Phê phán các luận điệu xuyên tạc về chính sách dân tộc ở Việt Nam

Ở Việt Nam, chính sách dân tộc là những quyết sách của Đảng, Nhà nước tác động trực tiếp đến các dân tộc và quan hệ dân tộc để phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hướng tới mục tiêu bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các vùng và các dân tộc. Điều này thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, tình cảm, trách nhiệm của cả nước đối với những đóng góp của đồng bào các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng quà cho các hộ gia đình tiêu biểu trong phong trào Đại đoàn kết toàn dân tộc của xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, tháng 11/2022.

Bất chấp những nỗ lực thực hiện và thành quả vượt bậc trong xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc, chống phá bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn. Chúng cho rằng, Nhà nước hầu như không, hoặc rất ít quan tâm, dẫn đến đồng bào thiệt thòi, khi về chính trị thì đồng bào không có bình đẳng, tiếng nói để “bảo vệ” mình; về kinh tế, thì vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít được “đầu tư”, nên cuộc sống đồng bào ngày càng khó khăn, bà con không có tư liệu sản xuất, buộc phải “nhượng” đất cho người Kinh, tiếp tục mưu sinh bằng cách phá rừng…; về văn hóa, do bị “đồng hóa” văn hóa người Kinh, khiến các tộc người mất đi bản sắc truyền thống vốn có; về xã hội, thể trạng, học vấn, điều kiện phát triển của đồng bào so với người Kinh có khoảng cách ngày càng lớn. Chúng ra sức kích động mâu thuẫn giữa các dân tộc với nhau, giữa đồng bào dân tộc thiểu số với hệ thống chính trị, biểu hiện bằng việc đồng bào bị lôi kéo tham gia các cuộc biểu tình, bạo loạn, tạo ra các điểm nóng chính trị, gây ra nhiều hậu quả cho xã hội.

Luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay, đó là:

Một là, thực tiễn đã chứng minh, chính sách dân tộc ở nước ta được sớm quan tâm và có từ rất sớm, không phải như những luận điệu cho rằng thời gian gần đây khi mà nhiều vấn đề “nóng” liên quan tới đồng bào dân tộc thiểu số, được quốc tế “quan tâm và vào cuộc” thì các chính sách dân tộc mới được chúng ta đề ra và thực hiện.

Từ năm 1930 cho đến nay, Đảng ta đã luôn nhất quán quan điểm: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc luôn luôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Thực hiện tốt chính sách dân tộc bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển”1. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới toàn diện đất nước được bắt đầu từ năm 1986, vấn đề dân tộc đã tiếp tục được quan tâm, ưu tiên thực hiện thông qua một số Nghị quyết lớn như: Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 27/11/1989 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, tình hình miền núi và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới… với rất nhiều điểm mới, mang tính đột phá, là định hướng để Nhà nước triển khai các Nghị quyết, Chương trình lớn về phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hiện nay, với 85 luật, bộ luật, 52 nghị định của Chính phủ, 49 thông tư và thông tư liên tịch quy định các nội dung về công tác dân tộc, đã tạo cơ chế phát triển toàn diện, hướng tới mục tiêu bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa các vùng và các dân tộc ở Việt Nam.

Hai là, trong thời kỳ đổi mới, việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách dân tộc đã mang tính đồng bộ, toàn diện. Hoàn toàn không có chuyện giữa việc xây dựng và thực hiện các chính sách dân tộc có một “khoảng cách xa” và “độ vênh lớn”, các chính sách dân tộc vì đó “khó có khả năng phát huy hiệu quả”. Trong giai đoạn đổi mới đất nước, có thể nói việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, mang nhiều ý nghĩa lịch sử.

Với 53 dân tộc thiểu số với 14.119.256 người, chiếm 14,68% dân số cả nước, sinh sống tại 54 tỉnh, thành phố, 503 huyện và 5468 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 382 xã biên giơí2. Nếu như giai đoạn những năm đầu đổi mới, các chính sách mang tính trợ giúp, giúp đỡ để giải quyết các vấn đề cấp bách, liên quan trực tiếp tới đời sống của đồng bào, với các chương trình liên quan đến công tác xóa đói, giảm nghèo, thể hiện cụ thể như các chương trình 134, 135… Thì đến những năm gần đây, hàng loạt các chính sách đã được đề ra và thực hiện, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, đáp ứng được tính kịp thời, đồng bộ, liên kết, minh bạch.

