Phi công 'Con nhà Trời' KQVN diệt F-105D Mỹ: Hào hoa mặt đất, hào hùng trên không!
Chiếc MiG-17 của Trần Hanh tiếp cận tốp cường kích địch, khai hỏa ở cự li 400m, xuất sắc lập chiến công tiêu diệt chiếc F-105D đầu tiên trong lịch sử Không quân Việt Nam.
"Kiến trúc sư" cho chiến thắng
Nói về những chiến công trên bầu trời của Không quân Việt Nam trong "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", không chỉ có sự dũng cảm, táo bạo của các phi công chiến đấu, mà còn phải kể đến những người chỉ huy không quân.
Không trực tiếp cầm lái, nhưng họ là những người đối đầu với kẻ thù trên bàn tiêu đồ trong sở chỉ huy. Người nhấn nút phóng tên lửa vào kẻ thù là phi công, nhưng đưa được phi công vào vị trí phóng tên lửa thuận lợi lại là trọng trách của những người chỉ huy. Có thể nói, đó là những "kiến trúc sư" cho chiến thắng.
Trong 12 ngày đêm Hà Nội trừng trị B-52 của đế quốc Mỹ, những người chỉ huy không quân là những phi công đã dạn dày kinh nghiệm của cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất.
Họ đã đánh những trận đầu tiên trên chiếc MiG-17, đã mở mặt trận trên không thắng lợi, viết những trang đầu tiên trong lịch sử chói lọi của Không quân nhân dân Việt Nam.
Một gương mặt tiêu biểu cho thế hệ đó là Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hanh. Năm 1972, ông là Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân, trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh của KQNDVN.
Tháng 12/2017, tác giả được gặp lại người anh hùng trong dịp họp mặt kỷ niệm 45 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", do Ban Liên lạc Cựu chiến binh Không quân phía Nam phối hợp với Sư đoàn Không quân 370 tổ chức.
Tại cuộc họp mặt, Trung tướng Trần Hanh bồi hồi chia sẻ những kỷ niệm trong những ngày nóng bỏng cuối tháng 12 năm 1972. Ông cũng rất vui khi thấy Không quân ta ngày càng trưởng thành, càng hiện đại hơn.
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh trực tại Sở Chỉ huy Binh chủng đặt trong hang đá núi Trầm, Hà Tây. Mỗi khi chấm dứt một trận đánh, ông và kíp trực đều hướng về Hà Nội.
Nhìn những quầng lửa cháy sáng rực bầu trời Hà Nội do bom đạn Mỹ ném xuống, mọi người sục sôi căm thù thề quyết trả thù cho đồng bào, đồng chí; quyết tâm tiêu diệt máy bay Mỹ không cho chúng vào đánh phá Thủ đô yêu dấu.
Hào hoa mặt đất, hào hùng trên không
Trong tập Hồi ký "Lính bay 1", Trung tướng phi công, Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái đã dành những lời đẹp nhất để viết về người chỉ huy của mình: Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 921 Trần Hanh rất quan tâm và thường tâm sự với các phi công trẻ mới tốt nghiệp bay ở Liên Xô về:
"Hạ cánh thì phải để máy bay tiếp đất thật êm đềm. Động tác vì vậy phải thật chuẩn xác và nhẹ nhàng như thiếu nữ thêu hoa mới được. Làm phi công ở mọi quốc gia, anh nào cũng phải: hào hoa mặt đất, hào hùng trên không".
"Hào hoa mặt đất, hào hùng trên không" - câu nói đó có lẽ là tiêu biểu cho các phi công Không quân Việt Nam, cũng là tiêu biểu cho con người Trần Hanh, người phi công anh hùng.
Trung tướng Trần Hanh sinh ngày 29/11/1932 tại làng Tức Mặc, xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Ông tham gia cách mạng từ tháng 12/1946; nhập ngũ tháng 9/1949 và được cử đi học tại Trường Quân chính Liên khu 3.
Tháng 9/1956 Trần Hanh là một trong những cán bộ chiến sĩ đầu tiên được Đảng, Bác Hồ, Quân đội cử sang Trung Quốc học lái máy bay chiến đấu MiG-17. Năm 1964, ông về nước và được đề bạt làm Đại đội trưởng Đại đội 1, Trung đoàn Không quân 921 (Đoàn Không quân Sao Đỏ).
