Phát triển vùng nguyên liệu gắn với chế biến chuyên sâu

Ngành nông nghiệp Bình Phước đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ tập trung cao độ trong việc xây dựng nguồn nguyên liệu đạt chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp chế biến chuyên sâu. Cao-su, hồ tiêu, hạt điều và các sản phẩm từ chăn nuôi đang được chế biến, xuất khẩu mỗi năm hàng tỷ USD, đem lại thu nhập cao cho người dân và lợi nhuận ổn định cho doanh nghiệp.

Công nhân Công ty cổ phần Hà Mỵ (huyện Ðồng Phú, tỉnh Bình Phước) phơi hạt điều.

Công nhân Công ty cổ phần Hà Mỵ (huyện Ðồng Phú, tỉnh Bình Phước) phơi hạt điều.

Bình Phước là địa bàn chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ nên có địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp cho phát triển cây trồng, vật nuôi. Tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng nhằm phát huy tiềm năng, giá trị và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Hình thành các vùng chuyên canh

Tại các huyện (Bù Gia Mập, Bù Ðăng, Ðồng Phú) có đất rộng, địa hình dốc, Bình Phước đã xây dựng các vùng chuyên canh cây điều với diện tích 140.000ha. Các vùng đất ven sông Bé, thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc thị xã Bình Long, các huyện Lộc Ninh, Bù Ðốp, Phú Riềng có địa hình bằng phẳng, nguồn nước rất thuận lợi, tỉnh đã xây dựng vùng chuyên canh với diện tích 15.000ha cây ăn quả (sầu riêng, bưởi, mít, chuối bơ…). Ðồng thời, quy hoạch, đầu tư vùng nuôi an toàn dịch bệnh với quy mô 3 triệu con lợn và 20 triệu con gia cầm.

Ông Trương Văn Ðảo ở xã Phước Tín, thị xã Phước Long nhờ thực hiện quy trình trồng, chăm sóc cây sầu riêng theo hướng hữu cơ nên nhiều năm nay, trái sầu riêng của ông đã có mặt trong hệ thống siêu thị lớn của cả nước. Ông Trương Văn Ðảo cho biết: Khi dịch Covid-19 bùng phát, việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp không ít khó khăn. Ðể khắc phục, tôi đã đầu tư xây dựng hệ thống máy cấp đông và sơ chế, chế biến sâu sản phẩm. Nhờ cách làm này, thương hiệu sầu riêng của gia đình được thị trường trong nam, ngoài bắc đón nhận.

Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, hiện tỉnh còn khoảng 80% nhóm sản phẩm nông sản khác đang được nông dân bán thô, bán tươi ngay tại vườn; một số loại nông sản được thu hoạch khi chưa đủ độ chín, không qua sơ chế và không được áp dụng các biện pháp bảo quản phù hợp dẫn đến chất lượng sản phẩm không cao, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu nông sản Bình Phước trên thị trường. Trong thời gian tới, hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh cần được phát triển một cách đồng bộ, vững chắc và hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị sản xuất, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản phải được thực hiện một cách đồng bộ trong các khâu của chuỗi giá trị, từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm tổn thất sau thu hoạch.

Ðể thực hiện được nhiệm vụ nêu trên, cần phát triển đồng bộ các cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ một số mô hình điểm trình diễn trong sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhằm từng bước thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Vận động nông dân tham gia chuỗi giá trị trong từng sản phẩm từ các khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến đến phân phối, tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại kết hợp cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế và bảo quản. Ðặc biệt là thu hút đầu tư, nhất là trong việc phát triển các hệ thống, nhà máy sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh.

Chú trọng chế biến chuyên sâu

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền, tỉnh đã tái cấu trúc ngành hàng, lĩnh vực, sản phẩm theo hướng chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng; trong đó, trọng tâm là chế biến hạt điều, gỗ và thực phẩm là những lợi thế riêng của tỉnh.

Cụ thể, chế biến hạt điều là một trong những lĩnh vực được doanh nghiệp đầu tư máy móc hiện đại để chế biến chuyên sâu theo phương châm “hạt điều tại Bình Phước được thu mua và chế biến để đưa đến bữa ăn người tiêu dùng”. Ðược mệnh danh là trung tâm chế biến hạt điều số 1 thế giới, đến nay toàn tỉnh có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất, nhập khẩu sản phẩm từ hạt điều, chiếm 70% số doanh nghiệp và chiếm 50% đến 80% năng lực chế biến hạt điều của cả nước và đóng góp vào GRDP hằng năm của tỉnh khoảng 11%.

