Phát triển vườn mẫu ở Kim Thạch
Qua 3 năm thực hiện, đến nay, xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh có 19 vườn mẫu nông thôn mới được công nhận. Việc xây dựng vườn mẫu đã trở thành phong trào rộng khắp, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn ở địa phương này ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Khu vườn của gia đình ông Dương Văn Thọ, bà Nguyễn Thị Năm ở thôn Hương Nam là một trong những khu vườn mẫu điển hình ở xã Kim Thạch.
Trước đây, vườn của gia đình ông Thọ chủ yếu trồng cây hồ tiêu, nhưng sau này, cây tiêu bị bệnh chết dần, vợ chồng ông Thọ đã trồng xen đủ các loại cây trồng nhưng thu nhập không đáng kể.
Ông Thọ chia sẻ: “Hồ tiêu là cây trồng truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, do trồng lâu năm, đất đai thoái hóa, cằn cỗi lại có mầm bệnh sẵn nên sau đó tôi trồng mới nhiều lần cây hồ tiêu ở khu vườn này vẫn thất bại. Sau khi nghiên cứu chuyển cây hồ tiêu ra trồng ở vùng đất sản xuất hoa màu tập trung của thôn, vợ chồng tôi bận chăm sóc vườn tiêu mới nên không chú tâm đến kinh tế vườn. Có thời điểm trong vườn trồng đủ loại cây nhưng không có cây gì hiệu quả”.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng vườn mẫu do địa phương phát động, ông Thọ bắt đầu tìm hiểu các mô hình trồng trọt. Từ năm 2019, ông đã ra vùng trồng cây ăn quả ở Nghệ An để tham quan mô hình, học hỏi kinh nghiệm và tìm nguồn giống cây.
Sau chuyến đi này, ông Thọ quyết tâm đầu tư kinh phí để cải tạo, quy hoạch lại khu vườn thành từng khu vực riêng để trồng các loại cây ăn quả như quýt, na, dứa; xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, dê. Ngoài ra, ông còn bố trí một khu vực được chia thành từng luống để trồng các loại cây rau màu theo mùa.
Nhờ bố trí, sắp xếp khoa học khu vườn không chỉ ngăn nắp, sạch sẽ mà còn tận dụng được tối đa diện tích đất, thu nhập tăng lên rõ rệt. Theo tính toán của vợ chồng ông Thọ, từ ngày cải tạo lại vườn, mỗi năm nguồn thu từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại cho gia đình ông gần 100 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Viết Đảo, Trưởng thôn Roọc, xây dựng vườn mẫu theo quy định cần đầu tư chi phí lớn, thôn, xã không có nguồn để hỗ trợ hộ gia đình thực hiện nên ông quyết định xây dựng vườn của gia đình mình thành vườn mẫu cho người dân trong thôn học tập làm theo.
Để thực hiện, ông Đảo đã đầu tư 220 triệu đồng cải tạo toàn bộ diện tích khu vườn rộng khoảng 1.000 m2 để trồng cây hồ tiêu. Khu vườn được bao bọc bởi hàng rào cây xanh, có hệ thống tưới tiết kiệm, rãnh thoát nước và đường kết nối các khu vực sản xuất trong vườn nên rất thuận lợi, sạch sẽ, mùa mưa không còn cảnh lầy lội khi đi lại giữa vườn, không ảnh hưởng đến cây trồng.
Để tạo thêm nguồn thu, ông còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, tận dụng nguồn phân bón ủ bón cho cây trồng trong vườn, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường. Vườn ông Đảo hiện đạt 5/5 tiêu chí của vườn mẫu (diện tích, bố trí sắp xếp vườn; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; sản phẩm từ vườn; môi trường - cảnh quan; thu nhập), được UBND huyện Vĩnh Linh công nhận đạt vườn mẫu năm 2024.
Ông Nguyễn Tấn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thạch cho hay, xác định xây dựng vườn mẫu đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nên địa phương đã chủ động triển khai kế hoạch, hỗ trợ, động viên người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu. Quá trình thực hiện, xã Kim Thạch đã chỉ đạo các hội, đoàn thể, các thôn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân đăng ký tham gia.
Trên cơ sở hồ sơ đăng ký của các thôn, xã thành lập các tổ thẩm định mức độ đạt chuẩn từng tiêu chí, chỉ tiêu theo bộ tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới của tỉnh. Từ đó có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện phê duyệt.
Để công tác thẩm tra thực tế các tiêu chí vườn mẫu nông thôn mới ở địa phương thực chất, không chạy theo thành tích, đảm bảo sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng vườn mẫu, quá trình thực hiện xã luôn tuân thủ đúng quy định về hồ sơ, văn bản chứng minh cũng như kiểm tra thực tế các hạng mục, công trình, nội dung thực hiện của hộ dân.
“Địa phương cũng định hướng người dân lựa chọn cây, con chủ lực phù hợp với địa phương; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã vừa giúp nhau phát triển sản xuất, vừa tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Đồng thời khuyến khích nông hộ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, vệ sinh môi trường... Nhờ vậy, phong trào xây dựng vườn mẫu ở xã Kim Thạch được người dân hưởng ứng tích cực. Năm 2024, toàn huyện Vĩnh Linh có 21 vườn được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu nông thôn mới, riêng xã Kim Thạch có 6 vườn”, ông Thủy cho biết thêm.
Theo tính toán, mỗi mô hình vườn mẫu trên địa bàn xã Kim Thạch mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hộ dân từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Thực tế cho thấy, mô hình vườn mẫu nông thôn mới đang phát huy hiệu quả tích cực tại địa phương này.
Việc xây dựng vườn mẫu góp phần chuyển đổi từ vườn tự cung, tự cấp sang vườn kinh doanh; nhiều loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao đã được người dân xã Kim Thạch đưa vào sản xuất thay thế các loại cây trồng kém hiệu quả.
Cũng từ phong trào xây dựng vườn mẫu, nông dân từng bước sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, có liên kết trong tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế, đồng thời tạo diện mạo mới cho các làng quê.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phat-trien-vuon-mau-o-kim-thach-190648.htm