Phê duyệt chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào năm 2025

Đây là chỉ đạo đáng chú ý của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong quyết định phê duyệt kế hoạch chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

 Hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào năm 2025. (Ảnh minh họa)

Hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vào năm 2025. (Ảnh minh họa)

Theo đó, đối với đường sắt hiện có, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn tuyến, ga đường sắt trên các tuyến đường sắt hiện có đã được xác định nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; các dự án bảo đảm an toàn giao thông.

Đối với các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải lập danh mục để kêu gọi đầu tư.

Với các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giai đoạn sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu báo cáo để chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm hơn.

Đối với đường sắt mới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án); tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ; các tuyến đường sắt kết nối với đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, kết nối cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải; tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay quốc tế Long Thành; tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng kết nối với cảng biển quốc tế Lạch Huyện); xây dựng mới đoạn tuyến đường sắt nối ray Ga Lào Cai với Ga Hà Khẩu Bắc, kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc và một số nước; chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân.

Với các tuyến đường sắt có tiến trình đầu tư trước năm 2030, chưa xác định được nguồn vốn đầu tư, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải lập danh mục để kêu gọi đầu tư.

Đối với đường sắt trong khu đầu mối TP. Hà Nội, Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải bàn giao hồ sơ dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi cho UBND TP. Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đầu tư; chủ trì, phối hợp với UBNF TP. Hà Nội, các địa phương liên quan triển khai nghiên cứu phương án tổ chức vận tải trong khu đầu mối; xác định lộ trình đầu tư Khu tổ hợp Ngọc Hồi, tuyến đường sắt vành đai phía Đông để thống nhất thời điểm bàn giao các đoạn đường sắt quốc gia cho UBND TP. Hà Nội đầu tư.

Đối với các tuyến đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia, Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai đầu tư tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực.

Theo kế hoạch, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2050 dự kiến là 25.836ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 là 16.377ha quỹ đất tăng thêm so với hiện nay là 5.644ha.

Thủ tướng cũng yêu cầu huy động mọi nguồn lực thực hiện đầu tư các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư kèm theo quyết định này. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025, bố trí 15.924 tỷ đồng từ nguồn đầu tư công cho lĩnh vực đường sắt để thực hiện các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong kỳ trung hạn; khởi công mới một số dự án và chuẩn bị đầu tư các dự án của kỳ trung hạn tiếp theo. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư các dự án đường sắt theo quy hoạch.

Giai đoạn 2026 - 2030, dự kiến nhu cầu khoảng 224.076 tỷ đồng, huy động từ nguồn vốn đầu tư công (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương) và vốn hợp pháp khác để đầu tư theo danh mục kế hoạch chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư của kỳ kế hoạch 2021 - 2030.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất về 2 phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Trong đó, phương án 1 là nâng cấp tuyến đường sắt hiện có thành đường đôi khổ 1.435mm (hiện là khổ đơn 1.000mm) để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tàu khách tối đa 180km/h, tàu hàng tối đa 120km/h. Tổng mức đầu tư khoảng 42 tỷ USD.

Phương án 2 là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435mm để vận tải hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180-225km/h, chi phí đầu tư khoảng 64,8 tỷ USD.

Ưu điểm của phương án này là sẽ hình thành tuyến đường sắt mới để vận tải hành khách và hàng hóa có năng lực lớn; không làm gián đoạn vận tải đường sắt khi đầu tư xây dựng tuyến mới... và nhược điểm là chi phí đầu tư cao, thời gian đầu tư dài, khả năng huy động nguồn lực khó khăn.

Đánh giá về 2 phương án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương án 2 do Bộ Giao thông Vận tải đề xuất là cơ bản phù hợp với dải tốc độ khai thác được đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ.

Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ cũng như có đủ thông số, dữ liệu làm sáng tỏ tính khả thi dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện.

Về tổng mức đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp. Nguồn vốn đầu tư sẽ được huy động từ đấu giá đất tại các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và vốn đầu tư tư nhân.

Về mô hình thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị triển khai theo hình thức PPP. Trong đó, đối tác công (Công ty Đầu tư và Quản lý hạ tầng đường sắt tốc độ cao) sẽ huy động vốn đầu tư công và quản lý xây dựng hạ tầng; bảo trì và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng; điều hành vận tải trên toàn hệ thống. Đối tác tư (Công ty Đầu tư và Quản lý khai thác đường sắt tốc độ cao) có trách nhiệm huy động vốn đầu tư phương tiện vận tải và các nhà ga cao tầng.

Chí Bình

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/phe-duyet-chu-truong-dau-tu-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-vao-nam-2025-20180504224283277.htm