Hiện nay, chúng ta đang có 118 chính sách ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm 54 chính sách trực tiếp cho các đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào các dân tộc thiểu số3, nhiều chính sách bảo đảm được lộ trình trung hạn, dài hạn cho các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với sự đề cao vai trò tham gia của đồng bào. Điểm nhấn quan trọng là bên cạnh hai Chương trình xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, lần đầu tiên nước ta có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước.

Ba là, các luận điệu cho rằng trong triển khai các chính sách dân tộc, Đảng và Nhà nước không hề đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, đồng bào các dân tộc thiểu số ở nước ta “ngày càng bị ngược đãi”, bị “phân biệt đối xử”; do vậy các chính sách dân tộc thực chất chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm người, còn đồng bào dân tộc thiểu số không được hưởng thụ gì cả, và đây chính là nguyên nhân của những bức xúc, dẫn đến những vụ việc bạo loạn của đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy điều ngược lai, khi mà trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước đã luôn nỗ lực ưu tiên tập trung bố trí đầu tư, hỗ trợ kinh phí nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với tổng kinh phí giai đoạn 2003 - 2008 là khoảng 250.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2015 là 690.000 tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 là 998.000 tỷ đồng, nguồn lực này được tập trung vào xây dựng hàng vạn công trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất... cho hàng trăm nghìn hộ đồng bào các dân tộc thiểu số4.

Trong gần 40 năm qua, những thành tựu lớn trong thực hiện chính sách dân tộc được biểu thị rõ nét, mà người thụ hưởng chính là đồng bào dân tộc thiểu số: Kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển đúng hướng và có chuyển biến mạnh. Từ thời điểm bắt đầu đổi mới, vùng đồng bào thiểu số có mức tăng trưởng thấp, đa số người dân trong diện nghèo đói. Khi bắt đầu tiến hành các chủ trương của Đảng về đổi mưới, hằng năm tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân 7%/năm, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân giảm 4%/năm; riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm trên 4%/năm; các huyện nghèo giảm 5 - 6%/năm. Đã có 8/64 huyện nghèo thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế huyện nghèo thoát nghèo; 124 xã, 1.322 thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 1.052 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mơí5.

Một số địa phương đã có các mô hình triển khai có hiệu quả như: Tỉnh Lâm Đồng có những mô hình: “Nhiều người giúp một người” (Hòa Nam - Di Linh); “Giúp nhau giảm nghèo nhanh, bền vững” (xã Tà Năng - Đức Trọng); phát triển kinh tế hộ sản xuất (xã B’Lá - huyện Bảo Lâm). Tỉnh Hòa Bình có mô hình khởi nghiệp trong “Liên kết phát triển trồng và sản xuất các sản phẩm của cây sachi (huyện Đà Bắc). Tỉnh Bình Phước có mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, bền vững từ đầu vào, sản xuất hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm hạt điều tại huyện Bù Đăng và Bù Gia Mập,… Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh, vai trò và tham gia vào bộ máy chính quyền cũng như những đóng góp vào đời sống xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được đảm bảo.

Năm 2019, cả nước có 605.582 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 11,98% tổng số đảng viên cả nước. Kết quả bầu nhân sự cấp ủy tại 67 Đảng bộ trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2020 - 2025 ghi nhận cấp ủy viên người dân tộc thiểu số là 389 đồng chí, đạt tỷ lệ 11,68%, cao hơn nhiệm kỳ trước 0,72%6. Trong Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã tăng dần, khóa XIII: 15,6%, khóa XIV: 17,3%, khóa XV: 17,84%. Văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được giữ gìn và phát huy, các thiết chế văn hóa cơ sở như nhà văn hóa, thư viện, câu lạc bộ, trung tâm sinh hoạt cộng đồng,... đã có ở 100% các làng, thôn, bản, buôn, phum, sóc.