Ðể có nguồn nguyên liệu “sạch”, nhiều doanh nghiệp đã liên kết với hợp tác xã nông nghiệp cùng nông dân trồng điều và bao tiêu sản phẩm. Hợp tác xã nông nghiệp sạch Hòa Phú (xã Bù Nho, huyện Phú Riềng) thành lập đầu năm 2021 với tổng diện tích vườn cây hơn 300ha, trong đó phần lớn là điều đang cho thu hoạch. Sau khi thành lập, hợp tác xã đã liên kết với Công ty TNHH một thành viên Hạt Ðiều Vàng (xã Bù Nho, Phú Riềng) xây dựng vùng nguyên liệu “sạch” bảo đảm cung ứng cho công ty sản xuất.

Giám đốc Công ty Hạt Ðiều Vàng Vũ Mạnh Tùng cho biết: Chúng tôi liên kết với nông dân để có nguồn nguyên liệu tốt, từ đó mới có sản phẩm tốt (bốn sản phẩm đạt chứng chỉ OCOP 4 sao, ba sản phẩm đang làm hồ sơ trình các cấp để đạt chứng nhận chứng chỉ OCOP 5 sao) xuất khẩu ra thế giới.

Từ năm 2015, Công ty cổ phần Hà Mỵ (huyện Ðồng Phú, Bình Phước) đã có ý thức xây dựng vùng nguyên liệu hạt điều cho riêng mình. Ngoài việc hỗ trợ nông dân cây giống, công ty xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây điều hữu cơ và phát sổ nhật ký ghi chép cho nông dân để truy xuất nguồn hạt điều. Nhờ đó, đến nay doanh nghiệp có hàng trăm héc-ta điều nguyên liệu.

Bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ cho biết: Mặc dù, có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trong quá trình trồng, chăm sóc cây điều; khi điều đạt chất lượng công ty thu mua cao hơn thị trường 3.000 đồng/kg nhưng chúng tôi chỉ thu mua được khoảng 20% nguyên liệu để sản xuất, nên sẽ mở rộng vùng trồng theo hướng chất lượng để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người trồng cũng như của công ty.

Bình Phước có khoảng 300.000ha diện tích trồng điều, cao-su và khoảng 5.000ha rừng trồng; hằng năm có hàng nghìn héc-ta đến kỳ thanh lý. Ðây là nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Theo thống kê, tỉnh Bình Phước có khoảng 300 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có 10 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, đóng góp vào nguồn thu ngân sách tỉnh Bình Phước hơn 400 tỷ đồng. Các sản phẩm gỗ của Bình Phước được chế biến thành sản phẩm viên nén, ván lạng, ván MDF (lớn nhất Ðông Nam Á), gỗ xẻ hộp… và xuất đi thị trường châu Âu, châu Á.

Hiện nay, ngành chăn nuôi ở Bình Phước cũng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương và phát triển chăn nuôi toàn diện, hiệu quả, bền vững gắn với phát triển các chuỗi giá trị. Từ năm 2019, bắt đầu hình thành chuỗi sản xuất thịt gà từ nhà máy thức ăn, con giống, trang trại chăn nuôi gà thương phẩm, nhà máy giết mổ, chế biến sản phẩm xuất khẩu hình thành trên phạm vi sáu huyện, thị xã, thành phố. Cuối năm 2020 đã có lô thịt gà chế biến đầu tiên xuất khẩu đi Hồng Công (Trung Quốc); đến nay đã mở rộng sang thị trường Nhật Bản và một số nước trong khu vực châu Á.

Với những chính sách ưu tiên về phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp đã phát huy được thế mạnh các sản phẩm nông nghiệp Bình Phước. Nhờ đó, các sản phẩm từ chăn nuôi, các cây trồng chủ lực và nguồn gỗ từ cây công nghiệp được chế biến chuyên sâu đem lại giá bán cao, mang lại thu nhập cao cho nhà nông, doanh nghiệp và Nhà nước. Bình Phước đang đặt mục tiêu đến năm 2025 các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của tỉnh có tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2,5 tỷ USD/năm và đến năm 2030 đạt 3,5 tỷ USD/năm.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-vung-nguyen-lieu-gan-voi-che-bien-chuyen-sau-post741789.html