Phát triển văn hóa - động lực cho sự phát triển bền vững Thủ đô:Bài cuối: Để văn hóa trở thành động lực sáng tạo
Trong những năm qua, Hà Nội ghi dấu với nhiều sự kiện văn hóa sáng tạo được tổ chức, nhiều không gian sáng tạo được 'chào đời', nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy giá trị và trở thành điểm đến thu hút, đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao... Tất cả cho thấy một môi trường văn hóa Hà Nội đa dạng và hấp dẫn, là nơi hội tụ, kết nối và thúc đẩy các cá nhân sáng tạo.
Những hình ảnh Hà Nội mới
Nằm xen giữa những khu dân cư đông đúc ở quận Đống Đa và quận Long Biên là những nhà máy cũ nay đã được “tái sinh” trong tấm áo không gian sáng tạo Complex 01 và Design 282. Thay vì bị bỏ hoang và xuống cấp, nơi đây đã trở thành địa chỉ lui tới của nhiều bạn trẻ với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức thường xuyên, với các không gian chế tác đồ thủ công, các gian hàng phục vụ nhu cầu ăn uống, thời trang, spa, mỹ phẩm...
Cuối năm 2022, người dân Thủ đô có thêm không gian sinh hoạt văn hóa khi không gian đi bộ trên phố Trần Nhân Tông và phụ cận được khai trương, hòa nhập với không gian cảnh quan rộng và nhiều cây xanh của công viên Thống Nhất. Từ đó đến nay, không gian này không chỉ kết nối các khu vực vui chơi giải trí quanh hồ Thiền Quang và công viên Thống Nhất, tạo thành một chỉnh thể đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi tham quan, trải nghiệm du lịch văn hóa... trong khu vực, mà còn góp phần phát huy giá trị của cụm di tích chùa Quang Hoa, chùa Thiền Quang, chùa Pháp Hoa, đồng thời cộng hưởng với các hoạt động của Nhà văn hóa học sinh - sinh viên Hà Nội, rạp xiếc Trung ương, Nhà hát Chèo Hà Nội, Viện Pháp tại Hà Nội, Trung tâm văn hóa Hàn Quốc...
Hay mới đây, tại làng cổ Đường Lâm, không gian trình diễn nghệ thuật, workshop và phát triển sáng tạo Đoài creative đã ra mắt. Được cải tạo từ một công trình cũ, Đoài creative mang tới những hoạt động trải nghiệm văn hóa cho du khách, góp phần tăng sức hấp dẫn cho ngôi làng cổ nhằm “níu chân” du khách.
Đó chỉ là 3 trong số nhiều tổ hợp văn hóa sáng tạo, không gian nghệ thuật công cộng, tuyến phố đi bộ, phố sách... đã trở thành điểm đến hấp dẫn với người dân Thủ đô và du khách trong những năm gần đây. Có thể nói, xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm mà Hà Nội đã cụ thể hóa bằng nhiều nội dung hoạt động. Mỗi quận, huyện của Hà Nội đều xác định rất rõ những thế mạnh riêng để từ đó tập trung phát huy lợi thế nhằm đa dạng hóa các hoạt động văn hóa, các sản phẩm du lịch, qua đó không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn mà còn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ví như quận Ba Đình xác định tập trung phát huy các giá trị của di tích và mở rộng không gian văn hóa dựa trên tiềm năng, đặc điểm của quận để phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách. Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến chia sẻ: Người dân Ba Đình luôn tự hào về vùng đất lịch sử - văn hóa với bản sắc văn hóa riêng có của vùng đất Thập Tam Trại đã tồn tại 980 năm cùng lịch sử dân tộc. Mỗi năm có 54 lễ hội truyền thống được tổ chức, đó là những ngày hội của nhân dân trong vùng. Trước đây, do ảnh hưởng của chiến tranh, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn quận bị mai một.
Chuyển sang giai đoạn mới, nhất là nhiệm kỳ 2020-2025, quận Ba Đình nhận thức rõ rằng việc tổ chức các lễ hội truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Quận ủy đã chỉ đạo UBND quận khôi phục lại một số lễ hội đã bị mai một tại các di tích và nâng cấp quy mô tổ chức lễ hội truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và hưởng thụ văn hóa của nhân dân, đồng thời giáo dục truyền thống, tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với các thế hệ đi trước; góp phần nâng cao về nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện tốt công tác giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa, truyền thống.
