Phế liệu đồng Mỹ chật vật tìm lối ra giữa cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Một núi phế liệu kim loại ở thành phố Salt Lake, bang Utah, đã không ngừng chất đống trong vài tuần qua, nhưng cuối cùng cũng sắp được giảm bớt nhờ thỏa thuận tạm thời ngừng leo thang căng thẳng trong cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo Bloomberg.

Khoảng 300.000 pound (hơn 136 tấn) đồng phế liệu thu hồi từ máy điều hòa cũ, các công trình bị phá dỡ và xe ô tô han gỉ đã bị chất đống trong kho của công ty Utah Metal Works Inc., sau khi các chuyến hàng phế liệu từ Mỹ tới Trung Quốc bị đình trệ trong cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng. Giờ đây, khi hai nước đã đồng ý hạ thuế trong ba tháng tới, cuộc chạy đua nhằm đưa lượng phế liệu này trở lại lưu thông đã bắt đầu.

Các nhà giao dịch Mỹ như Mark Lewon, chủ tịch của Utah Metal, và các đối tác Trung Quốc đã bắt đầu liên lạc để ký kết các hợp đồng bán hàng và chuẩn bị cho các chuyến hàng. “Điều quan trọng nhất bây giờ là phải di chuyển được số vật liệu này, rồi sau đó chờ xem tình hình sẽ ra sao sau 90 ngày tới,” ông Lewon nói.

Tình trạng gián đoạn trong lĩnh vực phế liệu đồng là một phần trong bức tranh hỗn loạn rộng lớn hơn của các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng. Nó cho thấy rằng các vấn đề trong chuỗi cung ứng do thuế quan áp đặt không thể được giải quyết chỉ bằng một cái bấm công tắc.

Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận ngừng leo thang căng thẳng thương mại kéo dài ba tháng để đàm phán một thỏa thuận rộng lớn hơn. Ông Trump đã cảnh báo rằng thuế quan có thể tăng trở lại nếu hai bên không đạt được thỏa thuận.

Mặc dù sự mất cân đối trong lượng phế liệu đồng dự trữ có thể bắt đầu được giải quyết, các nhà phân tích cảnh báo rằng quá trình này sẽ mất thời gian. Điều này đồng nghĩa với việc chưa thể xác định khi nào cả hai bên sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Kim loại phế liệu tại Mỹ buộc phải bán với mức giá chiết khấu kỷ lục. Trong khi đó, tại Trung Quốc, các nhà chế biến – vốn là những người mua phế liệu Mỹ lớn nhất từ trước đến nay – đã phải vật lộn để tìm đủ nguyên liệu thô.

Ông Darrell Fletcher, giám đốc quản lý hàng hóa tại Bannockburn Capital Markets, cảnh báo rằng dù đã có thỏa thuận tạm ngừng leo thang căng thẳng thương mại, nhưng không ai dám chắc rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ có một cái kết đẹp và bền vững trong vấn đề thương mại. “90 ngày không phải là khoảng thời gian đủ dài để thay đổi kế hoạch đầu tư hay định tuyến lại nguồn hàng hóa,” ông nói.

Đồng là một chỉ số quan trọng của nền kinh tế toàn cầu do được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp. Phế liệu đồng chiếm khoảng 1/3 nguồn cung toàn cầu, đặc biệt khi trữ lượng quặng khai thác ngày càng giảm. Kim loại này là thành phần quan trọng trong thiết bị điện và xe điện, khiến nhu cầu tăng cao và giá các hợp đồng tương lai của đồng đạt mức cao kỷ lục trong 12 tháng qua.

Năm 2024, Mỹ đã xuất khẩu 600.000 tấn phế liệu đồng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, trong đó hơn một nửa được xuất sang Trung Quốc. Nhưng khi dòng chảy thương mại thiết yếu giữa Mỹ và Trung Quốc bị gián đoạn, thị trường phế liệu đã rơi vào khủng hoảng. Giá phế liệu đồng loại 2 của Mỹ đã bị giảm mạnh, với mức chiết khấu kỷ lục là 92,5 cent mỗi pound so với giá tương lai, theo dữ liệu từ Fastmarkets.

Thị trường phế liệu xuất khẩu từ Mỹ tới Trung Quốc đã là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng đồng toàn cầu suốt hàng thập kỷ. Các nhà máy luyện kim ở châu Á, những nơi xử lý đồng quặng và phế liệu thành kim loại tinh khiết, đã nhập khẩu tới 1/5 lượng phế liệu nhập khẩu của họ từ Mỹ trong năm ngoái. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất đồng tinh chế lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu.

Dòng phế liệu trở nên quan trọng hơn trong vài năm qua khi Trung Quốc mở rộng nhanh chóng công suất luyện kim, trong khi nguồn cung quặng khai thác không đáp ứng đủ. Chi phí xử lý quặng – thước đo áp lực tài chính lên các nhà máy – đã giảm mạnh, làm gia tăng lời kêu gọi cắt giảm sản xuất. Bất kỳ dòng phế liệu nào mới từ Mỹ cũng sẽ mang lại sự hỗ trợ cần thiết, nhưng không rõ liệu mức thuế giảm của Trung Quốc với hàng hóa Mỹ có đủ để thúc đẩy dòng phế liệu từ các kho dự trữ tại Mỹ hay không.

Ông Xiao Chuankang, nhà phân tích tại Mysteel Global, nhận định: “Với ngành nhập khẩu phế liệu đồng, biên lợi nhuận thực sự rất mỏng. Vì vậy, việc nhập khẩu phế liệu với bất kỳ mức thuế nào cũng là điều khó khăn.”

Ngoài ra, cấu trúc giá của phế liệu đồng Mỹ cũng ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa này, theo ông Charles Cooper, trưởng bộ phận nghiên cứu đồng tại Wood Mackenzie. Giá phế liệu Mỹ được định giá dựa trên giao dịch tương lai trên sàn Comex ở New York. Trong năm nay, giá tương lai đã tăng vượt mức chuẩn quốc tế do kỳ vọng về thuế quan đối với kim loại này. Điều này khiến phế liệu Mỹ trở nên đắt đỏ so với thị trường toàn cầu, làm nản lòng người mua nước ngoài.

Tại Utah Metal Works, Lewon đã cố gắng chuyển một phần nguồn cung sang Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, nhu cầu từ các khu vực khác không đủ để bù đắp khoảng trống mà Trung Quốc để lại.

Ông Lewon chia sẻ rằng việc kinh doanh trong thời điểm căng thẳng thương mại như một trò chơi ghế âm nhạc, khi ông phải nhanh chóng tìm kiếm khách hàng thay thế cho Trung Quốc. “Khi âm nhạc dừng lại, bạn phải nhanh chóng tìm được một chiếc ghế để ngồi, nhưng không phải lúc nào cũng có ghế,” ông nói. “Với phế liệu đồng cũng vậy, không phải lúc nào bạn cũng có nơi để đưa chúng đi, nhất là khi Trung Quốc đã rút lui.”

H.Mĩ

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/phe-lieu-dong-my-chat-vat-tim-loi-ra-giua-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung.html