Phát triển thị trường khoa học và công nghệ:Cần có sự hỗ trợ, tiếp sức

Không chỉ có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thị trường khoa học và công nghệ còn góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại Việt Nam, những năm qua, dù đã chú trọng phát triển nhưng thị trường khoa học và công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế, đòi hỏi cần có sự hỗ trợ, tiếp sức, để không bị “đóng băng”, mất cân đối giữa cung và cầu...

Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương).

Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghiệp thực phẩm (Bộ Công Thương).

Còn sơ khai và nhiều vướng mắc

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta vẫn đang ở dạng sơ khai, mới bước đầu hình thành, quá trình vận hành còn nhiều vướng mắc.

Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Đức Nghiệm chỉ rõ: Một là, nhiều hợp đồng đã được ký kết giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học (viện, trường) nhưng không triển khai được, do còn có sự khác biệt khá lớn, thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp lý như: Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Giáo dục đại học, Luật Công chức, viên chức... Hai là, dù nguồn cung công nghệ từ các viện, trường khá phong phú và đa dạng nhưng lượng hàng hóa khoa học và công nghệ từ các nhà cung cấp này còn rất khiêm tốn. Chỉ 0,3% doanh nghiệp lựa chọn chuyển giao công nghệ từ các tổ chức khoa học và công nghệ công lập và 0,6% doanh nghiệp lựa chọn từ các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập.

Nguyên nhân chính là do phần lớn kết quả nghiên cứu và tài sản trí tuệ của các viện, trường còn ở dạng chưa hoàn thiện, chưa thực sự thành “hàng hóa” để có thể lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, các chính sách khuyến khích thương mại hóa, tạo động lực mạnh mẽ cho chủ sở hữu và tác giả của các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ còn thiếu. Sự gắn kết, hợp tác bền vững giữa các viện, trường và các doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.

Theo Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh, các doanh nghiệp trong nước khi đến làm việc thường chỉ quan tâm công nghệ đã hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào sản xuất, ít quan tâm mua công nghệ quy mô phòng thí nghiệm, quy mô pilot (quy mô lớn hơn nhiều so với quy mô phòng thí nghiệm nhưng nhỏ hơn quy mô sản xuất) để tiếp tục đầu tư phát triển vì có nhiều rủi ro.

Với cơ sở vật chất của Viện Hàn lâm nói riêng và của các đơn vị nghiên cứu trong cả nước nói chung thì khó có thể tạo ra công nghệ sẵn sàng ở quy mô sản xuất lớn để chuyển giao. Mặt khác, thông tin giới thiệu về sản phẩm công nghệ của các nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu trong nước với doanh nghiệp còn hạn chế, do cơ sở dữ liệu khá rời rạc và chưa đồng bộ.

Tháo gỡ rào cản, tăng cường kết nối

Nhu cầu đổi mới công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là rất lớn. Vì vậy, hoàn thiện thị trường khoa học và công nghệ là giải pháp trung tâm, có tính căn cơ lâu dài để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo ông Phạm Đức Nghiệm, muốn phát triển thị trường khoa học và công nghệ không chỉ cần đồng bộ giữa cung và cầu mà còn đòi hỏi sự đồng bộ về năng lực của tổ chức trung gian, hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung. Trên hết, để phát triển được thị trường khoa học, công nghệ cần có sự đồng bộ về thể chế chính sách.

Trước nhu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg (ngày 5-10-2023) về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.

Triển khai Chỉ thị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh cho biết, Bộ đã đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Theo đó, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, rà soát tổng thể và đề xuất các giải pháp phù hợp, phương án điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ.

Cụ thể là rà soát, đề xuất, ban hành các quy định về góp vốn, thoái vốn khi tổ chức, cá nhân góp vốn bằng kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Bộ cũng xây dựng các chính sách thu hút chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia người nước ngoài tham gia phát triển thị trường khoa học và công nghệ tại Việt Nam; hỗ trợ hình thành mạng lưới các tổ chức trung gian...

“Chúng tôi sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hình thành và phát triển 3 sàn giao dịch công nghệ trọng điểm tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Dự kiến sàn giao dịch công nghệ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa vào vận hành trong quý IV-2024; sàn Đà Nẵng đưa vào vận hành trong quý IV-2025, bảo đảm kết nối hiệu quả với các sàn giao dịch công nghệ, trung tâm tư vấn, môi giới và xúc tiến chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng Hoàng Minh cho biết.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/phat-trien-thi-truong-khoa-hoc-va-cong-nghe-can-co-su-ho-tro-tiep-suc-665892.html