Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các FTA thế hệ mới
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 chính là duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5%-10% cho nhóm mặt hàng chủ lực thông qua trực tiếp nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại.
Sáng 16/12, Bộ Công Thương đã tổ chức "Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2020", nhằm triển khai Quyết định số 2124 của Bộ trưởng Công Thương về "Kế hoạch hoạt động Xúc tiến thương mại giai đoạn 2020-2025 góp phần phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các hiệp định thương mại tự do".
Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2020 có sự góp mặt của hơn 200 đại biểu đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số Bộ, ngành, cơ quan liên quan; UBND tỉnh/thành phố, các Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại (XTTM) các địa phương; các cơ quan nghiên cứu kinh tế, tổ chức XTTM; các Hiệp hội ngành hàng; các doanh nghiệp xuất khẩu/ có tiềm năng xuất khẩu, các nhà phân phối.
Vai trò, hiệu quả của hoạt động xúc tiến xuất khẩu trong 5 năm qua
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (XTTM) đã đạt được các kết quả tích cực, thực hiện tốt vai trò định hướng của nhà nước trong việc tập hợp, dẫn dắt, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các nội dung xúc tiến thương mại đa dạng, phong phú, có hiệu quả.
Bên cạnh đó, hoạt động này đã góp phần đáng kể cho tăng trưởng và mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia trên thế giới. Chương trình cấp quốc gia cũng nâng cao năng lực cho các tổ chức XTTM và hiệp hội ngành hàng, khẳng định vai trò hỗ trợ của chính phủ cho hoạt động xuất khẩu.
Tuy nhiên, hoạt động XTTM vẫn chưa có nhiều hình thức hiện đại và đổi mới. Quy mô các hoạt động xúc tiến xuất khẩu còn nhỏ so với các nước trong khu vực, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết.
Không chỉ vậy, chưa nhiều hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM đầu tư, nghiên cứu thay đổi cách thức triển khai hoạt động XTTM nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng phục vụ doanh nghiệp. Kinh phí hỗ trợ thực hiện XTTM phát triển xuất khẩu được ngân sách nhà nước cấp còn hạn chế, chỉ đáp ứng được 30% so với nhu cầu.
Năng lực tổ chức và nguồn lực của các hiệp hội cũng như chính các doanh nghiệp chưa thực sự theo kịp yêu cầu của thị trường thế giới. Ngoài ra, các tổ chức vẫn chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM với các nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành có liên quan.
Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi EVFTA, CPTPP và các FTA
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, mục tiêu trong giai đoạn 2020-2025 chính là duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 5%-10% cho nhóm mặt hàng chủ lực thông qua trực tiếp nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, cần phối hợp với các ngành hàng để hướng dẫn, gián tiếp nâng cao chất lượng sản phẩm được xúc tiến, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu, kim ngạch và thị phần xuất khẩu của ngành hàng, từng bước khẳng định vị trí của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cụ thể, các nội dung, hoạt động chính về XTTM trong giai đoạn 5 năm tới sẽ bao gồm: Kết hợp tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức cho hoạt động XTTM, đẩy mạnh ứng dụng CNTT; mỗi thị trường lớn, trọng điểm: Hàng năm thực hiện tối thiểu 2-3 hoạt động XTTM tại thị trường và 1 hoạt động đón đoàn mua hàng cho 5 ngành hàng/mặt hàng trọng điểm.
Mỗi thị trường mới: hàng năm thực hiện 1 hoạt động XTTM tại thị trường và 1 đoàn khách mua hàng vào Việt Nam; dẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu, quảng bá ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của vùng, miền. Tập trung thực hiện quảng bá sâu rộng tối thiểu mỗi năm 3-5 ngành hàng vào các thị trường trọng điểm theo chu kỳ 3 năm liên tiếp.
Theo ông Vũ Bá Phú, nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ là tổ chức hướng dẫn các đơn vị chủ trì cách thức phân tích tiềm năng xuất khẩu, lựa chọn thị trường mục tiêu, lập chiến lược/kế hoạch phát triển xuất khẩu trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các đơn vị cập nhật kế hoạch phát triển XK, phân tích tình hình thị trường, rà soát thị trường mục tiêu để lựa chọn thị trường và phương thức XTTM phù hợp, xây dựng đề án; điều phối, phối hợp hướng dẫn xây dựng, đề xuất đề án hàng năm; lựa chọn đề án, ưu tiên các đề án thể hiện sự phối hợp đa dạng hoạt động, huy động được đa dạng đối tượng tham gia và nguồn lực đóng góp, đánh giá kỹ năng lực thực hiện của đơn vụ chủ trì.
Đối với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại, cần xây dựng chiến lược/kế hoạch phát triển xuất khẩu, lựa chọn thị trường, ngành hàng sản phẩm có thế mạnh/tiềm năng; xây dựng đề án chặt chẽ, rõ ràng từ khâu lựa chọn doanh nghiệp, lựa chọn sản phẩm, luôn bổ sung ý tưởng, sáng kiến mới trong hoạt động xúc tiến thương mại;
Phối hợp với các chương trình, nguồn lực khác để triển khai: Chuẩn bị hàng hóa, trang bị kiến thức, kỹ năng chuyên môn; xây dựng và triển khai cơ chế giám sát, chăm sóc khách hàng/đối tác sau các hoạt động xúc tiến thương mại đầy đủ, rõ ràng.
Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia cũng cần cùng nghiên cứu thị trường, đầu tư kinh phí cũng như nâng cao năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm, khả năng cung ứng theo nhu cầu thị trường quốc tế.