Phát triển vật liệu xây dựng phục vụ công trình ven biển, hải đảo
Đề án 'Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025' sẽ được Bộ Xây dựng triển khai thực hiện.
Bộ Xây dựng cho biết, theo báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, thì định hướng đến 2030, tổng nguồn vốn đầu tư của 28 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương ven biển bằng từ 55-60% so với tổng vốn đầu tư cả nước.
Cùng đó, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho 28 tỉnh, thành phố bằng từ 50-55% tổng vốn đầu tư ngân sách cả nước và có chính sách khả thi nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Kinh tế biển sẽ tập trung đầu tư và phát triển các lĩnh vực, ngành nghề nhằm tạo động lực phát triển kinh tế biển đảo như khai thác, chế biến dầu khí.
Cùng đó là kinh tế hàng hải, du lịch biển và kinh tế đảo, xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển đô thị ven biển; tập trung phát triển xây dựng, kết cấu hạ tầng trên biển, đảo và vùng ven biển đồng bộ; phát triển hệ thống thủy lợi, đê biển, kè biển và dự báo phòng chống thiên tai; phát triển hạ tầng giao thông, thông tin liên lạc, cấp điện cấp nước tại vùng đảo...
Vì vậy, nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu xây dựng và tiến hành từ sớm, có tầm nhìn xa về phát triển biển đảo lâu dài. Trên cơ sở đó, Đề án "Nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng phục vụ cho các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025" sẽ được Bộ Xây dựng triển khai thực hiện.
Theo Bộ Xây dựng, thời gian tới, sẽ có chính sách khả thi nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế ở ven biển và hải đảo. Điều kiện hạ tầng tốt sẽ khuyến khích dân cư ra sinh sống trên đảo. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật là rất quan trọng và cần thiết.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu của nhóm công trình đặc thù này, Bộ Xây dựng cho rằng, cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng phục xây dựng các công trình ven biển và hải đảo.
Số liệu khảo sát cũng cho thấy, các công trình xây dựng và hạ tầng kỹ thuật ở ven biển, trên đảo sau từ 5-15 năm thường bị ăn mòn và phá hủy, đòi hỏi chi phí lớn cho việc sửa chữa và bảo vệ; chiếm từ 40-70% giá thành xây dựng hoặc phải làm lại.
Do đó, việc nghiên cứu triển khai phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng thích ứng với môi trường xâm thực phục xây dựng các công trình ven biển và hải đảo nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng công trình, kéo dài tuổi thọ công trình, tiết kiệm chí phí đang là nhu cầu, đòi hỏi cấp thiết đối với ngành vật liệu xây dựng hiện nay.
Trên thực tế, hiện đã có nhiều công trình nghiên cứu của các viện chuyên ngành, trường đại học, doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm vật liệu, cấu kiện chống ăn mòn xâm thực, giải pháp thi công cho nhóm công trình ven biển và hải đảo.
Mặc dù vậy, kết quả của từng đề tài, công trình chưa được cập nhật một cách hệ thống để tra cứu, kế thừa sử dụng nhằm đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng trong thực tế cho công trình ven biển, hải đảo.
Mặt khác, hiện vẫn chưa có tài liệu tổng hợp các công trình nghiên cứu về vật liệu xây dựng cho công trình biển đảo ở nước ngoài một cách hệ thống. Từ đó, giúp các nhà khoa học, đơn vị nghiên cứu, nhà quản lý trong nước có thể tiếp cận và kế thừa sử dụng, phát triển vào thực tế tại Việt Nam.
Việt Nam là một trong số quốc gia có bờ biển dài, chịu ảnh hưởng của việc biến đổi khí hậu, thời tiết, mưa, gió bão tần suất ngày càng nhiều và cường độ ngày càng tăng, sức phá hủy kết cấu công trình xây dựng ngày một lớn.
Sự tác động của thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại về kinh tế cho khu vực ven biển và hải đảo. Trong khi đó, con người có xu hướng cải thiện môi trường sống gần gũi thiên nhiên hướng ra biển, phát triển du lịch, phát triển kinh tế biển.
Vì vậy, nhiều địa phương gia tăng xây dựng các công trình ven biển; trong đó, nhiều công trình có giá trị đầu tư cao như: khách sạn, nhà ở cao cấp, cao tầng... nhưng chưa có đầy đủ quy định chuẩn hóa việc sử dụng vật liệu xây dựng ở nơi chịu ảnh hưởng tác động của môi trường biển. Điều này dẫn đến các công trình nhanh bị xuống cấp, bị phá hủy khi gặpthời tiết bất lợi.
Hiện nay, một số chủng loại vật liệu, vật chất tận thu từ nạo vét, chất thải từ các ngành công nghiệp có thể nghiên cứu sử dụng nó làm ra nhiều vật liệu xây dựng sử dụng cho mục đích xây dựng công trình biển đảo nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; góp phần bảo vệ môi trường thay cho việc đổ thải, nhấn chìm ở biển.
Tuy nhiên, cần có chủ trương, chính sách, cơ chế để khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển sản xuất và sử dụng để phát triển vật liệu xây dựng phục vụ cho công trình biển đảo./.