Phật tử phải nhìn nhận khổ đau để diệt trừ si vọng

Nhận thức sáng có thể lu mờ nếu con người tự mãn túc một cách dễ dàng trong một ít chiều đãi và thỏa mãn của xã hội, của tiện nghi vật chất. Và như vậy là si vọng thắng cuộc.

Người Phật tử phải tình nguyện mang đạo Phật đi sâu vào cuộc đời để làm vơi bớt khổ đau cho cuộc đời, không có quyền tự mãn trong một cuộc sống tầm thường với những tiện nghi tầm thường để rồi mắc kẹt trong những thỏa mãn tầm thường mà bỏ quên mất chí hướng.

 Ảnh: RDNE.

Ảnh: RDNE.

Mọi khổ đau của cuộc đời bắt nguồn từ si mê và dục vọng; người Phật tử phải can đảm nhìn nhận nơi cuộc đời và chính nơi bản thân mình những tính chất si vọng đó để cương quyết diệt chúng tới tận gốc rễ. Nhưng không phải nhìn nhận cuộc đời khổ đau si vọng để mà chán nản và buông xuôi hai tay.

Phải phát ý nguyện rộng lớn, phải có ước vọng cao cả. Ý nguyện rộng lớn ấy, ước vọng cao cả ấy là bản chất của những cuộc đời lý tưởng Bồ tát linh động và tích cực, nuôi dưỡng cho ý nguyện ấy và ước vọng ấy là nhận thức thường xuyên về khổ đau hiện thực của kiếp người.

Một người sống trong nghèo khó, không bao giờ được đi xe hơi, phải nép bên đường, ngửi bụi, tránh bùn nước văng vào áo khi xe hơi đi qua, có thể bất mãn thù hằn những con người ngạo mạn ngồi trên xe hơi kia. Nhưng nếu người nghèo khó ấy bước lên thang danh vọng, đi đâu cũng đi toàn bằng xe hơi, thì một ngày kia hắn sẽ có thể thấy rằng ngớ ngẩn nhất và ngu ngốc nhất là những con người đi bộ, nghênh ngang chẳng thèm coi xe hơi của mình vào đâu cả.

Nhân sinh quan của con người có thể thay đối, những nhận thức sáng của con người có thể lu mờ nếu con người tự mãn túc một cách dễ dàng trong một ít chiều đãi và thỏa mãn của xã hội, của tiện nghi vật chất. Và như vậy là si vọng thắng cuộc.

Ý thức trường cửu về "đệ nhất khổ đế" giúp cho người Phật tử nhận định chân xác lập trường của mình và mở một chiến tuyến chống si vọng đừng để si vọng thầm lén xâm nhập nội tâm làm động cơ cho mọi hành động. Người Phật tử xuất gia phải sống theo nếp sống "tam thường bất túc" mà Đức Phật đã quy định, lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, lấy nhân loại khổ đau làm đối tượng hành đạo.

Thích Nhất Hạnh/Thaihabooks/NXB Văn hóa dân tộc

Nguồn Znews: https://znews.vn/phat-tu-phai-nhin-nhan-kho-dau-de-diet-tru-si-vong-post1486138.html