Phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của các ngành, địa phương, thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ở thị xã Phú Thọ có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi - thủy sản, giảm tỉ trọng ngành trồng trọt và hướng tới hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao.

HTX nông nghiệp Trường Thịnh trồng chuyên canh các loại rau, củ, quả theo hướng sản xuất hàng hóa.

HTX nông nghiệp Trường Thịnh trồng chuyên canh các loại rau, củ, quả theo hướng sản xuất hàng hóa.

Năm 2023, giá trị sản phẩm bình quân trên một hec-ta đất canh tác và nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thị xã ước đạt 126 triệu đồng, tăng 14,5% so năm 2020. Cơ cấu sản xuất có sự chuyển dịch mạnh mẽ, phát triển theo chiều sâu, chuyển đổi từ “lượng” sang “chất”; bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Hà Thạch, vùng rau an toàn áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP tại phường Phong Châu, sản xuất, chế biến chè gắn với tiêu thụ sản phẩm tại xã Phú Hộ, trồng chuối xuất khẩu tại xã Thanh Minh.

Là vùng chuyên canh rau, củ, quả lâu đời nhất tại thị xã Phú Thọ, tại làng Phú Lợi, phường Trường Thịnh người dân sản xuất quanh năm theo quy mô tập trung trên diện tích đất khoảng tám hec-ta chuyên canh. Ông Vũ Xuân Phượng - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Trường Thịnh cho biết: Trước đây, người dân chủ yếu trồng theo phương thức truyền thống với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa chú trọng đến chất lượng nên giá trị sản phẩm chưa cao. Sau khi thành lập HTX, người dân đã liên kết tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và sơ chế rau sau thu hoạch đúng quy trình nên chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt, đồng thời tổ chức liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp cho đầu ra ổn định. Hiện nay HTX có gần 60 hộ thành viên tham gia liên kết sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ, trong đó có hai sản phẩm là cà chua và rau cải ngọt Trường Thịnh đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Trong với lĩnh vực chăn nuôi, thị xã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát sang chăn nuôi trang trại, gia trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn, vệ sinh an toàn thực phẩm. Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Thị xã hiện có trên 34.000 con lợn, khoảng 470 nghìn con gia cầm... Năm 2023, tổng sản lượng thịt hơi xuất bán các loại 10.500 tấn, phấn đấu đến năm 2025 tăng khoảng 10%. Bên cạnh đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng được chú trọng, phát triển theo hướng thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ và quy trình thực hành nuôi tốt VietGAP, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các đối tượng nuôi như tôm càng xanh, cá chép lai V1, cá diêu hồng... đẩy mạnh chuyển đổi diện tích ruộng trũng, kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản...

Thị xã cũng chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm đặc trưng, đặc sản địa phương gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ năm 2021 đến nay, đã có tám sản phẩm của bốn chủ thể được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có hai sản phẩm được công nhận 4 sao và sáu sản phẩm 3 sao. Ngoài ra, thị xã còn có hai chủ thể được xây dựng nhãn hiệu tập thể gắn với phát triển sản phẩm OCOP là HTX sản xuất và chế biến chè Phú Thịnh, HTX nông nghiệp Trường Thịnh. Thị xã đề ra mục tiêu đến năm 2025, tổng diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 1.670ha, sản lượng ước đạt gần 10.000 tấn; giá trị sản phẩm bình quân trên đơn vị diện tích canh tác và nuôi trồng thủy sản ước đạt trên 135 triệu đồng/ha, phấn đấu có thêm bảy sản phẩm OCOP được công nhận.

Ông Mai Tiến Mạnh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Để đạt được mục tiêu đã đề ra và hướng tới sản xuất nông nghiệp xanh, an toàn, xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, sản xuất theo theo chuỗi giá trị gắn với chế biến, bảo quản để kiểm soát sản phẩm, thời gian tới, thị xã tiếp tục ưu tiên thực hiện các giải pháp đồng bộ, phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững trên cơ sở tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phát huy tối đa các lợi thế của địa phương; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó, thị xã đẩy mạnh công tác đào tạo, đổi mới dạy nghề, phát triển các dịch vụ phục sản xuất nông nghiệp; chú trọng đổi mới, nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp, HTX tham gia hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là tại các vùng sản xuất tập trung. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông sản có thế mạnh.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kinh-te/phat-trien-vung-san-xuat-hang-hoa-tap-trung/208789.htm