Phía sau những bài báo điều tra

Bị đe dọa, chửi bới, lăng mạ, thậm chí khủng bố... là những áp lực của các phóng viên, nhà báo khi thực hiện đề tài điều tra. Rất vất vả, hiểm nguy nhưng đề tài về mảng điều tra vẫn luôn thu hút người cầm bút say mê, chinh phục trên con đường gian truân này.

Để có những phóng sự phản ánh thực tế, phóng viên luôn không ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy

Để có những phóng sự phản ánh thực tế, phóng viên luôn không ngại khó khăn, gian khổ, thậm chí hiểm nguy

Chia sẻ về những vất vả, hiểm nguy khi hoàn thành nhiều tác phẩm điều tra báo chí đạt giải cao tại Giải Báo chí quốc gia, Giải Báo chí về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Dân Việt) nhấn mạnh: “Khi viết những đề tài về mảng điều tra, chuyện bản thân bị đe dọa là điều bình thường, nhưng kinh khủng hơn là những người thân của mình còn bị khủng bố điện thoại liên tục, đủ các chiêu trò để tra tấn tâm lý… quá nhiều chiêu thức trả thù mà những người đứng ngoài ánh sáng như chúng ta không thể phản ứng hết và ngờ tới.

Khi xác định bước chân vào mảng “khó nhằn” này là các nhà báo đã mang trong mình đủ độ “lì”, dũng cảm và sẵn sằng đón nhận mọi tình huống xấu nhất. Tôi còn nhớ, có phóng viên trẻ mới vào nghề, phải thực hiện một vụ mới dù đã lên kịch bản, chuẩn bị tâm lý khá kỹ, nhưng khi vào cuộc và thực hiện xong thì bị sang chấn tâm lý một thời gian khá dài… Đánh đổi bản thân, hạnh phúc gia đình là những gì mà họ đã gan dạ để chấp nhận, vượt qua".

Điều tra báo chí là một thể loại đặc biệt với những hiểm nguy mà không phải phóng viên nào cũng dám dấn thân hay có đủ năng lực để thực hiện. Tôi nhớ đã cùng nhóm phóng viên thực hiện một đề tài mất gần 2 năm trời. Không chỉ là tìm tòi, “nằm vùng” để phát hiện đề tài, nghiên cứu phương án “theo dõi”, lên kế hoạch nắm bắt, “vào hang ổ”, và đặc biệt là bảo toàn cho bản thân và gia đình.

Có những phóng sự điều tra khi lên mặt báo, chúng tôi ngay lập tức đã phải tìm các “hốc lánh nạn” cho người thân, gia đình. Các đối tượng bị “phơi bày ra ánh sáng” dùng đủ “mưu hèn kế bẩn” tìm cách trả thù, chúng suy đoán, phủ nhận tìm mọi cách để hãm hại những nhà báo chân chính.

Chưa nói, quá trình thực hiện vấp phải nhiều rào cản như cám dỗ về vật chất, tiền bạc, quà tặng… thậm chí bị đánh vào tâm lý, tình cảm. Chúng tôi cũng có những trận “đấu trí” căng thẳng với chính bản thân để có thể chiến thắng. 2 năm thực hiện 1 đề tài, có những khoảng thời gian tưởng chừng bế tắc khiến chúng tôi mệt mỏi… nhưng ngọn lửa tình yêu nghề vẫn thôi thúc và không cam chịu khi “tội phạm” chưa được đưa ra ánh sáng; chúng tôi lại cùng gỡ khó, tháo nút thắt. Bao gian khó, hiểm nguy đi qua cùng nước mắt và có những mất mát, có đau thương trong tâm hồn, ngoài thể xác… vẫn không nguội tắt niềm đam mê.

