nguyên nhân chính là do chưa có quy định cụ thể cho phép chính quyền, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân chủ động tham gia các hoạt động giảm phát thải, cũng như quy định về trình tự, trách nhiệm và quyền lợi của các bên tham gia.
Tiềm năng thị trường các-bon
Tỉnh Sơn La có 1.410.983 ha đất tự nhiên; trong đó có 817.890 ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp. Ngày 8/3/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-UBND công bố hiện trạng rừng tỉnh Sơn La năm 2022. Tính đến hết năm 2022, diện tích đất có rừng của tỉnh là 666.887,7 ha; gồm 70.402,4 ha rừng đặc dụng, 292.774,2 ha rừng phòng hộ và 303.711,1 ha rừng sản xuất; tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 47,3%.
Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, độ che phủ rừng tăng ổn định qua các năm. Công tác xây dựng và quản lý quy hoạch 3 loại rừng được điều chỉnh kịp thời đồng bộ. Công tác phát triển vốn rừng được triển khai theo định hướng các chương trình phát triển kinh tế nông, lâm, nghiệp của tỉnh, bước đầu hình thành một số sản phẩm lâm sản đặc thù. Bên cạnh đó, sau gần 15 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, toàn tỉnh đã thu trên 1.800 tỷ đồng, đây là nguồn tài chính ngoài ngân sách đóng góp cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và tạo thêm sinh kế cho người dân từ nghề rừng.
Hệ thống tổ chức bộ máy, các quy định của pháp luật và cơ chế, chính sách về phát triển lâm nghiệp từng bước được hoàn thiện. Các cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, gắn với giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào việc phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh.
Theo đánh giá, Sơn La là tỉnh có tiềm năng lớn huy động các nguồn tài chính thông qua mua bán, chuyển nhượng cho các doanh nghiệp nước ngoài tín chỉ các-bon rừng. Nguồn tài chính này góp phần trực tiếp vào công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng và tháo gỡ khó khăn cho các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp và giảm đầu tư từ ngân sách của nhà nước cho lâm nghiệp.
Những khó khăn, vướng mắc
Với nhiều tiềm năng về kinh tế rừng, mặc dù là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn đứng thứ 3 toàn quốc, nhưng giá trị kinh tế rừng của tỉnh còn thấp. Hằng năm, tình trạng cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra.
Công tác phát triển rừng tại một số địa phương còn nhiều hạn chế; việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế vào phát triển rừng chưa tương xứng với tiềm năng, chưa hình thành phát triển được các chuỗi giá trị lâm sản đặc thù nâng cao thu nhập và giá trị của sản phẩm lâm sản. Đặc biệt, tỉnh chưa có các cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực đột phá cho phát triển lâm nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh ta cũng chưa huy động nguồn thu từ bên chi trả dịch vụ môi trường rừng trong và ngoài nước thông qua kinh doanh tín chỉ các-bon rừng. Nhiều chủ rừng chưa đầu tư thỏa đáng trở lại cho việc phát triển bền vững vốn rừng và nâng cao chất lượng dịch vụ môi trường rừng. Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh còn rất ít.
Tạo cơ chế kinh doanh
Ngày 17/6/2022, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 176/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Sơn La xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng.
Đề án “Thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng tại tỉnh Sơn La giai đoạn đến năm 2030” là một đề xuất cho phép triển khai một trong các cấu phần của thị trường tín chỉ các-bon (hấp thụ các-bon từ rừng) với cơ chế thí điểm vừa tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, vừa cho phép đánh giá tính hiệu quả trước khi Nhà nước ban hành một quy phạm chính thức đối với toàn bộ thị trường. Mặt khác, việc thực hiện đề án cho phép đặt quá trình thực hiện kinh doanh tín chỉ các-bon rừng dưới sự quản lý của cơ quan nhà nước tại địa phương, đảm bảo tính khả thi cũng như sự tin cậy cho các chủ thể tham gia.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ tham mưu xây dựng và triển khai đề án, đã tập trung nghiên cứu, khảo sát và lấy ý kiến tham gia vào đề án của các ngành liên quan, UBND các huyện và thành phố trong tỉnh. Ông Trần Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, cho biết: Đề án được xây dựng trên cơ sở các định hướng, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mục tiêu, xác lập quan hệ chi trả giữa bên phát thải khí CO2 và bên hấp thụ và lưu giữ các-bon theo nguyên tắc tiền thu được từ bên sử dụng dịch vụ phải được chi trả cho bên cung ứng dịch vụ; tạo ra cơ chế huy động các nguồn tài chính ổn định, góp phần bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao thu nhập cho người làm nghề rừng. Đồng thời, từng bước hình thành tín chỉ các-bon đáp ứng được các tiêu chuẩn và tính thanh khoản trên thị trường các-bon nội địa và thị trường quốc tế. Thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; phát huy nguồn lực của nhà nước; thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế, đẩy mạnh hợp tác công tư trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Hướng tới mục tiêu cụ thể
Việc xây dựng và triển khai đề án kinh doanh tín chỉ các-bon rừng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng, tăng khả năng phòng hộ của rừng đầu nguồn và có thêm nguồn kinh phí phục vụ trồng mới rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bằng các loài cây bản địa để tăng cường hấp thụ các-bon. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ, quản lý và phát triển rừng, nhằm cải thiện sinh kế, tạo thêm việc làm và thu nhập trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Ông Trần Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo về và Phát triển rừng tỉnh, cho biết thêm: Giai đoạn 1 của đề án (2023-2025), sẽ thí điểm thực hiện bán tín chỉ các-bon rừng trên diện tích 2.000-10.000 ha; giai đoạn 2 (2026-2030) từ 10.000-50.000 ha và giai đoạn 3 (từ năm 2030) triển khai trên toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của tỉnh.
Với mục tiêu tạo được trên 7 triệu tín chỉ các-bon rừng trong cả giai đoạn, trung bình mỗi năm sẽ thu về khoảng trên 100 tỷ đồng, đây sẽ là nguồn lực ngoài ngân sách rất lớn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Đồng thời, khai thác hiệu quả các tiềm, năng lợi thế của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ ít phát thải khí các-bon, sản xuất khép kín, sử dụng chất thải của sản phẩm trước làm nguyên liệu cho sản phẩm sau, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Việc xây dựng và triển khai Đề án “Thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng tại tỉnh Sơn La giai đoạn đến năm 2030” có ý nghĩa quan trọng, tạo ra nguồn lực lớn cho tỉnh và giúp người dân sống bằng nghề rừng có thêm nguồn sinh kế ổn định, bền vững. Đặc biệt, việc triển khai đề án sẽ đóng góp tích cực vào thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh và hiện thực hóa cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị COP 26 “Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính của cả nước bằng “0” vào năm 2050”.