Ngày 5/8/1964 Mỹ cho máy bay ném bom đánh phá vào các địa điểm ven biển của miền Bắc nước ta: Cảng Gianh (Quảng Bình), Vinh - Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), Bãi Cháy (Quảng Ninh), mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn vào miền Bắc Việt Nam.
Ngay sau đó, Trung đoàn Không quân 921 được lệnh chuyển sân, đưa toàn bộ đội hình từ sân bay Mông Tự (Trung Quốc) về sân bay Đa Phúc và ổn định tại nơi đóng quân. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã gấp rút tiến hành các công việc chuẩn bị cho trận đánh mở mặt trận trên không.
Phương án dẫn đường của Quân chủng đã chuẩn bị kỹ lưỡng và được Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hoàng Ngọc Diêu ký phê chuẩn thay cho Tham mưu trưởng.
Nội dung hiệp đồng cũng được quy định chi tiết, rõ ràng, cụ thể: giữa dẫn đường Sở Chỉ huy với phi công trực ban chiến đấu gồm có 7 điểm; giữa dẫn đường Sở Chỉ huy với dẫn đường màn hiện sóng có 5 điểm; giữa dẫn đường hiện sóng với các Đài trưởng radar có 8 điểm.
Ngày 2/4/1965, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ kiểm tra công tác chuẩn bị trực tiếp cho sẵn sàng chiến đấu của Không quân. Sau khi kiểm tra, Quân chủng quyết định sử dụng lực lượng, khu vực chiến đấu đánh địch, thời cơ xuất kích, các công tác bảo đảm và hợp đồng với lực lượng phòng không mặt đất.
Sẵn sàng cho trận chiến đấu đầu tiên của Không quân, mở "Mặt trận trên không". Bộ Tư lệnh Quân chủng chọn ngày 3/4/1965 là ngày ra quân.
Ngày 3/4/1965, Quân chủng quyết định sử dụng 2 biên đội MiG-17 tham gia đánh trận mở đầu:
Biên đội đánh chính: Phạm Ngọc Lan - Phan Văn Túc - Hồ Văn Quỳ - Trần Minh Phương.
Biên đội làm nhiệm vụ nghi binh và yểm hộ: Trần Hanh - Phạm Giấy.
Tại Sở Chỉ huy Quân chủng có các đồng chí: Tư lệnh Phùng Thế Tài, Chính ủy Đặng Tính, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hoàng Ngọc Diêu. Kíp trực Dẫn đường: Trần Quang Kính, dẫn trên bàn tiêu đồ; Đào Ngọc Ngư dẫn trên màn hiện sóng ở đài 402 của Đại đội 29A, tại sân bay Bạch Mai.
Sở Chỉ huy Trung đoàn Không quân 921: Trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện trực chỉ huy. Các sĩ quan dẫn đường: Bùi Quang Liên và Phạm Minh Cậy dẫn ở bàn tiêu đồ gần.
Lúc 9h40, Mỹ cho máy bay vào đánh phá các cầu: Hàm Rồng, cầu Tào, Đò Lèn.
Lúc 9h47, biên đội nghi binh Hanh - Giấy cất cánh, lấy độ cao 6.000m vào hoạt động ở khu vực Ninh Bình. 9h48, biên đội đánh chính cất cánh bay theo phương án đã chuẩn bị trước.
Khi Biên đội Lan - Túc - Quỳ - Phương vừa bay qua Ninh Bình thì đài 402 không bắt được tín hiệu máy bay ta, có thể do bay ở độ cao thấp và bị dãy núi che khuất.
Lúc này Sĩ quan dẫn đường Trần Quang Kính áp dụng phương pháp "dẫn mò" mà anh đã tích lũy được từ trận dẫn máy bay T-28 bắn rơi máy bay thả biệt kích hồi tháng 2/1964. Anh tính toán các số liệu và dẫn biên đội đánh chính vào khu vực không chiến.
Biên đội đánh chính chặn đánh máy bay địch trên khu vực Hàm Rồng. Phạm Ngọc Lan và Phan Văn Túc bắn rơi tại chỗ 2 máy bay F-8U của Mỹ.