Kết quả đánh giá việc triển khai thực hiện Chương trình 06 giai đoạn 2015-2020 của Thành ủy Hà Nội cho thấy: Đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân ngày càng phong phú, nguồn lực đầu tư phát triển văn hóa tăng 30% so với nhiệm kỳ trước, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh văn hóa, nhất là gắn với phát triển kinh tế du lịch. Nhiều di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy và trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư và đổi mới về phương thức hoạt động. Đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được cải thiện, phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển sâu rộng từ cơ sở. Vai trò của văn học, nghệ thuật được khẳng định; chủ động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa, nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật uy tín, chất lượng cao được tổ chức tại Thủ đô. Một số chính sách, cơ chế đặc thù tạo cơ sở pháp lý cho công tác phát triển văn hóa, trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được ban hành.
Không ngừng mở rộng cánh cửa cho sáng tạo
Cùng với việc triển khai thực hiện các nội dung của Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa, các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa gắn với việc thực hiện 2 bộ quy tắc ứng xử mà thành phố Hà Nội đã ban hành, mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm đầu tư. Tính đến quý I năm 2023, toàn thành phố có 383 thiết chế văn hóa, thể thao thuộc sự quản lý của UBND thành phố, các sở, ban, ngành đoàn thể; 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao với 84 công trình văn hóa, thể thao; 125/579 xã, phường, thị trấn có công trình trung tâm văn hóa, thể thao; 85% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa/ điểm sinh hoạt cộng đồng.
Thành phố định hướng cụ thể việc quy hoạch hệ thống trung tâm văn hóa dọc hai bên bờ Nam - Bắc sông Hồng; quy hoạch cây xanh đô thị gắn với nâng cấp, cải tạo, xây mới công viên; hoàn thành việc phát triển 3 không gian văn hóa, phục vụ nhu cầu thưởng thức, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, vui chơi, giải trí, khám phá ẩm thực của nhân dân địa phương và du khách tham quan vào mỗi cuối tuần: Tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã (Ba Đình)...
Tạo dựng thêm một điểm đến là Hà Nội đã mở thêm một cánh cửa cho các tổ chức, cá nhân cùng sáng tạo, để từ đó các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức thường xuyên hơn, đa dạng hơn. Bằng việc đẩy mạnh phát triển các không gian văn hóa, Hà Nội mang đến cơ hội thụ hưởng văn hóa cho người dân, đồng thời cũng nuôi dưỡng nguồn cảm hứng sáng tạo trong cộng đồng.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiệu, Chủ nhiệm khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận xét: “Trong thời gian qua, thông qua nhiều hoạt động triển lãm, lễ hội, trưng bày, Hà Nội đã từng bước giới thiệu đến công chúng hình ảnh của một cộng đồng sáng tạo, trẻ trung và năng động. Tuy nhiên, tất cả những điều đó dường như là chưa đủ so với chiều dài lịch sử và cũng như tiềm năng sáng tạo mà cộng đồng cư dân nơi đây đang có. Yếu tố mang tính quyết định để đưa Hà Nội thực sự trở thành một thành phố sáng tạo về thiết kế là lĩnh vực này phải trở thành nguồn mạch trong việc bồi dưỡng phát triển tri thức và đóng góp trực tiếp vào đời sống kinh tế hằng ngày của cộng đồng cư dân địa phương”.
Phát triển văn hóa cũng chính là phát triển con người. Bởi thế, theo Tiến sĩ Đặng Thị Phong Lan (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), Hà Nội sẽ cần nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng các dự án, sự kiện văn hóa, nghệ thuật, tạo ra các sản phẩm có giá trị về cả văn hóa và kinh tế, nâng cao ý thức của người dân, trong đó sáng tạo sẽ là yếu tố mang tính định hướng và giới trẻ chính là nguồn lực hàng đầu.
Để Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh và thúc đẩy sáng tạo thì văn hóa phải thực sự trở thành động lực cho quá trình phát triển Thủ đô. Việc phát triển văn hóa phải ngang tầm với phát triển kinh tế, xã hội mà ở đó, các nguồn lực cần được tập trung vào yếu tố con người, di sản và hạ tầng văn hóa.