Phát triển văn hóa - động lực cho sự phát triển bền vững Thủ đô: Khẳng định thương hiệu du lịch Thủ đô từ nền tảng văn hóa
Hà Nội luôn được du khách trong nước và bạn bè quốc tế đánh giá là một điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn. Mang trong mình bề dày truyền thống văn hóa được hội tụ hàng nghìn năm qua, Hà Nội sở hữu hệ thống di sản văn hóa đặc sắc, đa dạng. Nguồn tài nguyên vô giá này là nền tảng để Hà Nội phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, mang thương hiệu đặc trưng tương xứng với vị thế của mình.
Văn hóa là nền tảng cốt lõi
Cái tên “Hà Nội” gợi nên hình ảnh một “thành phố trong sông” hiền hòa, thanh bình, nơi có những đình, đền, chùa, miếu đã tồn tại nhiều thế kỷ như chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, đền Sóc, chùa Thầy, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thăng Long tứ trấn... Những di tích này mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của Thủ đô, hội tụ tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc qua các thời kỳ lịch sử. Đóng vai trò như phần linh hồn của mỗi di tích là lễ hội dân gian truyền thống, như lễ hội chùa Hương, lễ hội đền Sóc, hội chùa Thầy, lễ hội gò Đống Đa, lễ hội Cổ Loa... Đây được ví như những “bảo tàng sống” về văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Sở hữu 5.922 di tích cùng hơn 1.000 lễ hội, Hà Nội thực sự tự hào khi có một bề dày truyền thống văn hóa đa dạng và đặc sắc.
Nhắc đến Hà Nội, người ta nhớ đến danh xưng "đất trăm nghề" với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Những làng nghề này đã đóng góp không nhỏ cho hoạt động du lịch, góp phần tạo nên sự đa dạng và tính đặc trưng cho các sản phẩm du lịch Thủ đô, tiêu biểu như gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, sơn mài - khảm trai Chuyên Mỹ... Bên cạnh đó, Hà Nội nổi tiếng là một “thiên đường ẩm thực” với những món ăn đặc sắc, được thế giới biết đến như phở, bún chả, bánh mỳ, chả cá, cà phê trứng... Mới đây, nhiều nhà hàng, đầu bếp và địa điểm ăn uống ở Hà Nội đã được cẩm nang ẩm thực hàng đầu thế giới The Michelin Guide gắn sao hoặc lựa chọn vào danh sách, biểu thị cho sự ghi nhận về chất lượng nhà hàng, tay nghề của đầu bếp và chất lượng món ăn. Đây là ghi nhận uy tín trong giới ẩm thực quốc tế, khẳng định những giá trị nổi bật và đặc sắc của văn hóa ẩm thực Việt Nam, đồng thời đưa ẩm thực Việt Nam hội nhập với ẩm thực thế giới.
Bên cạnh vẻ đẹp truyền thống, Hà Nội còn là một thành phố năng động, hiện đại, an toàn và hấp dẫn du khách với hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật được xây dựng đồng bộ, chất lượng. Tính đến tháng 3-2023, trên địa bàn Thủ đô có 3.725 cơ sở lưu trú du lịch với trên 70.000 phòng, trong đó có 591 khách sạn được xếp hạng từ 1 - 5 sao; có 1.236 doanh nghiệp lữ hành đăng ký hoạt động. Hạ tầng xã hội phục vụ du lịch được quan tâm, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch được đầu tư; nhiều khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hiện đại được xây dựng; hệ thống công nghệ thông tin hiện đại được ứng dụng để phát triển du lịch.
Những giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch văn hóa cùng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại ấy chính là nền tảng hình thành nên những sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, mang nét đặc trưng của Hà Nội. Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng chính trong thời gian ấy, nhiều sản phẩm du lịch mang chiều sâu văn hóa, lịch sử và giàu tính thể nghiệm đã được hình thành, giúp ngành Du lịch có thêm những sản phẩm sáng tạo như chương trình “Đêm thiêng liêng” tại Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour du lịch đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, sản phẩm du lịch đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”, tour du lịch văn học “Chữ Tâm, chữ Tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam...
