Sai lầm trong sinh hoạt ảnh hưởng đến cơ xương khớp

Các bệnh cơ xương khớp đang có xu hướng trẻ hóa. Một trong những nguyên nhân gây bệnh có thể do sai lầm trong sinh hoạt, vận động, chế độ ăn uống.

Bệnh cơ xương khớp là tình trạng suy yếu chức năng của hệ thống cơ, xương, khớp, dây chằng và thần kinh. Người bệnh sẽ bị đau, giảm khả năng di chuyển, gây trở ngại trong sinh hoạt hằng ngày và giảm chất lượng cuộc sống.

Sai lầm trong sinh hoạt, vận động, chế độ ăn uống có thể là nguyên nhân gây bệnh cơ xương khớp.

Sai lầm trong sinh hoạt, vận động, chế độ ăn uống có thể là nguyên nhân gây bệnh cơ xương khớp.

Những bệnh cơ xương khớp hay gặp

Thoái hóa khớp. Đây là bệnh lý xương khớp xảy ra khi phần sụn khớp và xương dưới sụn ở khớp bị tổn thương, dẫn đến các phản ứng viêm và tình trạng tràn dịch khớp. Nguyên nhân phổ biến của thoái hóa khớp là tuổi tác và một số yếu tố khác như di truyền, tình trạng béo phì, chấn thương xảy ra thường xuyên tại khớp, tai nạn thể thao, tai nạn lao động, các bệnh lý khớp viêm như viêm khớp dạng thấp, gout hay nhiễm trùng khớp.
Thoát vị đĩa đệm cột sống. Bệnh lý gây ra do tình trạng lớp nhân nhầy ở đĩa đệm tràn ra bên ngoài, chèn ép lên các dây thần kinh, gây ra bệnh rễ thần kinh. Bệnh thường xảy ra cả ở người cao tuổi và ở người trẻ tuổi. Những yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm lão hóa, yếu tố sinh hoạt đặc biệt công việc ngồi lâu, bưng vác đồ nặng và tình trạng thừa cân – béo phì. Thoát vị đĩa đệm cột sống thường xảy ra nhất ở vùng đốt sống chịu lực và cử động nhiều, do đó thoát vị thường xảy ra vùng cột sống thắt lưng và vùng cột sống cổ.
Đau thần kinh tọa. Đây là tình trạng cơn đau lan từ vùng mông xuống dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa.
Viêm khớp dạng thấp. Là một bệnh xương khớp viêm nhiều khớp và có thể ảnh hưởng lên các cơ quan ngoài khớp. Bệnh thường xảy ra ở nữ giới hơn nam giới, độ tuổi thường mắc bệnh là tuổi trung niên. Triệu chứng bệnh thường gặp nhất là sưng, nóng, đau, hạn chế vận động các khớp ở bàn tay, thường đối xứng 2 bên. Người bệnh đau liên tục ban ngày lẫn ban đêm.
Bệnh gout. Bệnh gout xảy ra khi có sự rối loạn chuyển hóa nhân purin trong cơ thể, từ đó làm gia tăng nồng độ axit uric trong máu. Axit uric được hình thành trong cơ thể, được đào thải qua nước tiểu và phân.
Viêm điểm bám gân. Đây là bệnh lý thường gặp trong bệnh cơ xương khớp. Có rất nhiều gân trong cơ thể con người và chúng đều có thể bị viêm. Tuy nhiên, một số gân và điểm bám gân được ghi nhận hay xảy ra viêm trong thực hành lâm sàng như viêm gân ở lòng bàn chân, viêm gân gót, viêm gân cơ chân ngỗng (gân cơ phía dưới gối), viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài và lồi cầu trong xương cánh tay, viêm gân cơ chóp xoay…
Loãng xương là tình trạng xảy ra do giảm khối lượng và chất lượng của xương, làm giảm mật độ xương, tăng nguy cơ gãy xương dù chỉ với chấn thương nhẹ. Tình trạng loãng xương thường xảy ra ở người lớn tuổi, phụ nữ sau mãn kinh, những người suy dinh dưỡng, sử dụng corticoid kéo dài… Bệnh có thể diễn biến âm thầm, không có triệu chứng lâm sàng đặc trưng.

Những sai lầm trong sinh hoạt ảnh hưởng đến cơ xương khớpĂn nhiều dưa muối. Dưa muối chứa một lượng lớn natri. Các ion natri trong muối vào cơ thể vượt quá mức tiêu chuẩn làm giảm khả năng hấp thụ canxi. Đồng thời, chúng khiến các tế bào khớp tích trữ muối urat, tăng nguy cơ mắc bệnh gout, gây sưng đau. Ngoài dưa muối, mọi người cũng nên hạn chế các thực phẩm chứa hàm lượng muối cao khác như nước tương, cá muối, thịt xông khói, xúc xích...
Dùng nhiều đồ uống có gas. Đồ uống có gas chứa axit photphoric làm giảm hấp thụ canxi trong cơ thể, có thể khiến xương suy yếu. Nhiều loại nước ngọt có gas cũng chứa lượng đường cao, có thể gây viêm và giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Ăn nhiều thịt mỡ. Thịt mỡ chứa một lượng lớn protein và chất béo, nếu ăn quá nhiều khiến cơ thể nạp một lượng calo vượt quá tiêu chuẩn. Hàm lượng cholesterol cao có thể dẫn tới béo phì, gây căng thẳng cho các cơ quan khác nhau của cơ thể, tăng gánh nặng cho xương khớp.
Tiêu thụ chất béo quá nhiều còn khiến gan tiết ra một lượng lớn mật, ảnh hưởng đến hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này cũng không có lợi cho sức khỏe của xương, bao gồm tăng khả năng bị giòn xương.
Ăn nhiều nội tạng động vật. Nội tạng động vật chứa nhiều purine, cholesterol và chất béo bão hòa khiến axit uric tăng, dẫn đến bệnh gout. Gan có thể chứa độc tố, kim loại nặng.
Lạm dụng rượu bia, chất kích thích. Chất kích thích như rượu, bia ảnh hưởng đến khớp do gây viêm, giảm hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết, tổn thương sụn, tăng cân, mất nước và suy yếu hệ miễn dịch. Những yếu tố này làm suy yếu cấu trúc khớp, gây đau, sưng và thoái hóa khớp.

Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện bệnh về cơ xương khớp.

Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện bệnh về cơ xương khớp.

Lời khuyên của thầy thuốc

Cần duy trì sức khỏe xương khớp sau tuổi 30 tuổi bằng cách vận động thường xuyên giúp xương khớp chắc khỏe hơn.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tăng cơ hội hấp thu vitamin D.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện bệnh.
Bạn cần thay đổi liên tục tư thế, tránh ngồi hay đứng quá lâu, hạn chế làm việc quá sức, dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Kiểm soát tốt cân nặng. Nên điều chỉnh cân nặng hợp lý nhằm giảm bớt sức nặng lên khớp.

BS. Đào Thu Hằng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sai-lam-trong-sinh-hoat-anh-huong-den-co-xuong-khop-169240826114057551.htm