Phát triển trường tiên tiến theo xu thế hội nhập
TP Hồ Chí Minh hiện có 40 trường dạy và học theo mô hình 'Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế'. Mô hình này giúp học sinh hứng thú học tập, chủ động, tích cực sáng tạo, phát huy tối đa khả năng của mình. Đây cũng được xem là hướng đi tất yếu của một nền giáo dục hiện đại…
TP Hồ Chí Minh hiện có 40 trường dạy và học theo mô hình "Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế". Mô hình này giúp học sinh hứng thú học tập, chủ động, tích cực sáng tạo, phát huy tối đa khả năng của mình. Đây cũng được xem là hướng đi tất yếu của một nền giáo dục hiện đại…
Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) là trường đầu tiên ở thành phố được chọn triển khai thí điểm dạy và học theo mô hình “Trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” (viết tắt là Trường tiên tiến) từ năm học 2006 - 2007. Thời điểm đó, Trường THPT Lê Quý Đôn có nhiều ưu điểm nổi trội, là ngôi trường có tuổi đời lâu nhất của thành phố, có bề dày truyền thống, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tốt, tích cực đổi mới và có cơ sở vật chất khang trang, hiện đại…
Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn Hà Hữu Thạch cho biết: Triển khai mô hình Trường tiên tiến đã giúp học sinh chuyển đổi từ lĩnh hội tri thức thụ động sang tiếp cận, lĩnh hội chủ động. Kết hợp hiệu quả hình thức học tập trực tiếp và trực tuyến, phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu giáo trình, tìm tòi tư liệu, mở rộng kiến thức. Với nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo và dạy kỹ năng sống, học sinh được rèn luyện nhiều kỹ năng thiết thực, phát hiện và phát triển năng khiếu cá nhân. Trường đã xây dựng nhiều câu lạc bộ kỹ năng - học thuật để học sinh có sân chơi rèn luyện và ứng dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Ngoài ra, bằng việc đổi mới mạnh mẽ phương thức kiểm tra, đánh giá và chú trọng công tác giáo dục đạo đức - truyền thống, học sinh dần hình thành phong cách năng động, tự tin, bản lĩnh khi giải quyết vấn đề cá nhân và đoàn kết, hợp tác, chia sẻ khi tham gia hoạt động tập thể.
Cũng theo thầy Hà Hữu Thạch, Trường tiên tiến giúp đội ngũ giáo viên thay đổi phương pháp và phương tiện dạy học, xem người học là trung tâm. Tất cả giáo viên đều ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả thiết bị dạy học hiện đại. Giáo viên luôn chú trọng đổi mới, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục như dạy học theo chuyên đề, dạy học dự án, tổ chức ngoại khóa, tiết học ngoài nhà trường, tiết học tích cực.
Từ mục tiêu giáo dục người học phát triển toàn diện và tiếp cận, hội nhập nền giáo dục tiên tiến của khu vực, quốc tế, thời gian qua, Trường THPT Lê Quý Đôn đã trở thành lá cờ đầu trong đổi mới, phát triển giáo dục. Năm học 2020 - 2021, trường được công nhận đạt chất lượng giáo dục cấp độ 3, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Kết quả này chứng minh sự thành công của mô hình giáo dục tiên tiến, hiện đại, giúp nhà trường khẳng định được danh tiếng, tạo được uy tín với phụ huynh học sinh và xã hội…
Cách nay hơn 20 năm, ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) TP Hồ Chí Minh đã đặt mục tiêu xây dựng mô hình Trường tiên tiến, hiện đại, tạo môi trường học tập tốt, tích cực cho học sinh, tiếp cận với các quốc gia có nền giáo dục phát triển trong khu vực và thế giới.
Đây là hướng phát triển của ngành GD và ĐT thành phố nhằm xây dựng những ngôi trường có chất lượng tốt với mức học phí thấp hơn nhiều so với các trường quốc tế để học sinh có thêm cơ hội hưởng thụ chất lượng giáo dục tiên tiến, làm mũi nhọn để các trường phấn đấu, phát triển.
"Trường tiên tiến có mục tiêu giúp học sinh hứng thú học tập, chủ động, tích cực, sáng tạo, biết san sẻ, học hỏi lẫn nhau. Học sinh được phát huy tối đa năng khiếu, được rèn luyện phẩm chất, trau dồi kỹ năng thực hành xã hội, được tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại, những công nghệ tiên tiến. Học sinh được trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học theo chuẩn quốc tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc", Giám đốc Sở GD và ĐT TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn chia sẻ.
Trên cơ sở thành công ban đầu của việc thí điểm tại Trường THPT Lê Quý Đôn, năm học 2015 - 2016, TP Hồ Chí Minh chính thức phê duyệt triển khai mô hình Trường tiên tiến tại ba trường THPT là: Lê Quý Đôn, Nguyễn Du (quận 10) và Nguyễn Hiền (quận 11). Các Trường tiên tiến thật sự trở thành những “đầu tàu” kéo chất lượng giáo dục của từng địa phương phát triển; là tiền đề quan trọng để các trường mầm non và phổ thông khác trên địa bàn thành phố xây dựng đề án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện theo mô hình này…
ĐẾN nay, toàn TP Hồ Chí Minh có 40 trường triển khai dạy và học theo mô hình Trường tiên tiến; trong đó có 16 trường mầm non, 13 trường tiểu học, tám trường THCS, ba trường THPT và có hơn 10 trường đăng ký thực hiện mô hình này. Các trường thực hiện theo mô hình Trường tiên tiến được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp theo hướng hiện đại với đầy đủ các phòng chức năng, trang thiết bị hiện đại. Các lớp học được trang bị màn hình LCD, bảng tương tác, máy tính kết nối in-tơ-nét… phục vụ tốt yêu cầu đổi mới dạy và học. Các phòng thí nghiệm, thực hành, phòng máy tính, phòng học ngoại ngữ, phòng tập đa năng, thư viện… đều được trang bị hiện đại. Sĩ số chỉ là 30 học sinh/lớp, tạo điều kiện cho thầy, cô giáo triển khai thành công những phương pháp dạy học tích cực, đúng định hướng dạy học cá thể. Các địa phương ưu tiên bố trí đội ngũ quản lý, giáo viên mạnh dạn đổi mới, có chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý tốt, có uy tín.
Các Trường tiên tiến cũng là những cơ sở giáo dục tiên phong triển khai các chỉ đạo đổi mới của ngành GD và ĐT thành phố như giáo dục theo phương pháp STEM; tổ chức học tập các chương trình dạy tiếng Anh - tin học theo chuẩn quốc tế, trí tuệ nhân tạo (AI), nghiên cứu khoa học, đưa vào nhà trường các tiết học khoa học vui, robotic, các hoạt động chuyên đề.
Có thể khẳng định: Xây dựng “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế” là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…