Sau khi hoạt động du lịch trở lại trạng thái bình thường, nhiều chương trình quảng bá du lịch gắn với hoạt động giao lưu văn hóa, các hội nghị, hội thảo, hội chợ nhằm thu hút đối tượng khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày liên tục được tổ chức, như "Du lịch Hà Nội chào 2023 - Get on Hanoi 2023", Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội Áo dài Hà Nội, Hội chợ du lịch quốc tế VITM - Hà Nội, Chương trình Hành trình hữu nghị....
Có thể thấy, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã có những tác động tích cực đối với Thủ đô nói chung và ngành Du lịch nói riêng. Hiệu quả và tác động dễ thấy nhất là Chương trình đã phát huy được sức mạnh tài nguyên văn hóa, tạo động lực thúc đẩy du lịch Thủ đô phát triển một cách chuyên nghiệp, hiện đại và có bản sắc.
Bởi thế, nhiều năm liên tiếp, Hà Nội luôn được các tổ chức quốc tế uy tín đưa vào danh sách điểm đến hấp dẫn trong khu vực và thế giới, đồng thời nhận nhiều giải thưởng và đề cử danh giá như năm 2018 - 2019, Hà Nội lọt vào danh sách “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới” của tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA). Năm 2019 - 2020, Hà Nội đứng thứ 15/25 trong bảng xếp hạng Điểm đến hàng đầu thế giới do du khách bình chọn trên trang web TripAdvisor. Năm 2022, Hà Nội vinh dự được World Travel Awards (WTA) bình chọn là Điểm đến Thành phố hàng đầu thế giới.
Để Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn
Để phát triển và tạo sự bứt phá hơn nữa, du lịch Hà Nội cần xóa được quan niệm Thủ đô chỉ là điểm dừng chân hay điểm nối tuyến giữa các tỉnh miền Bắc với các tỉnh miền Trung và Nam Bộ. Theo Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và Thương mại quốc tế Phương Nam (PNTrip) Vũ Nam Phương, mặc dù có nhiều đổi mới, sáng tạo trong việc xây dựng sản phẩm du lịch và tổ chức nhiều sự kiện đáng chú ý, nhưng nhiều khách quốc tế đến Việt Nam thời điểm sau dịch vẫn chỉ lựa chọn lưu trú tại Hà Nội 1 - 2 đêm rồi tiếp tục di chuyển đến các nơi khác.
“Hà Nội cần đầu tư xây dựng những sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa có chiều sâu, đặc biệt là phải khai thác và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống của mình thay vì những sản phẩm đơn điệu, trùng lặp như hiện nay. Cần có sự đầu tư đồng bộ, kết nối hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật; ứng dụng công nghệ số để quảng bá điểm đến. Và cuối cùng là nâng cao chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch để níu chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, muốn quay trở lại nhiều lần hơn” - bà Phương nói.
Du lịch văn hóa được xác định là một trong những trụ cột chính để phát triển du lịch bền vững; muốn phát triển bền vững thì cần phải phát huy hiệu quả mối quan hệ giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch, đồng thời hướng tới xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, thời gian tới, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung triển khai một số công việc như quy hoạch, đầu tư, bảo tồn, trùng tu di tích gắn với phát huy giá trị di sản, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm du lịch Thủ đô, kiến tạo các điểm du lịch văn hóa có chất lượng cao. Đẩy mạnh khai thác các yếu tố đặc trưng văn hóa của Hà Nội để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù và có tính cạnh tranh cao.
Tập trung đầu tư, khai thác và phát huy thế mạnh không gian kiến trúc, giá trị văn hóa khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành liên kết với các đơn vị điểm đến di tích - di sản, triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm, du lịch ứng dụng khoa học - công nghệ trên nền tảng sản phẩm du lịch truyền thống. Chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô. Tổ chức các chiến dịch quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa trên các kênh truyền thông lớn ở trong nước và quốc tế...