Hiện 22 tỉnh, thành trên cả nước đang triển khai dạy và học chính thức 6 thứ tiếng, hệ phát thanh dân tộc VOV4 của Đài Tiếng nói Việt Nam hằng ngày phát 12 chương trình tiếng dân tộc thiểu số; kênh VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng 28 thứ tiếng dân tộc thiểu số với thời lượng 24/24h/ngày... Nhiều công trình văn hóa đặc sắc đã được vinh danh di sản văn hóa phi vật thể nhân loại như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Hát then của đồng bào Tày - Nùng ở Việt Bắc… Các vấn đề xã hội được cải thiện và nâng cao.

Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và phát triển rộng khắp, kể cả ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. 100% huyện có đường đến trung tâm huyện; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã và 97,2% thôn bản có điện lưới quốc gia; 93,9% hộ gia đình được sử dụng điện; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non; 99,3% xã có trạm y tế; 65,8% xã và 76,7% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng7. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo duy trì khi các mô hình như "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới", “Đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, "Tiếng kẻng an ninh", "Giáo xứ bình yên - đảm bảo an ninh trật tự", "Camera an ninh",… được triển khai rộng khắp và đạt hiệu quả cao, bảo đảm an ninh, trật tự trong các vùng.

Các thế lực thù địch cho rằng đồng bào sẽ “nổi dậy” khi không thể chịu được sự “áp bức” của chính quyền ở nơi sinh sống. Tuy vậy, thực tiễn cho thấy nguyên nhân hoàn toàn khác so với những gì các thế lực thù địch rêu rao. Những năm 2004, khi trả lời lý do tại sao lại tham gia “biểu tình” gây rối ở Tây Nguyên, đồng bào cho biết do nhẹ dạ cả tin khi nghe tuyên truyền về “chủ quyền” của cái gọi là “nhà nước Ðề-ga độc lập”, “đuổi người Kinh về xuôi”; nghe theo dụ dỗ và “lời hứa” tham gia thì sẽ được “hưởng thụ sung sướng”, được chia nhà, đất ở thành phố, cá nhân nào càng nhiệt tình, thì sẽ được ghi nhận và thưởng lớn, nếu không tham gia, đồng bào sẽ bị đe dọa đốt nhà, sát hại… Đây cũng chính là kết quả rõ nét để phản bác lại âm mưu dựa vào đồng bào dân tộc để chống phá cách mạng.

Có lẽ, trong thời gian tới thì vấn đề dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc ở nước ta vẫn là một trong những trọng tâm mà các thế lực thù địch tăng cường chống phá bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn. Tuy vậy, cũng như các giai đoạn trước và thực tiễn đang diễn ra, những âm mưu và hành động này chắc chắn sẽ thất bại, bộ mặt của những kẻ kích động chắc chắn sẽ bị lột trần, các giọng điệu chống phá hoàn toàn rơi vào lạc lõng,… Lý do chủ đạo để khẳng định niềm tin này chính là hiệu quả của các chính sách dân tộc đã và đang làm thay đổi toàn diện diện mạo vùng theo hướng bền vững và hiện đại, từ đó củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta.

Chú thích:

1. Chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước về vấn đề dân tộc, Nxb. Văn hóa dân tộc, H. 2000, tr.127.

2. Xem Báo cáo số 850/BC-UBDT ngày 29/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

3,4. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/821701/chinh-sach-dan-toc-cua-viet-nam-qua-35-nam-doi-moi.aspx

5. https://dangcongsan.vn/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dtts- n/chinh-sach-va-cuoc-song/doi-moi-cong-tac-xay-dung-to-chuc-thuc-hien-chinh-sach-dan-toc-625256.html

6. http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Chinh-tri/982524/27-bi-thu-tinh-thanh-uy-khong-phai-nguoi-dia-phuong

7. Báo cáo 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016.

4. Ban chấp hành Trung ương (Khóa IX), Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc trong tình hình mới, Hà Nội, 2003.

5. Ban chấp hành Trung ương (Khóa XII), Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Hà Nội, 2019.

6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021.

7. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.

ĐINH CÔNG TUYẾN - Thạc sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dau-tranh-phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich/phe-phan-cac-luan-dieu-xuyen-tac-ve-chinh-sach-dan-toc-o-viet-nam-57947.html