Phép giải sau 120 ngày

Sau gần 10 năm triển khai, tiến độ di dời nhà ven kênh rạch ở TPHCM khá chậm, giai đoạn 2016 - 2020 chỉ mới di dời được 2.479/20.000 căn, đạt 12,4%.

Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn vốn eo hẹp trước một lượng lớn nhà phải di dời, giải tỏa rất lớn và phức tạp.

Chưa kể những dự án khác cũng trong tình trạng tương tự dù đã vận dụng các phương thức như đổi đất lấy hạ tầng (BT) với dự án Rạch Ụ Cây, quận 8; khai thác đất tại chỗ sau khi giải tỏa nhà ven, trên kênh rạch với dự án bờ nam kênh Đôi, quận 8; khai thác đất đai mở rộng ranh dự án với dự án rạch Văn Thánh, quận Bình Thạnh…

 Tiến độ di dời nhà ven kênh rạch ở TPHCM khá chậm

Tiến độ di dời nhà ven kênh rạch ở TPHCM khá chậm

Và cơ hội tháo gỡ công trình trọng điểm của nhiều nhiệm kỳ qua đang được trao cho “chìa khóa” 98 (Nghị quyết 98/2003/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM), lãnh đạo thành phố đang tìm cách vận dụng cơ chế linh hoạt về tài chính, ngân sách, nguồn thu để tập trung thúc đẩy đầu tư cho các dự án nói trên, bởi nó là hành động hóa cam kết của chính quyền về mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân thành phố.

120 ngày qua, quá trình phân công, phân vai và kết nối các đầu việc đã được tiến hành rốt ráo không chỉ trong hệ thống từ cơ quan HĐND, UBND xuống đến sở ngành và TP Thủ Đức mà nó lan tỏa khá mạnh mẽ trong đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học cùng mạng lưới truyền thông. Nghị quyết 98 đã nối với Nghị quyết 24 để một công đôi việc, thực thi cơ chế cho thành phố và cơ chế vùng trong tổng thể quy hoạch quốc gia. Nỗ lực hành động của bộ máy chính quyền đã truyền đi và với một lượng không nhỏ được cụ thể hóa thành lợi ích cho người dân, như vận dụng cơ chế giá đền bù, giải phóng mặt bằng trong dự án Vành đai 3, đơn giản hóa thủ tục cấp phép xây dựng nhà cho người dân của TP Thủ Đức...

Song, có một thực tế sau 4 tháng Nghị quyết 98, vận hành đó là ngay trong chính những điều khoản mới và mở của nghị quyết này thì vẫn tồn đọng một số nút thắt với các bộ luật hiện hành. Dẫn tới tính đặc thù trong cơ chế vẫn bị ràng buộc, chồng chéo khi bản thân nó cũng chưa dám và cũng không thể “vượt trội” trên luật hay… sự điều chỉnh của luật đã không bắt kịp với điều kiện và đòi hỏi từ thực tế. Đơn cử như việc thanh toán dự án BT bằng tiền không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) nên không có cơ sở để khẳng định thẩm quyền trình tự, thủ tục ký kết và quản lý hợp đồng BT. Hay việc ký kết, quản lý hợp đồng BT lại nên hay không áp dụng theo Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…

Cho đến nay có 2 bộ/ngành vẫn “còn nợ” 2 nghị định đã đến hạn trình Chính phủ. Một số lĩnh vực mới được Nghị quyết 98 đề cập lại thiếu khung pháp lý từ các bộ chuyên ngành như năng lượng tái tạo áp mái, thị trường trao đổi carbon, các cơ chế cho phép tìm nhà đầu tư chiến lược, phương thức đầu tư liên quan đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Hay để giải quyết những vấn đề lớn phải có tính liên thông pháp lý mà bản thân Nghị quyết 98 chưa thể bao phủ hết như vấn đề quy hoạch, thủ tục và vốn để “thông tuyến” metro (toàn tuyến chứ không cục bộ như hiện nay), quy hoạch, phương thức đầu tư nào cho nhà ven sông, kênh rạch… Cùng với đó là năng lực thực thi của bộ máy chưa thể theo kịp đòi hỏi, sức bật “cần và đủ” cho Nghị quyết 98.

Trong phiên họp của Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo đã giải đáp và chỉ đạo giải quyết cụ thể trên từng đầu việc, hạng mục đi kèm lộ trình thời gian, đơn vị chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Ban chỉ đạo. Mà trước hết, người đứng đầu Chính phủ đã “khơi thông” tư tưởng “phải vận dụng những gì thông thoáng nhất, chứ có cơ chế đặc thù rồi mà còn vướng quá nhiều quy định, rồi còn chờ thống nhất với nhau thì còn gì là đặc thù nữa”.

Những kiến nghị của thành phố đã được tiếp nhận “đính kèm” cam kết cùng quyết liệt hoàn tất. Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 93 về phân cấp quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực và sẽ trình Bộ Chính trị, Quốc hội đề án Trung tâm tài chính quốc tế. Bên cạnh đó các Bộ KHĐT, Bộ Công thương, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải đều đưa ra thời hạn hướng dẫn cho các đầu việc thuộc các công trình trọng điểm của quốc gia - thành phố như Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, triển khai điện mặt trời áp mái, đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng cho các dự án lớn, điều chỉnh quy hoạch cảng biển, áp dụng chuẩn nghèo theo đặc thù thành phố…

Sau 4 tháng, những “bài tập” khó tiếp tục được đặt ra để giải quyết, không chỉ cho “nội hàm” của một bản nghị quyết. Nó còn là phép thử hành động cho phương thức vận hành, quản trị và trách nhiệm của một bộ máy công quyền trước đòi hỏi và kỳ vọng của người dân.

NGUYỄN QUÂN CÁT

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phep-giai-sau-120-ngay-post716796.html