Phía sau những nỗi đau da cam...
PTĐT - Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau để lại cùng di chứng chất độc da cam/ Dioxin vẫn còn dai dẳng. Người ta vẫn nói 'Nạn nhân chất độc da cam là những người khổ nhất trong những người khổ nhất...
PTĐT - Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau để lại cùng di chứng chất độc da cam/ Dioxin vẫn còn dai dẳng. Người ta vẫn nói “Nạn nhân chất độc da cam là những người khổ nhất trong những người khổ nhất, nghèo nhất trong những người nghèo nhất”. Những người vợ, người mẹ vẫn âm thầm gánh vác, là điểm tựa cho nạn nhân chất độc da cam.Tuổi 70, đáng nhẽ phải được hưởng sự an nhàn bên các con cháu nhưng với ông Lê Đình Nhạc và bà Nguyễn Thị Tâm ở khu Núi Trang, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh thì suốt gần 40 năm qua chưa đêm nào được ngủ yên giấc bởi một trong 4 người con của ông bà bị thiểu năng trí tuệ do di chứng chất độc da cam. Ông Nhạc nhập ngũ năm 1967, từng tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam, từ Quảng Ngãi đến Kom Tum ông đều có mặt. Nỗi đau lòng chưa hết khi đứa cháu nội đầu tiên sinh năm 2007 của ông bà đang khỏe mạnh thì đến năm 2014 mắt mờ dần, bị mù lòa do chèn dây thần kinh lên tuyến yên, u não không thể đi lại được nữa. Mọi sinh hoạt cá nhân như ăn uống, tắm giặt đều phụ thuộc vào ông bà, bố mẹ. Ông Nhạc chia sẻ: Là nạn nhân trực tiếp nhiễm chất độc da cam sinh ra nhiều bệnh tật đã đành, đằng này lại nhiễm sang của thế hệ thứ ba, thương đứa cháu trai mà không cầm được nước mắt. Bà nhà tôi cũng thường xuyên đau ốm nhưng vẫn phải lo chăm sóc cho con, cháu hàng ngày để bố mẹ nó đi làm...” Cùng chung “nỗi đau da cam” với những người như ông Nhạc, bà Tâm là bà Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1955. Lấy chồng năm 1981, hai cô con gái đầu lòng đều bình thường, nhưng đến cậu con trai thứ 3 sinh năm 1988, được hơn 1 tháng tuổi thì bắt đầu đau ốm mãi không khỏi, dần dần chân tay co quắp, teo lại, thiểu năng trí tuệ và liệt. Lúc này ông bà Hồng mới biết con mình bị di chứng chất độc da cam.
Năm 2012, chồng mất do ung thư, bà Hồng một mình gồng gánh chăm sóc cho đứa con tật nguyền hơn 30 tuổi nhưng lúc nào cũng như một đứa trẻ lên 2. “Đáng nhẽ trong gia đình phải đầy ắp tiếng cười, đằng này hơn 30 năm qua lại chỉ có tiếng đập phá, gào thét của con. Nửa đêm vẫn hay dậy quấy khóc. Chưa đêm nào tôi có một giấc ngủ yên. Niềm an ủi của tôi là hai con gái đi lấy chồng có con cái sinh ra đều bình thường”. Lúc chồng còn sống, bà Hồng vẫn thường nói với ông rằng bà có một ước mơ đó là “Ngày có 24 tiếng được nằm nghỉ ngơi, thanh thản” nhưng ước mơ nhỏ nhoi đó biết đến bao giờ mới thực hiện được.Với những người lính mang trong mình chất độc da cam, vượt lên những nỗi bất hạnh của cuộc đời, họ tìm cho mình niềm lạc quan, niềm vui sống để quên đi “vết thương” chiến tranh.
Nhập ngũ năm 1968, ông Nguyễn Xuân Thùy ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao khi đó tròn 20 tuổi đã tham gia chiến đấu chiến trường miền Nam, lập nhiều chiến công được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ giải phóng hạng Nhì, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang ... Năm 1974, do bị thương nặng, ông Thùy được phục viên. Sau khi lấy vợ, sinh con, ông Thùy mới biết hậu quả di chứng chất độc da cam đã đeo đẳng đến con mình. Cô con gái thứ 2 đến 2 tuổi thì ốm đau, chân tay co quắp, bại liệt. “Những năm tháng ấy, mỗi khi nhìn vợ khóc, nhìn đứa con không lành lặn, lòng tôi đau như cắt. Nhưng rồi tôi nghĩ, không thể cứ ngồi nhìn mãi vào vết đau của quá khứ mà mình phải mạnh mẽ để làm điểm tựa cho vợ con”. Suốt 43 năm qua, ông Thùy vừa làm vừa dành thời gian chăm sóc con gái đã 43 tuổi. Những nỗi đau, di chứng da cam trên thân thể các nạn nhân và con cháu họ khó nói hết bằng lời. Thay vì chấp nhận số phận nghiệt ngã, những người bà, người mẹ, người vợ, người cha đã dành hết sức lực, tình thương suốt nhiều thập kỷ qua để chăm sóc chồng, con. Những tấm gương ấy, mảnh đời ấy vẫn luôn cần sự hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng để tiếp thêm cho họ động lực, niềm tin cuộc sống, luôn là chỗ dựa tin cậy những nạn nhân chất độc da cam tiếp tục sống, vượt qua nỗi đau ....
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202008/phia-sau-nhung-noi-dau-da-cam-172402