Phẫu thuật tạo hình cho người phụ nữ 10 năm bị lở loét vùng cùng cụt
10 năm trước bệnh nhân bị ung thư tầng sinh môn phải tiến hành xạ trị. Sau xạ trị và sử dụng thuốc điều trị nội khoa, bệnh nhân đã vượt qua được ung thư nhưng vùng cùng cụt bị nhiễm trùng, lở loét da.
TS.BS Nguyễn Văn Thanh, Khoa Phẫu thuật - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết các bác sĩ tại đây vừa tiến hành phẫu thuật tạo hình cho người phụ nữ 67 tuổi bị lở loét vùng cùng cụt suốt 10 năm sau điều trị ung thư.
Theo đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng có một vết loét rất lớn ở vùng cùng cụt kích thước khoảng 8x14cm. Khai thác bệnh sử của bác sĩ ghi nhận, 10 năm trước bệnh nhân bị ung thư tầng sinh môn phải tiến hành phương pháp xạ trị. Sau xạ trị và sử dụng thuốc điều trị nội khoa, bệnh nhân đã vượt qua được ung thư nhưng vùng cùng cụt của cơ sở bị nhiễm trùng, lở loét da.
Sau đó, dù đã ghép da và đi nhiều cơ sở y tế điều trị vùng lở loét nhưng không thuyên giảm mà còn có biểu hiện nặng hơn. Vết loét khiến bệnh nhân đau đớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, mới đây, bệnh nhân đã đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thăm khám, điều trị do vết loét diễn tiến nặng.
Theo TS Thanh, việc điều trị ung thư của bệnh nhân đã cho kết quả rất tốt. Tuy nhiên, khi xạ trị tia xạ còn tiêu diệt cả tế bào lành tính, khiến bề mặt da và một phần xương cùng cụt bị tổn thương. Tác dụng không mong muốn của xạ trị đã khiến bệnh nhân phải sống chung với cơ thể lở loét ở vùng cùng cụt suốt 10 năm.
Tại bệnh viện, sau thăm khám, hội chẩn các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật tạo hình, dùng vạt da - cân cơ tại chỗ có nhánh mạch máu nuôi là động mạch đùi sau và động mạch mông dưới. Ê kíp đã sử dụng các phương tiện vi phẫu nối các mạch máu, che phủ vết thương bằng vạt da sau khi cắt rộng ổ loét do tổn thương tia xạ giúp bệnh nhân phục hồi.
TS Thanh cho biết vạt da sau khi chuyển đã được các mạch máu nuôi tốt và có đủ độ dày để chịu được tỳ đè sau này cho bệnh nhân ở tư thế nằm. Việc sử dụng các vạt da có cuống mạch nuôi với kỹ thuật vi phẫu đã được ứng dụng trong các phẫu thuật vùng đầu, mặt, cổ ở bệnh nhân có tổn thương ung thư phải cắt rộng giúp che phủ các vết khuyết hổng đồng thời tạo hình thẩm mỹ cho người bệnh.