Phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh

'Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh' nhằm hướng đến các giải pháp phát triển vật liệu xây dựng xanh, vật liệu xây dựng bền vững góp phần đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050.

Ngày 3/10, trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thúc đẩy phát triển vật liệu xanh: Giải pháp bền vững cho một tương lai xanh”.

Tăng trưởng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu

Phát biểu khai mạc chuyên đề, Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Kế cho biết, biến đổi khí hậu đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối mặt. Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, mức độ ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn.

Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do tác động tiêu cực từ các hoạt động sản xuất của của con người, trong đó có hoạt động xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD).

Ông Lê Văn Kế - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng phát biểu khai mạc hội thảo.

Ông Lê Văn Kế - Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng phát biểu khai mạc hội thảo.

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, đồng thời thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam.

Trong những năm qua, vấn đề tăng trưởng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu và là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong ngành Xây dựng, phát triển xanh không chỉ giúp giảm thiểu tác động môi trường mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giảm thiểu chi phí vận hành và bảo dưỡng công trình, đồng thời tối ưu hóa sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Trong lĩnh vực phát triển VLXD, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều chính sách liên quan đến phát triển ngành VLXD. Trong các chính sách đó, mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD luôn là một nội dung quan trọng.

Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển ngành VLXD xanh

Tại hội thảo, KS Lê Cao Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động, Viện VLXD đã trình bày tham luận “Xu hướng thế giới về sử dụng vật liệu xanh: Tiến bộ và những cách tiếp cận mới cho thị trường Việt Nam”.

KS Lê Cao Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động, Viện VLXD.

KS Lê Cao Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Thiết bị, Môi trường và An toàn lao động, Viện VLXD.

KS Lê Cao Chiến cho biết, hiện nay, trên thế giới có 6 xu hướng sử dụng vật liệu xanh (VLX), bao gồm: Hiệu quả năng lượng trong công trình; Tái chế và tái sử dụng VLXD; Sử dụng vật liệu từ nguồn tài nguyên tái tạo; Vật liệu thân thiện với sức khỏe con người; Công nghệ sinh học và vật liệu phân hủy sinh học; Sử dụng công nghệ và vật liệu thông minh.

Theo đánh giá của Viện VLXD, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để phát triển ngành VLXD xanh nhờ vào nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tiềm năng tái chế các loại vật liệu và nhu cầu VLX tăng cao từ xu hướng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả các cơ hội này, cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng, chính sách hỗ trợ và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về lợi ích của VLX.

Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc áp dụng VLX. Những thách thức này là chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu các tiêu chuẩn, quy định cụ thể và sự hạn chế về nguồn cung VLX hay sản phẩm mới ở trong nước.

Vì vậy, để thúc đẩy việc sử dụng VLX trong xây dựng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế và tái tạo. Đồng thời, việc nâng cao hiệu quả năng lượng trong các công trình xây dựng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải CO2 và tiết kiệm tài nguyên.

Với sự phát triển của công nghệ sinh học và vật liệu thông minh, tương lai của ngành xây dựng xanh sẽ ngày càng phát triển. Việc sử dụng các vật liệu phân hủy sinh học, cùng với tích hợp công nghệ tiên tiến như kính thông minh và hệ thống năng lượng tái tạo, sẽ giúp giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường, đồng thời tạo ra các công trình hiệu quả và bền vững hơn.

Các đại biểu, chuyên gia trao đổi, thảo luận tại chương trình

Các đại biểu, chuyên gia trao đổi, thảo luận tại chương trình

Với tham luận: “Hành lang pháp lý cho phát triển, hiện đại hóa và xanh hóa ngành VLXD”, TS. Đào Danh Tùng, chuyên viên chính của Vụ VLXD (Bộ Xây dựng) cho biết, trên thế giới hiện có khoảng 465 nhãn xanh tại 199 quốc gia và bao phủ 25 ngành Công nghiệp.

Tuy nhiên, chương trình dán nhãn xanh đều là các chương trình tự nguyện, do một tổ chức cấp giấy chứng nhận trên sản phẩm để biểu thị sự thân thiện với môi trường trên cơ sở tác động môi trường trên toàn bộ vòng đời sản phẩm.

TS. Đào Danh Tùng cho hay, tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về sản phẩm thân thiện với môi trường, trong đó có nội dung về nhãn sinh thái Việt Nam là nhãn được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận cho sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2022/NĐ–CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; Nghị định số 09/2021/NĐ-CP về quản lý Vật liệu xây dựng.

Chính phủ còn ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021 - 2030; Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030; Chỉ thị về việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và làm VLXD.

Về hệ thống công cụ đánh giá công trình xanh (CTX), hiện nay Việt Nam có tổng cộng 5 công cụ. Đó là công cụ CTX do Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam biên soạn; EDGE - hệ thống đánh giá CTX của Tổ chức Tài chính Quốc tế, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới; LOTUS - hệ thống đánh giá CTX của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam; LEED - hệ thống đánh giá CTX của Hội đồng Công trình Xanh Mỹ; Green Mark - hệ thống đánh giá CTX của Hiệp hội Công trình Xanh Singapore.

Tuy nhiên, TS. Đào Danh Tùng đánh giá, Việt Nam vẫn chưa có các bộ tiêu chí Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/VLX; chưa có hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng VLX trong công trình xây dựng; còn thiếu các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm VLXD được gắn Nhãn xanh Việt Nam/VLX.

Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành tại Việt Nam cần xây dựng được các bộ tiêu chí Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/ VLX; hoàn thiện hơn hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sản xuất, sử dụng VLX trong công trình xây dựng; xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng sản phẩm VLXD được gắn Nhãn xanh/Nhãn sinh thái/ VLX.

Theo Viện trưởng Viện VLXD Nguyễn Quang Hiệp cho rằng, để thúc đẩy sử dụng vật liệu xanh trong xây dựng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn và xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng vật liệu tái chế, tái tạo.

Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Hoàng Giang, Phó hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhấn mạnh sự cấp thiết của việc tái chế chất thải rắn xây dựng để sản xuất vật liệu xây dựng khi nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. PGS. TS. Nguyễn Hoàng Giang khẳng định yếu tố quan trọng nhất để thúc đẩy phát triển vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng là cơ chế, chính sách quản lý từ Trung ương tới địa phương.

Ngoài ra, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, cần có chế tài để xử lý những trường hợp vi phạm việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách đã ban hành về sản xuất, khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông, đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về lợi ích của vật liệu xây dựng xanh, công trình xanh, từ đó, từng bước thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xây dựng...

N.H

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phat-trien-vat-lieu-xanh-giai-phap-ben-vung-cho-mot-tuong-lai-xanh-718520.html