Một đồng nghiệp chia sẻ: "Đối diện với bản thân - là sự cô đơn khi phải chia cách với người thân, là sự hy sinh lặng lẽ mà chúng tôi phải vượt qua. Nhưng đối diện với gia đình lại là một áp lực và những cảm xúc phải nén lại. Tôi vẫn nhớ, có lần mẹ hỏi - "đi đâu hàng tháng không về để gia đình thấp thỏm lo âu", rồi "hàng xóm có lần thấy con bốc vác ở ngoài phố là sao?"... Và rất nhiều câu hỏi của người thân đặt ra, trách cứ. Những cảm xúc đó tôi không bao giờ quên nhưng lấy đó làm động lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất".

Phóng viên chịu áp lực chửi bới, xúc phạm khi thực tế tìm hiểu sự việc. Ảnh CTV

Phóng viên chịu áp lực chửi bới, xúc phạm khi thực tế tìm hiểu sự việc. Ảnh CTV

Và hạnh phúc nhất với phóng viên, nhà báo làm điều tra là khi tác phẩm được "thành hình", những tổ chức, cá nhân hoạt động trái pháp luật được phơi bày ra ánh sáng, là hồi chuông cảnh tỉnh cho người dân trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, môi trường, an ninh… từ đó, tạo hiệu ứng tốt cho xã hội, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, hướng con người tới cuộc sống bình an, hạnh phúc và một môi trường ngày càng trong sạch hơn.

Nhiều tác phẩm điều tra của các phóng viên, nhà báo Báo Vĩnh Phúc đã được công chúng đón nhận, giành được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi báo chí Trung ương và địa phương như "Lật tẩy chân tướng Pháp môn Diệu âm", "Vén bức màn Pháp luân công", "Mầm mống kịch độc từ tạp đạo “Năng lượng gốc Trống Đồng”, "Hoạt động trái pháp luật của Hội thánh Đức Chúa trời", "Lật tẩy hành vi siêu lừa đảo của tập đoàn Tân Hoàng Minh"…

Nhưng ít ai biết được, sau những bài báo đó là những nhọc nhằn, hiểm nguy và sự hy sinh lặng lẽ. Để có tư liệu cho những bài điều tra, phóng viên, nhà báo phải “hóa thân” thành nhiều vai khác nhau như làm xe ôm, nhân viên bán hàng, phụ xe, buôn bán, "tín đồ"… Họ vắng mặt dài ngày, xa gia đình và "nằm ổ" trong điều kiện khó khăn, vượt qua mọi thử thách gian truân để có được thông tin, bằng chứng sát thực, âm thầm đối mặt với những nguy khó.

Có những chuyến đi "lọt vào sào huyệt" phải đầu kinh phí, tự tìm cách chống trả với những tình huống "ngàn cân treo sợi tóc" bất ngờ phát sinh... Và vì những yêu cầu bí mật nghiệp vụ họ luôn âm thầm hy sinh, chấp nhận và không thể sẻ chia. Họ đấu tranh để tự mình vượt qua nhiều cung bậc cảm xúc - kìm nén, không để chi phối để có thể vượt lên hoàn thành nhiệm vụ một cách cao cả.

Vất vả, hi sinh mới có thành công, đó là những gì các nhà báo, phóng viên phải chấp nhận khi dấn thân làm điều tra báo chí. Phải đánh đổi vô vàn trong hiện tại, nhưng họ vẫn âm thầm, mãnh liệt như ngọn lửa không bao giờ tắt để những giọt nước mắt vỡ òa trong niềm vui, hạnh phúc khi sự thật được phơi bày!...Mỗi phóng viên, nhà báo khi thực hiện phóng sự điều tra - họ như những “chiến sĩ” trên mặt trận hiểm nguy. Họ đem đến những chiến công vinh quang nhưng cũng thật thầm lặng. Điều tra báo chí đòi hỏi hội tụ mọi yếu tố: Năng lực, bản lĩnh, sức chịu đựng và dám hy sinh.

Bài, ảnh: Thu Thủy

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95147//phia-sau-nhung-bai-bao-dieu-tra