10h17, Sở Chỉ huy Quân chủng ra lệnh cho cả 2 biên đội đánh chính và nghi binh thoát ly khỏi khu vực chiến đấu Hàm Rồng và khu vực nghi binh Ninh Bình.
"Con nhà Tiời" tiêu diệt "Thần Sấm" Mỹ
Ngày 4/4/1965 Mỹ tiếp tục cho nhiều tốp máy bay cường kích F-105 ném bom đánh phá Cẩu Hàm Rồng, một cây cầu huyết mạch, nhằm làm gián đoạn giao thông của ta. Địch tăng cường thêm máy bay tiêm kích F-100D để bảo vệ máy bay cường kích mang bom.
Các yếu tố bí mật, bất ngờ của trận đánh hôm 3/4/1965 không còn. Bộ Tư lệnh Quân chủng và kíp dẫn đường Sở Chỉ huy đã chọn cách đánh khác cho ngày 4/4/1965. Quân chủng vẫn quyết định sử dụng 1 biên đội đánh chính và 1 biên đội nghi bình, yểm hộ.
Lúc 10h20, Sở Chỉ huy lệnh cho Biên đội làm nhiệm vụ nghi binh gồm: Lê Trọng Long - Phan Văn Túc - Hồ Văn Quỳ - Trần Minh Phương cất cánh lấy độ cao 8.500m, hướng bay 110⁰. Biên đội nghi binh được dẫn vào khu vực Phủ Lý – Nam Định nhằm thu hút tiêm kích của Mỹ, sẵn sàng yểm hộ cho Biên đội công kích khi cần thiết.
Hai phút sau, lúc 10h22, Biên đội tấn công gồm: Trần Hanh - Phạm Giấy - Lê Minh Huân - Trần Nguyên Năm xuất kích. Lần này, Trần Hanh không làm nhiệm vụ nghi binh, mà trở thành chỉ huy biên đội tấn công địch.
Sở Chỉ huy dẫn Biên đội về hướng Đông để đánh lạc hướng địch, sau đấy cho vòng phải. Sau khi Biên đội vòng phải và cải hướng, lúc này biên đội đánh chính ở độ cao 4.000m và gần như nằm ngay phía dưới biên đội nghi binh. Đây là phương pháp dẫn "chồng tốp" của Sĩ quan dẫn đường Trần Quang Kính.
Đến gần khu vực chiến đấu, Biên đội được lệnh của Sở Chỉ huy lấy độ cao chiếm ưu thế về độ cao so với địch. Sở Chỉ huy thông bào vị trí mục tiêu cho Biên đội đánh chính.
10h30, phi công Phạm Giấy phát hiện tốp 4 chiếc F-105 bên phải, cự ly 13km, ngay sau đấy các số khác đều phát hiện nhiều mục tiêu. Số 1 Trần Hanh lệnh cho Biên đội vứt thùng dầu phụ, tăng tốc độ tiếp cận mục tiêu; đồng thời thời anh ra lệnh tách tốp.
Số 1, số 2 bám theo một tốp, khéo léo chen vào giữa tốp F-105D và F-100D để chiếm vị trí công kích.
Chiếc MiG-17 của phi công Trần Hanh bám theo một chiếc F-105D, cách máy bay địch khoảng gần 400 mét, anh nổ súng, chiếc F-105D bốc cháy và rơi cách Thanh Hóa 30 km. Đây là chiếc máy bay F-105D "Thần Sấm" của Không quân Mỹ đầu tiên bị MiG-17 của Không quân Việt Nam bắn rơi trên bầu trời miền Bắc.
Cùng lúc đó, số 3 và số 4 quần nhau với máy bay địch ở phía Bắc cầu Hàm Rồng; phi công Lê Minh Huân chiếm được vị trí thuận lợi, anh bám theo và nổ súng bắn hạ chiếc F-105D thứ hai.
Sở Chỉ huy ra lệnh thoát ly khỏi khu vực chiến đấu, nhưng tiêm kích địch quây lại rất đông, các anh quyết tâm chiến đấu đến cùng. Trận không chiến diễn ra rất ác liệt, các anh vừa cơ động tạo thế tấn công địch, vừa tránh tên lửa của địch.
Biên đội đã chiến đấu đến cạn dầu. Các phi công Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm đã anh dũng hy sinh.
Với chiến thuật, phương án dẫn đường đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và cách đánh sáng tạo của phi công, những chiếc MiG-17 lạc hậu vẫn hoàn toàn có thể bắn hạ những máy bay hiện đại nhất của Mỹ thời đó.
Những trận không chiến sau này của MiG-17 với Không quân, Hải quân Mỹ đã chứng minh điều đó: Không chỉ F-105 bị hạ mà MiG-17 của KQVN còn lập công bắn rơi nhiều loại máy bay của Mỹ kể cả máy bay F-4.
Tuy nhiên Biên đội làm nhiệm vụ tấn công không may mắn như Biên đội của Phạm Ngọc Lan ngày hôm trước. Ba chiếc MiG-17 bị rơi, ba phi công hy sinh.
Riêng chiếc MiG-17 của phi công Trần Hanh, sau khi tránh tên lửa còn rất ít dầu, đồng hồ la bàn bị hỏng, mặc dù được lệnh của Sở Chỉ huy cho phép nhảy dù, nhưng anh vẫn tìm cách hạ cánh để bảo vệ máy bay.
Phi công Trần Hanh cho máy bay hạ cánh bằng quán tính, anh điều khiển chiếc máy bay vượt qua các ngọn núi rồi cho hạ cánh xuống cánh đồng lúa xanh ở bản Kẻ Tằm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Bà con đồng bào dân tộc Thái ở bản Ké Tằm đã cứu giúp Trần Hanh, đưa ông về chăm sóc. Họ gọi ông là "Khăm Klơi" - người nhà trời. Mấy chục năm sau, Trần Hanh vẫn nhớ mãi ân nghĩa của bà con nơi đây - những người đã cứu giúp ông khi phải hạ cánh bắt buộc.
Để ghi dấu chiến công của biên đội MiG-17 KQNDVN, địa phương nơi phi công Trần Hanh hạ cánh bắt buộc, đã xây dựng tấm bia để ghi lại chiến công của những người Anh hùng. Người dân nơi đây còn gọi "Bia chiến công" là "Bia Con Trời".
Trên tấm bia ghi rõ:
"Nơi đây ghi dấu chiến công trận đánh ngày 4/4/1965 của Không quân nhân dân Việt Nam, lúc 10 giờ 30 phút. Biên đội máy bay MiG -17 gồm phi công Trần Hanh - Biên đội trưởng (số 1), Phạm Giấy (số 2), Lê Minh Huân (số 3), Trần Nguyên Năm (số 4).
Biên đội đã dũng cảm chiến đấu bắn rơi 2 máy bay F-105D của Mỹ để bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Đồng chí Trần Hanh và Lê Minh Huân mỗi người bắn rơi 1 chiếc.
Phi công Trần Hanh đã mưu trí cơ động tránh được 2 quả tên lửa "rắn đuôi kêu" của Không quân Mỹ - Máy bay hết dầu, đồng chí đã quyết định hạ cánh bằng bụng tại nơi đây.
Cán bộ và nhân dân Bản Kẻ Tằm, xã Châu Phong đã chăm sóc chu đáo đồng chí Trần Hanh bị thương sau khi hạ cánh. Và từ nơi này - Đất Mẹ đã đưa "Khăm Klơi" trở về với Đoàn Không quân Sao đỏ Anh hùng".
Trong những năm sau đó, phi công Trần Hanh vẫn tiếp tục bay trên những chiếc MiG tham gia chiến đấu với máy bay Mỹ.
Ngày 01/01/1967 phi công Trần Hanh là một trong ba phi công đầu tiên của Không quân nhân dân được Đảng, Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Ngày 20/11/1971 tại Sở Chỉ huy Tiền phương, phi công Trần Hanh đã trực tiếp chỉ huy và động viên phi công Vũ Đình Rạng bắn bị thương chiếc một máy bay B-52.
Trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972, tại Sở Chỉ huy Binh chủng đặt trong hang đá núi Trầm, Hà Tây, Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh của KQNDVN với Không quân, Hải quân Mỹ.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975, Phó Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh tham gia chỉ huy Không quân và là một trong những người trực tiếp chỉ huy trận đánh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975 của Không quân Việt Nam.